Hạ Hòa, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên
Hạ Hòa là huyện miền núi nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Phú Thọ, cách trung tâm tỉnh lị 70 km; Phía Bắc và Tây Bắc cách thành phố Yên Bái 37,5km; phía Đông Bắc cách huyện Đoan Hùng 32,2km; phía Tây Nam cách Yên Lập 16,5km; phía Nam cách huyện Cẩm Khê 19,3km; phía Đông Nam cách huyện Thanh Ba 19,6km. Hạ Hòa cũng chính là mảnh đất thiêng của xứ sở Vua Hùng, nằm ở trung tâm của các vùng kinh tế trọng điểm với những bản sắc văn hóa giàu tiềm năng nên Hạ Hòa đã và đang tạo cho mình những cơ hội phát triển.
Địa hình Hạ Hòa thuộc dạng lòng chảo, thoải dần theo hướng Đông Nam, được tạo nên bởi các triền núi cao như các núi Ông (218m), núi Văn (387m), núi Tiên Phong (125,5m), núi Kìm (513m), núi Trưa (221,9m), nằm ở địa phận 10 xã, có sườn thoải dần về phía sông Thao và các núi Gò Ngang (272m - Yên Kỳ), núi Buộm ( Hương Xạ), núi Sơn Nhiễu (152m - Đại Phạm), núi Thanh Hương( Phụ Khánh) sườn thoải dần về tả ngạn sông Thao. Chính dạng địa hình trên đã tạo ra các vùng sinh tháI khác nhau( vùng đất bãi trong đê sông Thao, vùng đồi đất thấp, vùng đồi cao và đất núi) có nhiều hứa hẹn và điều kiện để địa phương phát triển toàn diện lâm, nông, ngư nghiệp.
Toàn huyện có 13.822 ha rừng trong tổng số 16.000 ha đất có khả năng lâm nghiệp (chiếm 40,73% đất tự nhiên), chia ra 2.367 ha rừng tự nhiên (1.664,3 ha rừng sản xuất, 702,7 ha rừng phòng hộ) và 11.455 ha rừng trồng (11.326 ha rừng sản xuất, 129 ha rừng phòng hộ.
Hạ Hòa xưa kia là vùng còn giàu rừng, nhưng đến nay còn lại rất ít, những giải rừng gỗ lim xanh, trám trắng, chò nâu, dẻ đá, dẻ gai hoặc kém hơn là mỡ, hu, ba soi, chẹo…ở những nơi xa đường giao thông, đi lại khó khăn hoặc rừng tre nứa xen cây hoặc rừng tre nứa thuần nhất. Các cây gỗ quý còn lại cũng chỉ là sồi, dẻ, re, vàng tâm, trai, nghiến. Một diện tích rừng khá lớn trong huyện đã bị khai thác đến tàng kiệt, chỉ còn chè vè, cỏ tranh, nứa tép và giang.
Trong điều kiện lớp phủ rừng nguyên sinh bị phá hủy và lớp phủ rừng thứ sinh không có tán lá đủ rộng để ngăn những trận mưa xối xả vào đá phiến, sườn dốc làm cho lớp đất vụn bề mặt bị hòa nước rồi nhanh chóng cuốn xuống sông suối gần đó, đôi khi tạo ra những cơn lũ đột ngột khó lường được hậu quả. Vì vậy, cần có biện pháp để bảo vệ lớp phủ bảo vệ thực vật rừng để điều tiết chế độ nước sông, nhằm ngăn chặn xói mòn và các thiên tai bất ngờ khác.
Khí hậu của Hạ Hòa nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, mang nhiều nét đặc trưng của khí hậu miền núi phía Tây Bắc. Nhiệt độ trong năm trung bình từ 220 - 240C; cao nhất vào tháng 5 - 6 là 33,60C, có lúc lên tới 410C, thấp nhất vào tháng 1 là 13,40C, có lúc xuống tới 40 C. Lượng mưa trung bình trong toàn huyện đo được là 2.000mm. Mùa mưa từ tháng 5 - 10, chiếm 80 - 85% lượng mưa cả năm( cao điểm vào các tháng 6, 7, 8). Mùa khô từ tháng 11 - 12 chiếm 15 - 20% lượng mưa cả năm. Ta có thể theo dõi tại ấm Thượng, lượng mưa hàng tháng được ghi chép từ 1965 - 1997( tính theo mm):
1
|
2
|
3
|
4
|
5
|
6
|
7
|
8
|
9
|
10
|
11
|
12
|
35,5
|
37,6
|
57,6
|
122
|
226
|
303
|
296
|
391
|
273
|
184
|
66,6
|
5,6
|
Gió mùa đông bắc ở Hạ Hòa kéo dài từ tháng 12 đến tháng 3. ở một số vùng thuộc hữu ngạn sông Thao thời kỳ này xuất hiện sương muối. Gió đông nam bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 11 trong năm, tạo nên sự mát mẻ và mưa nhiều ở địa phương. Gió tây nam xen kẽ gió đông nam, mỗi đợt kéo dài vài ba ngày, khiến cho khí hậu khô nóng, độ ẩm thấp. Những năm gần đây thường xuất hiện bão lốc cục bộ, kèm theo mua đá vào các tháng 4, 5, 6 hàng năm, có lẽ do Hạ Hòa nằm giữa lòng chảo khu vực hai hồ lớn thủy điện Hòa Bình và thủy điện Thác Bà.
Hạ Hòa có độ ẩm trung bình 80 - 85% năm, trong đó độ ẩm cao nhất đo được là 96%, thấp nhất là 60%.
Chế độ thủy văn của Hạ Hòa khá phong phú. Lưu vực sông Thao bao trùm toàn bộ địa phương gồm dòng chính sông Thao và các phụ lưu, kéo dài từ tây bắc xuống đông nam với chiều dài 33,5km (trong tổng số 902 km có 332 km thuộc nước ta tính đến Việt Trì và 250 km theo hướng này), tỏa rộng sang 9 xã hữu ngạn và 12 xã tả ngạn có chiều rộng hàng chục cây số. Đây cũng là khu vực chuyển tiếp từ đông bắc sang tây bắc Bắc Bộ. Địa hình lưu vực sông Thao cao về phía tây bắc thấp dần về phía đông nam, tạo điều kiện cho mưa địa hình hình thành. Mưa tăng theo độ cao thể hiện khá rõ rệt. Vùng có địa hình cao thì mưa nhiều. Ngược lại các thung lãng thấp kín gió thì lượng mưa giảm. Trên một bình diện khác ta thấy, vùng mưa lớn Hoàng Liên Sơn sông suối phát triển có mật độ từ 1 - 1,75 km/km2 , nhưng do Hạ Hòa nằm ở vùng thung lũng nên lượng mưa chỉ đạt 2.000mm/năm, lượng bốc hơi nhiều, độ dốc nhỏ, mạng lưới sông ngòi kém phát triển hơn, nên mật độ phổ biến chỉ đạt 0,6 - 1 km/km2 .Sông Thao là tên giành riêng gọi cho sông Hồng đoạn từ biên giới đến Việt Trì, phát nguyên từ dãy Ngụy Sơn tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) cao trên 2.000m. Từ phía dưới Yên Bái, lòng sông mở rộng đến 300 - 400m, địa hình hai bên bờ hạ thấp xuống dưới mức 25m và thường bị nước lũ tràn ngập. Tại đây đã xuất hiện những đoạn đê đầu tiên của sông Hồng và vận tải trên sông đã thuận tiện hơn, trừ một vài nơi xuất hiện bãi cạn. Sông Thao có một số phụ lưu chảy qua đất Hạ Hòa như sau:
Ngòi Lao chảy từ núi Banh (220 m) qua Văn Chấn (Yên Bái), Yên Lập, chảy vào hạ lưu Hạ Hòa 17km thuộc Vô Tranh và Bằng Giã, lưu vực lòng rộng, lượng nước dồi dào (ngòi dài 69km, lưu lượng 20,4m3/ s).
Ngòi Vần chảy từ núi Hân(810m), núi Bổng (736m), núi Na (977m) của Yên Bái qua Hiền Lương 2,5km được chặn lại thành hồ chứa nước rộng 300 ha cung cấp và tưới cho 3 xã hữu ngạn sông Thao.
Ngòi Giành xuất phát từ tỉnh Sơn La qua huyện Yên Lập chảy ra sông Thao, lưu vực sông, độ dốc không cao, dễ gây lũ lụt.
Ngòi Sen chảy từ Lục Yên (Yên Bái) qua Đại Phạm, Hậu Bổng ra sông Thao.
Ngòi Lửa (tên thông dụng còn gọi là Lửa Việt) chảy từ núi Buộm ra sông Thao, bị chặn lại thành hồ Ao Châu, lưu vực sông , thủy sinh dồi dào, cung cấp nước tưới cho 1.200ha vùng hạ huyện, có nhiềm tiềm năng du lịch.
Hạ Hòa còn có một hệ thống hồ đầm rất phong phú như đầm Chính Công, Phai Lón (Quân Khê); Móng Hội, Đầm Trì (Lâm Lợi); Láng Thượng, Thùi (Chuế Lưu); Hầm Kỳ (Xuân Áng); Cửa Hoảng (Văn Lang); Khe Bảo, Khe Gân (Vô Tranh); Đầm Đào (Minh Côi); Đồng Phai (Hậu Bổng); Cửa Khâu (Phụ Khánh); Khe Luồn (Yên Luật)…
Sông ngòi và hồ đầm phong phú, trữ lượng nước lớn dùng trong việc cung cấp cho sinh hoạt, sản xuất vận chuyển, nuôi trồng thủy sản và du lịch. Trong Vân đài loại ngữ, Lê quý Đôn đã từng viết “Ở Hạ Hòa và Thanh Ba, mạn con sông Thao có thứ hỏa ngư, giống cá trắng mà sắc hơi đỏ. Lại có thứ mã ngư, mõm như mõm ngựa; thiềm ngư đầu như đầu cóc. Về mạn dưới địa phận Sơn Vi, Phù Khang không có các giống cá ấy”. Tuy nhiên, do tốc độ dòng chảy lớn về mùa mưa và luôn luôn thay đổi, lòng sông bị nâng cao nên hiện tượng xói lở, úng ngập ngày càng nhiều, gây không ít trở ngại cho sản xuất và sinh hoạt.
Hạ Hòa có các loại đất đá được hình thành qua các thời kỳ:
- Đất đá tiền Cambri: Chủ yếu là đá biến chất phức hệ sông Hồng và các đá biến chất tuổi Thái cổ và Nguyên sinh đại, tồn tại cách ngày nay trên 1.200 triệu năm, trong đó có giải nằm kẹp giữa hai sông Thao, Lô kéo dài từ Lào Cai, Yên Bái về Hạ Hòa và chạy tới Bạch Hạc - Việt Trì.
- Đất đá Cổ sinh đại: Thành tạo trên dưới 300 triệu năm chở lại đây, có rải rác trong huyện.
- Đát đá Trung sinh đại: Thành tạo cách đây 200 triệu năm, có nhiều ở Hạ Hòa.
- Đất đá Tân sinh đại: Bao gồm đất đá của hai kỷ đệ tam và đệ tứ, có từ khoảng 50 triệu năm chở lại đây, bắt gặp ở các vùng đồi thấp và đồng bằng, dọc đôi bờ lưu vực sông Thao và sông Lô.
Cấu tạo địa chất này đã tạo ra cho Hạ Hòa những núi Phượng Dục”hình thế vòng quoanh như chim phượng tung cánh, trên núi có hàng mấy trăm cây thông, trông thấy xanh um, chân núi có am Từ Quang” (Đại Nam nhất thống chí), “ruộng đất rộng rãi, nhân dân giàu có đông đúc; những huyện xã ở gần núi và ven sông đều có thứ tre nứa củi gỗ và bồ quỳ (tục gọi là lá cọ)” (Lê Quý Đôn - Kiến Văn tiểu lục).
Tài nguyên khoáng sản của Hạ Hòa nghèo chủ yếu được khai thác để sản xuất vật liệu xây dựng. Vùng ven sông Thao có trữ lượng dồi dào về đất sét dùng làm gạch ngói. Cao lanh có trữ lượng hàng triệu mét khối phân bổ ở Yên Luật , Phương Viên, Vô Tranh. Đá xây dựng cũng có vài ba triệu m3 ,tập trung ở Quân Khê, Yên Luật. Ngoài ra còn có cát đen ở sông Thao và cát sỏi ở Ngòi Lao.
Tài nguyên đất: Theo số liệu năm 1997 trong tổng số 33.934,41 ha đất tự nhiên, Hạ Hòa có 9.756,98 ha đất nông nghiệp( 29%), 3.072 ha đất chuyên dùng (xây dựng cơ bản, giao thông, thủy lợi, di tích, an ninh quốc phòng, nghĩa địa, sản xuất vật liệu xây dựng - 9%), 611 ha đất thổ cư (2%) và 6.680,76 ha đất chưa sử dụng ( đất hoang hóa, đất đồi - 19,68%). Mạng sông suối, ao hồ chiếm 2.973 ha, còn lại là đất lâm nghiệp (13.821 ha - 41%).
Về nông hóa thổ nhưỡng, đất Hạ Hòa có các loại như sau:
1. Đất phù sa được bồi tụ hàng năm 900 ha ( 2,65%), phân bố ở ngoại đê sông Thao, dư lượng phù sa lớn, ít chua, thành phần cơ giới từ cát pha đến thịt trung bình, độ phì cao (mùn, đạm,lân tỷ lệ khá) thích hợp cho việc trồng rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày).
2. Đất phù sa không bồi tụ hàng năm 3.000 ha (8,84%), trải dọc theo sông Thao, tạo thành những vùng lúa chủ yếu của huyện, thành phần cơ giới từ thịt nhẹ đến sét, độ phì khá (hàm lượng mùn, đạm, lân, kali tương đối).
3. Đất phù xa có sản phẩm feralit 300 ha (0,88%) thuộc vàn cao chua, nghèo dinh dưỡng, thường trồng màu, lúa có nhiều ở Phụ Khánh,Vĩnh Chân, Quân Khê, Bằng Giã.
4. Đất chiêm trũng úng nước trong mùa mưa 1.200 ha (3,53%) phân bổ ở các xã vùng đất giữa như Chiến Công, Y Sơn, Bằng Giã. Thành phần cơ giới thịt nặng, yếm khí, khó tiêu nước, dễ gây úng, hầu như ngập nước thường xuyên, giàu mùn đạm, lân, và kali, trồng lúa năng suất thấp và bấp bênh.
5. Đất bạc màu 2000 ha (5,9%) tập trung ở các xã Vĩnh Chân, Phụ Khánh, Yên Luật và có mặt ở hầu hết các xã trong huyện. Đất chua, nghèo dinh dưỡng, thường trồng màu (đỗ, lạc…).
6. Đất dốc tụ 1.000ha (3%) phân bố khắp nơi, lớp mặt thường là cát thô, sỏi cặn, chua, thành phần cơ giới từ cát pha đến thịt nhẹ, thường trồng hoa màu (sắn, khoai, đậu, đỗ…).
7. Đất lầy thụt 400 ha (1,2%) tập trung ở thị trấn Hạ Hòa, Chính Công, Bằng Giã.
8. Đất feralit đỏ vàng trên nền phiến thạch sét 25.450 ha, bằng 2/3 diện tích đồi núi của huyện, phân bổ ở 22 xã giáp Yên Bái, Đoan Hùng và các xã giáp Yên Lập, thường ở độ cao 70m, độ dốc lớn, tầng đất dầy, thành phần cơ giới thịt nặng, dinh dưỡng khá, dùng trồng rừng và cây công nghiệp.
9. Đất feralit đỏ vàng phát triển trên đá macma 8.483 ha, phân bố chủ yếu ở các xã giáp Yên lập, dùng trồng rừng và cây lâu năm.
10. Đất phù xa xen lẫn đồi núi 200 ha (0,59%) ít chua, hơi dốc tụ, thích hợp trồng hai vụ lúa.
Ngoài ra, ở Hạ Hòa còn có các loại đất phát triển trên nền đá vôi (Quân Khê), cao lanh (Phương Viên, Yên Luật).
Thiên nhiên quả đã phần nào ưu đãi cho Hạ Hòa những tài nguyên về đất đai, rừng núi, khí hậu, khoáng sản và nước phong phú, đa dạng. Mỗi người chúng ta cần bảo vệ, giữ gìn vốn quý ấy cho muôn đời con cháu mai sau.
ĐỊA LÝ KINH TẾ
Giao thông thực tế là huyết mạch của guồng máy kinh tế của địa phương. Mạng lưới giao thông của Hạ Hòa Phân bố khá đều.
Điều này có thể nhận biết ngay ở hai tuyến quốc lộ chạy qua địa bàn của huyện: Quốc lộ 32C từ Minh Côi đến Hiền Lương dài 24,4km ; Quốc lộ 70A Đoan Hùng- Yên Bái , qua Đại Phạm 4 km được trải nhựa. Bên cạnh đó cong có các tỉnh lộ 311 ( yên Kỳ - Đại Phạm dài 28,73 km), 312 ( Vụ Cầu - Thị trấn Hạ Hòa dài 14,5 km), 314 ( Ấm Hạ- Hậu Bổng, dài 22 km) và hệ thống các huyện lộ như Gia Điền - Y Sơn ( 9 km), Vĩnh Chân - Hương Xạ ( 7 km), Đan Thượng - Đại Phạm ( 7 km), Xuân Áng - Hiền Lương ( 10 km), Bằng Giã - Mỹ Lương ( 9 km), Hương Xạ - Tây Cốc ( 6 km), Yên Kỳ - Vân Lĩnh ( 4 km), Hương Xạ - Phương Viên ( 4 km). Ngoài ra toàn huyện còn 1413 km đường liên xã, liên thôn.
- Trên địa bàn Hạ Hòa có 24,75 km đường sắt Hà Nội - Lào Cai chạy qua, chiếm bề mặt 15m ( 37.250 m2 nền, 544.500 m2 hành lang), có 2 ga là Ấm Thượng (Thị trấn Hạ Hòa) và ga Đan Thượng chiến 16.210 m2.
Giao thông đường thủy chủ yếu trên sông Thao hiện tại một số cảng sông được mở ra ở Vĩnh Chân, Ấm Thượng và bến phà Ấm Thượng sang Chuế Lưu. Nếu kể cả các bến đò ngang, diện tích dành cho bến cảng, bến phà và bến đò chiếm 28.214 m2.
Hạ Hòa đã và đang xúc tiến trải nhựa một số tuyến đường, nâng cấp cải tạo các tuyến Vĩnh Chân - Hương Xạ, Đan Thương - Đại Phạm, Phương Viên - Tây Cốc, Xuân Áng - Quân Khê; Dành hàng triệu mét vuông cho đất giao thông để mở rộng các quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ và đường liên xã, liên thôn cùng các đường ở thị trấn, thị tứ và các công trình giao thông (bến xe, cung và hạt giao thông).
Về thông tin liên lạc, hiện tại ngoài bưu điện thị trấn Hạ Hòa còn có trạm bưu cục khu vực ở các xã Bằng Giã, Xuân Áng, Đan Thượng, Hương Xạ, các điểm bưu điện - văn hóa xã và đã có đài phát thanh cấp huyện và các đài cơ sở.
Trong nhiều năm qua ngành công nghiệp, thủ công nghiệp Hạ Hòa tập trung vào sản xuất chè, giấy, vôi, gạch, cát, sỏi, thành phẩm và say sát lương thực. Sản phẩm do công ty chè Hương Xạ, công ty chè Phú Bền, doanh nghiệp chè Đắc nhân tâm được thị trường ưa chuộng.
Ngoài Công ty Cô phần giấy Lửa Việt sản xuất và cung cấp cho nhu cầu trong và ngoài tỉnh nhiều sản phẩm có chất lượng trong huyện còn có nhiều cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng ở Yêu Luật, Quân Khê, Y Sơn, Phụ Khánh, Lệnh Khanh, Động Lâm, Lâm Lợi, Lang Sơn, Văn Lang, Bằng Giã, Minh Hạc. Một số mở cao lanh đang được khai thấc ở Yên Luật, Phương Viên.
Toàn huyện hiện có 64, 28 km đường điện cao thế và 94,50 km đường điện hạ thế với công suất 6,500 KW.
Tiềm năng du lịch ở khu vực đầm Ao Châu, đền Chu Hưng, đền Mẫu Âu Cơ, đình và đền Văn Lang và hồ Ngòi Vần cho nhiều hứa hẹn để phát triển nhiều loại hình du lịch thiên nhiên kết hợp với các sinh hoạt văn hóa công đồng.
Nghề rừng ở Hạ Hòa phát triển khá sớm. Ngoài việc khai thác gỗ, các sơn tràng còn tập trung khai thác nhiều loại lâm sản khác để dùng cho việc làm nhà cửa, đan lát, chế tạo dụng cụ, làm nguyên liệu giấy (tre gai, hóp, trúc, mai, giang). Nhiều loại cây rừng đã được thuần hóa để cung cấp gỗ hoặc thực phẩm như mít, dẻ, trám, vả, đậu triều. Không ít cây được trồng để khai thác tinh dầu nhựa, như quế, trẩu, sở, bồ đề, sơn. Ngoài ra còn có một số cây dược liệu như ba kích, sa nhân, củ mài…Hạ Hòa đang hướng nghề rừng vào trồng các loại cây có giá trị như luồng Thanh Hóa, tre lấy măng xuất khẩu. Hàng năm, toàn huyện có hơn 1.200ha rừng đến chu kỳ khai thác, chủ yếu là bạch đàn (trữ lượng 30 - 40 m3/ha) bồ đề, keo.
Ngày xưa, Hạ Hòa nằm trên con đường trung chuyển lâm sản giữa vùng ngược và vùng xuôi. Theo sông Thao và các Ngòi Vần, Ngòi Lao, Ngòi Giành, gỗ và tre nứa kết thành bè mảng; củ nâu, cánh kiến, nhựa trám, mộc nhĩ, nấm hương, quả dọc, trám, vỏ gió, măng, quýt chất lên đầy thuyền đưa về các tỉnh đồng bằng.
Sự giao thoa giữa nghề nông đã tạo ra loại hình vườn rừng (lâm viên) khá độc đáo. Đã có những rừng cọ ở Hạ Hòa rộng hàng trăm mẫu. Sơn lá si và sơn lá trắng, mặc dù phải chăm bón khá công phu nhưng cũng xuất hiện trên nhiều vùng đất dốc đồi thoải của huyện. Chè được trồng trên các sườn đồi của Hương Xạ, Yên Kỳ, Cáo Điền, Phương Viên, Hà Lương, Đại Phạm, Phụ Khánh, Lang Sơn, Minh Hạc…
Vườn cây ăn quả rộng vài chục ha mới chỉ thấy xuất hiện quanh vùng Ao Châu. Nổi tiếng xưa nay là quýt Đan Hà, Động Lâm trồng trên đất phù xa cổ, cho quả to, vỏ mỏng, nhiều nước vị ngọt pha chua dôn dốt.
Hạ Hòa vốn là huyện thuần nông. Từ xa xưa, các công trình trị thủy đã được người dân ở đây hết sức chú trọng. Tổng diện tích dành cho các công trình thủy lợi trong toàn huyện chiếm tới 1.304,45 ha (42,45% diện tích đất chuyên dùng, 3,84% diện tích tự nhiên). Trải qua bao năm tháng, hệ thống đê tả ngạ sông Thao từ Hậu Bổng đến Vụ Cầu dài 32,5km (kết hợp tỉnh lộ 321 và 314) và hữu ngạn sông Thao từ Hiền Lương đến Minh Côi dài 23,2 km (kết hợp quốc lộ 32C) trở thành hệ thống đê ngăn nước lũ chủ yếu trên địa bàn Hạ Hòa. Đó là chưa kể các tuyến đê hữu ngạn, Ngòi Lao thuộc địa phận Bằng Giã dài 9,5 km; đê Ngòi Vần ở Hiền Lương dài 1,7 km; đê Tiểu Phạm dài 2km và đê Ngòi Giành ở Minh Côi dài 1 km. Ngoài ra, toàn huyện còn có 71,95 km hệ thống kênh ngoài chính phục vụ cho tưới tiêu nông nghiệp như ngòi Kẹn (Quân khê - Hiền Lương), ngòi Mỹ (Động Lâm), ngòi Đồng Chí (Lâm Lợi), ngòi Chuế (Chuế Lưu), ngòi Nứa (Bằng Giã), ngòi Khôn (Văn Lang), ngòi Cái (Đại Phạm), ngòi Hiêng (Lệnh Khanh - Phụ Khánh), ngòi Trang (Yên Luật - Vĩnh Chân). Toàn huyện còn có 6,2km hệ thống bờ ngực ngăn nước, 6 trạm bơm (Y Sơn, Lang Sơn, Chân Lao, Vụ Cầu, Minh Hạc, Minh Côi) và 758,65 ha mặt nước.
Trong quá trình sản xuất, người dân Hạ Hòa đã tạo ra được nhiều giống lúa nổi tiếng như nếp cái hoa vàng, dẻo và thơm ngon; lúa sọc còn gọi là hiên đỏ được trồng dọc hai bờ sông Thao, dù gieo sớm hay muộn đến trung tuần tháng 10 dương lịch mới trổ bông, đẻ khỏe và chịu ngập cao (ngập 2 tuần lễ vẫn sống, còn 1 dảnh vẫn đẻ), thích hợp cho vùng đất ven sông, chân mùa trũng hoặc cấy ngay sau vụ gặt chiêm. Loại lúa này cho gạo có sắc hồng, vị ngọt. Ngoài ra nhân dân địa phương còn trồng nhiều ngô dọc bờ bãi ven sông Thao, trồng sắn ở vùng đồi Gia Điền, Hà Lương, Ấm Hạ, Phương Viên, Quân Khê. Nhiều xã ven đê như Minh Hạc, Ấm Thượng, Mai Tùng còn trồng rau.
Bên cạnh che, sắn, còn có cây cọ đó là một cây đặc biệt của vùng thượng du. Rừng chiếm nhiều diện tích ở hạ Hòa. Một số rừng cấm được quy định. Quan trọng nhất phải kể đến rừng Năng Yên, Đại Lịch, Trung Giáp, Trần Nhi, Chí Linh, Bằng Thượng, Ngòi Sen (tả ngạn sông Hồng).
Hoạt đọng thương mại ở Hạ Hòa phát triển rất sớm nhờ vị trí chuyển tiếp từ đồng bằng, trung du lên miền núi Yên Bái, Nghĩa Lộ. Vùng Đan Thượng có phố xá tấp nập, chợ ở đây họp 5 ngày một phiên thu hút nhiều người ở vùng xuôi như Vĩnh Yên, Phúc Yên, nhất là khách buôn Đình Bảng (Bắc Ninh) và người vùng ngược như Yên Bái, Nghĩa Lộ, Lào Cai. Ngoài ra còn phải kể đến chợ Hiêng (Lệnh Khanh) chuyên bán nón, chợ Đồng Lũng được ghi trong Đại Nam nhất thống chí. Nhiều thị tứ đã hình thành tại Vĩnh Chân, Xuân Áng, Hiền Lương, Ấm Hạ, Bằng Giã, Đan Thượng. Hệ thống chợ được lập lên ở thị trấn Hạ Hòa, Ấm Hạ, Đại Phạm, Lang Sơn, Đan Thượng, Vĩnh Chân, Minh Côi, Bằng Giã, Xuân Áng, Vô Tranh, Hiền Lương, văn Lang, Hương Xạ… làm cho việc sản xuất và giao lưu hàng hóa ở các địa phương trở nên sôi động và thuận tiện hơn. Hệ thống nhà ga, giang cảng, thị tứ và thị trấn ở Hạ Hòa đang ngày càng thu hút nhiều người đến buôn bán thông thương.
ĐỊA LÝ NHÂN VĂN
Vài ba vạn năm trước đây, trên nhiều lĩnh vực của huyện Hạ Hòa, con người đã tập trung cư trú và sinh sống trên các đồi gò, đã biết tạo ra các phương tiện để che mưa nắng; chế tạo các đồ dùng để chặt, nạo, ghè, giã từ đa cuội nhặt tại chỗ hoặc trên các lòng suối. Lúc này, tuy gia đình chưa xuất hiện con cái chỉ biết có mẹ, chưa biết trồng trọt và chăn nuôi, cuộc sống còn lệ thuộc nhiều vào thiên nhiên nhưng con người đã biết dùng lửa để nấu chín thức ăn, để sưởi ấm và xua đuổi thú rừng. Họ kéo nhau vào rừng để tìm quả trẩy hạt, bẻ măng, đào củ và săn bắn. Đây là thời kỳ lịch sử còn gọi là nền văn hóa chế tác đá cuội hoặc nền văn hóa Sơn Vi. Chủ nhân của nền văn hóa Sơn Vi trên đất Hạ Hòa để lại nhiều dấu tích ở Động Lâm, Ấm Thượng, Lang Sơn, Mai Tùng, Vĩnh Chân.
Sau những gián đoạn khá dài, hàng vạn năm sau con người lại mới có điều kiện tiếp tục cư ngụ trên vùng đất Hạ Hòa, nhưng lúc này những cư dân ấy đã là chủ nhân của nền văn minh sông Hồng, các thành viên của nhà nước Văn Lang - Âu Lạc của Hùng Vương - An Dương Vương. Nghề nông, nghề thủ công đều phát triển mạnh, kỹ nghệ đúc đồng đã cung cấp cho nghề nông nhiều lưỡi cày, lưỡi cuốc bằng đồng, cho nghề săn bắn những vũ khí bén nhọn. Gia đình đã xuất hiện và trở thành hạt nhân của xã hôi. Bắt đầu từ đây, nhân dân Hạ Hòa có nhiều đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.
Phong tục tập quán truyền thống hiếu học của nhân dân Hạ Hòa đã được sử sách ghi nhận và ca ngợi. Lê quý Đôn trong sách Kiến văn tiểu lục viết rằng: “Một giải sông Thao, dân tục thuần hậu, biết lễ phép văn tự”. Từ thời Trần ở làng Vụ Cầu có Nguyễn Thuyên (còn gọi là Hàn Thuyên) - người đầu tiên của nước ta dùng đường luật vào thơ nôm, ông tổ của thể thơ Hàn Luật. Theo nhiều tài liệu, ông đỗ Thái học sinh - tức học vị tiến sĩ vào đời Trần Thái Tông (1225 - 1258), niên hiệu Thiên ứng chính bình thứ 16 (1247), làm đến công bộ Thượng thư. Năm 1282, đời Trần Nhân Tông, tục truyền có cá sấu vào sông Lô, vua sai ông làm bài văn tế cá sấu ném xuống sông, cá bỏ đi. Theo Đại Việt sử ký toàn thư “vua cho là việc này giống như việc của Hàn Dũ nên cho Nguyễn Thuyên đổi thành họ Hàn”.
Về sau, ông chuyển xuống làng Lai Hạ (trước thuộc Thanh Lâm - Hải Dương, nay thuộc Gia Lương - Bắc Ninh). Hàng năm chi họ Nguyễn vẫn giỗ ông vào ngày mồng 5 tháng 7 Âm lịch. Gia phả họ Nguyễn ở Bắc Khê (Cao Bằng) và Vụ Cầu (Hạ Hòa - Phú Thọ) ghi nhận ông là người đầu tiên dùng chữ Nôm để chép gia phả của dòng họ, chép Quốc sử và làm thơ phú. Từ điển Việt Nam ghi nhận ông là người khởi xướng kết hợp thể thơ dân gian với Đường luật, mở màn cho phương hướng tìm tòi sáng tạo tích cực trong tiến trình phát triển nền học viết bằng tiếng Việt.
Thời vua Minh Mệnh nhà Nguyễn, huyện Hạ Hòa có Nguyễn Văn Đạt, người làng Giáp Ất giành được học vị cử nhân tại trường thi Hà Nội vào năm 1831, làm quan tới chức Bố chánh.
Tưởng nhớ đến người xưa có công mở đất, tôn thờ đạo gia tiên vừa là một mỹ tục vừa là tín ngưỡng của nhân dân Hạ Hòa. Đền Âu Cơ - còn gọi là đền Quốc Mẫu được xây dựng lâu đời trên đất Hiền Lương. Ngôi đền tuy nhỏ, làm theo hình chữ nhật (-) có 5 gian nằm giữa đồng lúa mênh mông nhưng thật vững chãi. Cây đa cổ thụ sau đền, cành lá xum xuê phủ kín một khoảng không gian rộng lớn, tạo thêm vẻ trang nghiêm u tịch. Pho tượng Quốc Mẫu Âu Cơ cao 0,93m được Đặt trong ngai vị trang trọng, hai tay đặt trên đầu gối, chân đi hài cong, đầu đội mũ lấp lánh kim cương, mặt hoa da phấn, dánh hình thanh tú. Toàn bộ tượng và ngai được đặt trong một khám cao 1,82 m, dài 1,63 m, rộng 1,25 m có 3 mặt kính, phần phía trên và các diềm được chạm thủng theo đề tài tùng, các, mai và rồng chầu mặt nguyệt. Các thành phần khác bằng gỗ ở trong đền đều được sơn son thiếp vàng lộng lẫy. Đền Gò Chén tại Đan Thượng được xây dựng để thờ Hà Viết Đạo - người có công đánh giặc phương Bắc, hàng năm nhân dân đã quy tụ về đây vào dịp mồng 8 tháng 4 Âm lịch để cầu cúng, mở hội thuyền rồng mang hình chủ tướng và nghĩa binh thưởng lệ công lao.
Hội hè đình đám cũng được tổ chức nhiều nơi trên địa bàn huyện.Đan Hà, Đan Thượng có lệ mở hội tế thần, mở cửa rừng tại đền Thượng vào tối mồng 6 tháng Giêng, sau đó có cuộc thi mở khoá cửa đền trước sự cổ vũ của mọi người rồi tiếp đến chạy thi lấy sỏ lợn. Ngoài ra, còn có hội thi vật ở Mai Tùng, Đan Thượng; hội thi cướp cờ ở Văn Lang; hội thi nấu chè ở Chu Hưng (Ấm Hạ). Đặc biệt, hội đền Âu Cơ, ngoài những trò dệt vải, ép mật, giã gạo còn có tục làm bánh vôi từ bột gạo nếp, nước mía.
Kho tàng tục ngữ, phương ngôn và văn nghệ dân gian của nhân dân huyện Hạ Hoà cũng hết sức phong phú. Những xóm làng trù phú, nên thơ, những đặc sản nổi tiếng khắp mọi miền; những dòng sông gắn bó với cuộc đời từ lúc trẻ thơ cho đến khi khuất bóng, những rừng cọ ánh lên màu xanh non tơ và những đồi chè bát ngát hiện lên.
- Lắm thóc Gia Điền, lắm tiền Chu Hưng.
- Bưởi Chí Đám, quýt đan Hà
Cà phê Phú Hộ, đồi trà Thái Ninh
- Muốn ăn gạo trắng nước trong.
Vượt qua Dốc Kẻo, vào trong Đàn Trầm.
- Sông Thao nước đỏ như son,
Người đi có nhớ nước non quê mình.
- Em nay buôn chỉ bán tơ,
Buôn ngọn sông bờ, bán ngọn sông Thao.
- Mưa rừng cọ, gió rừng thông.
- Trước nương sơn, sau nương chè
Ước gì ta lại đi về cùng nhau.
- Chợ Hiêng một Tháng 6 phiên
Cái nón chnàg đội là tiền em mua.
Trong quá trình lao động sản xuất, nhân dân Hạ hoà còn tích luỹ được nhiều kinh nghiệm từ thiên nhiên, khí hậu để kịp thời có biện pháp dự phòng hoặc tận dụng ngay những lợi thế đó. Khi quan sát các cơn mưa kéo đến từ thượng lưu sông Thao, mạn Ấm Thượng chở lên, mọi người khẳng định:
- Cơn mưa đằng ngược
Chẳng có nước rửa chân
Người làm nghề vớt cá bột trên sông Thao cũng đúc rút cho mình thời điểm tận dụng thời cơ mỗi năm chỉ đến một lần:
Cha chết hẵng để đầu hè,
Con ơi đừng bỏ nước mè mồng năm
Nhân dân Hạ Hoà rất yêu ca hát, đã sáng tạo ra loại hình hát ví đồi chè khá độc đáo. Trên các nương chè, họ vừa hái vừa hát:
- Lạ lùng ta mới tới đây
Thấy chè thì hái biết cây ai giồng
Chè đâu thơm lạ thơm lùng,
Thơm cả người hái, người giồng cũng thơm.
- Sang chơi anh nhớ hẹn ngày,
Để em bắt ngọn chè đây bắc cầu…
Các phường chèo Minh Côi, Xuân Áng, Mai Tùng, Vĩnh Chân khá nổi tiếng trong vùng. Cũng như bao vùng quê khác , nhân dân Hạ Hoà quần tụ với nhau trong các chòm xóm, thôn làng theo quan hệ huyết thống hoặc những nhu cầu khác của xã hội. Khi dựng nên khu vực tụ cư, thế hệ nào cũng quan tâm đến yếu tố tiện canh, tiện cư, gần nguồn nước, thuận đi lại, cao ráo để tránh được lụt lội về mùa giông bão, thoáng mát trong mùa hè nhưng lại kín đáo về mùa đông, tiện cho phòng vệ tiến lui khi có giặc dã.
Xưa khi vài thôn lập thành một xã - đơn vị hành chính cơ sở của một nước. Tổng là cấp trung gian giữa xã và huyện, đứng đầu là cai tổng (từ 1885 gọi là chánh tổng), có phó tổng giúp việc. Xã có xã trưởng ( năm 1828 đổi gọi là lý trưởng), giúp việc có cấp phó và một số chức dịch khác như nô lại (trông nom sinh đẻ, giá thú), trưởng bạ (coi việc đền thổ), trương tuần (coi việc tuần phòng). Mỗi xã như thế có nhiều thôn hoặc chia thành nhiều nhóm, nhiều khu (khu đình, khu chùa, khu trại), có vài dòng họ với họ đàn anh (đông đinh, giàu có, có công lập làng), họ đàn em (ít đinh, nghèo khó, mới di cư đến), sinh hoạt theo một hình thức đặc biệt, gọi là giáp (như Lang Sơn có 4 giáp: đông, tây, nam, trung), hoặc phe (như Đan Thượng có 3 phe chia theo dòng họ). Thành viên của phe, giáp là nam giới và dân đinh chính cư thuộc các dòng họ, xóm ngõ, phường hội. Giáp đảm nhận việc phù sinh tống tử (công nhận người mới mẻ, Đưa người chết về với tổ tiên), phân cấp và quản lý công điền, tổ chức biện lễ thành hoàng.
Làng xã ở Hạ Hòa còn có tổ chức tập hợp được người theo nghề nghiệp gọi là phường (phường chèo, phường nón) hoặc tự nguyện góp tiền của giúp nhau thường xuyên gọi là họ (họ tiền, họ gạo), tập hợp những người có học vấn gọi là hội (hội tư văn, hội tư võ). Về mặt thiết chế xã hội còn phân thứ bậc khác nhau theo phẩm hàm, bằng cấp, chức tước, tài sản và thổi tác với những nghĩa vụ và quyền lợi khác nhau (với tiêu chuẩn thành viên là dân đinh chính cư).Hội đồng kỳ mục là bộ máy quản lý làng xã gồm tân cựu chánh phó tổng, chức sắc cùng quan lại về hưu, các cựu lý phó trưởng…đứng đầu là tiên chỉ và một hai thứ chỉ, toàn quyền quyết định công nghiệp trong làng (phân bổ thuế khóa, sưu dịch, binh tráng, bầu cử tổng lý, phân cấp công điền, xây dựng và tu bổ đình chùa, tổ chức hội hè đình đám). Hội đồng lý dịch đứng đầu là lý trưởng được dân làng bầu ra và nhà nước công nhận, đại diện cho bộ máy nhà nước phong kiến ở nông thôn, chịu trách nhiệm nộp sưu thuế, phu lính cho nhà nước. Làng xã còn được quản lý bằng hương ước hay khoán lệ đã ghi thành văn bản với nhiều điều mục khác nhau nhằm quản lý con người, quản lý xã hội chặt chẽ hơn với các nội dung khá toàn diện, đề cập tới hầu hết các mặt của làng xã (kinh tế, bảo vệ môi trường, ngôi thứ, hương ẩm, an ninh, hôn nhân). Nó đã góp phần tích cực giữ gìn thuần phong mỹ tục, củng cố khối đoàn kết và cố kết làng xã, giải quyết tốt đời sống tâm linh, góp phần làm phong phú đời sống cộng đồng. Tuy nhiên, hương ước đã phần nào làm cho sự đối lập giữa làng với nước (lệ làng - phép nước) tăng lên, con người chỉ biết sống theo lề thói cục bộ, ít quan tâm tới lợi ích của toàn xã hội.
Vai trò của ngôi đình làng cũng khá quan trọng, vừa là nơi thờ tự Đức Thành hoàng, vừa là nơi hội họp khi có công việc và cử hành các cuộc tế lễ chung, hội hè đình đám. Cạnh đó còn có đền hoặc nghè thường nhỏ hơn, thờ tự các vị phúc thần. Ngoài ra còn có miếu thờ sơn thần, hà bá hoặc các cô hồn đặt ở đầu làng, sườn núi, bãi sông hoặc gò đồi xa cách. Ở nhiều nơi, người có công giúp đỡ dân làng cũng được dựng bia đặt ở chốn đình chung. Đình Văn Lang là một kiến trúc và nghệ thuật của Hạ Hòa. Tại xã Y Sơn có tới 2 đình, 2 đền và 20 miếu thờ thần linh. Lang Sơn cũng có tới 4 đình. Đan Thượng hiện còn 2 đình và 1 đền.
Phật giáo cũng có mặt ở Hạ Hòa vào khoảng đời nhà Trần, đến nay vẫn để lại nhiều chùa chiền trong hầu hết các làng xã. Chùa chiền ở địa phương được kết cấu theo kiểu chuôi vồ, thờ tam thù thế tôn, thích ca, văn thù, phổ hiền, đức thế chí, ca điệt, tôn giả, tòa cửa long. Ngoài ra còn có tứ kim cương, tứ pháp giới, Thị Kính, đức ông, thái thượng lão quân. Hàng tháng vào hai kỳ sóc, vọng (mồng 1 và ngày rằm), các cụ bà lại lên chùa lễ Phật, tối 14 tháng 7 Âm lịch làm lễ Vu lan…
Thiên chúa giáo vào Hạ Hòa khoảng đầu thế kỷ XX, tập trung ở một số xã vên sông Thao.
Anh dũng đấu tranh chống giặc ngoại xâm cũng là một truyền thống quý báu của nhân dân Hạ Hòa trong suốt tiến trình lịch sử của mình. Do vị trí địa lý, huyện thường ít nằm trong hướng xâm lược chính của kẻ thù nhưng mỗi khi có điều kiện, mọi người đã không ngần ngại vùng lên cầm gương, ôm súng chiến đấu với bè lũ cướp nước.
Vào đầu công nguyên, đất nước ta nằm dưới ách thống trị nhà Đông Hán. Chúng ngày đêm ra sức cướp đoạt của cải và ruộng đất, thi hành chính sách đồng hóa “sát phu hiếp phụ” một cách tàn nhẫn. Năm 34, Tô Định sang thay tích quang làm thái thú Giao Chỉ, càng gian tham hơn và nổi tiếng là kẻ “thấy tiền thì giương mắt lên”. Để thỏa mãn lòng tham, Tô Định sai bọn đốc bưu tăng cường đốc thúc đồ tiến cống, thu thuế muối, sắt cùng sản vật thủ công, đánh thuế cá đầm ao rất nặng. Các lạc tướng bị đè nén khống chế, ngày đêm oán hận chờ thời nổi lên.
Đúng vào thời điểm mùa Xuân năm 40 sau Công nguyên, nữ tướng Trưng Trắc, con gái lạc tướng Mê Linh, mang mối thù do chồng là Thi Sách - con trai lạc tướng Chu Diên bị Tô Định giết hại, đã cùng em gái là Trưng Nhị phất cờ khởi nghĩa, lập tức nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt của các lạc tướng và lạc dân. Trong đội ngũ đông đảo tướng lĩnh ấy, Hạ Hòa vô cùng tự hào vì đã đóng góp vào sự nghiệp chung những gương mặt ngời sáng: Lê Ả Lan, Lê Anh Tuấn (Văn Lang), Hải Long (Mai Tùng ).
Ngọc phả lưu lại tại đình Văn Lang kể lại có hai vợ chồng ông bà họ Lê từ vùng Đường Lâm thuộc đất Phong Châu đã ngược dòng sông Thao đến trang Văn Lang thuộc đất Thao Giang để cầu tự. Thời gian trôi qua, ông bà đã sinh được một gái và trai, đặt tên là Ả Lan và Anh Tuấn. Hai chị em lớn lên đều khôi ngô tuấn tú, thông minh và khỏe mạnh lạ thường. Ông bà đã cho con đi học chữ và đón thầy về dạy võ nghệ, kiếm cung. Năm hai chị em 17 - 18 tuổi, trời làm đại hạn, ruộng đất nứt nẻ, lúa khoai đều mất mùa, nhân dân khắp nơi đều đói kém. Trong hoàn cảnh ấy, bố mẹ lại bị quan quân đánh đập, ốm nặng mà chết. Hai chị em đi giao du khắp nơi trong thiên hạ để liên kết với các anh hùng hào kiệt.
Được tin Hai Bà Trưng khởi nghĩa, hai chị em đã cùng mọi người kéo về Hát Môn, Phúc Thọ - Sơn Tây được giao làm tướng tiên phong, đem quân đánh giặc ở xứ Thao Giang. Bằng hai cánh quân thủy bộ, đội quân của Lê Ả Lan - Lê Anh Tuấn đi đến đâu, quan quân Đông Hán tan tác đến đó. Khi tới trang Văn Lang, kẻ thù cũng cuống cuồng rút chạy. Lê Ả Lan đem quân đóng giữ vùng Ao Trời còn Lê Anh Tuấn được giao làm phó tướng, đóng quân ở thung lũng chân núi. Ngoài ra, hai chị em còn cho lập đồn trại ở bến đò và bốn bên doanh trại; tổ chức khai phá bình lầy rộc rậm để cấy lúa, trồng khoai, mở mang thành Đồng Thóc và Phì Nhiêu. Tháng Giêng năm ấy, Lê Ả Lan cho dân giã gạo nếp, thổi xôi, làm bánh dầy, bánh út, mổ trâu, mở hội múa kiếm khao quân. Sau đó, hai chị em được lệnh tiến xuống giải phóng Lụy Lâu (Bắc Ninh). Trong khi chiến đấu, Lê Anh Tuấn đã bị thương nặng ở chốn trận tiền. Sau chiến thắng, hai chị em được phong ấp ở đất Đường Lâm và được trở lại đóng ở Văn Lang. Mấy năm sau, vào ngày 25 tháng 8 Âm Lịch, cả hai chị em đều mất ở núi Ao Trời. Nhân dân Van Lang đời nay hương khói để tưởng nhớ công lao của hai chị em họ Lê đã hết lòng xả thân vì độc lập của dân tộc.
Trong cuộc xâm lược Bắc kỳ lần thứ hai, thực dân Pháp tìm cách đánh chiếm bằng được vùng Sơn - Hưng - Tuyên rộng lớn. Ngày 16 - 12 1983, chúng tấn công vào tỉnh thành Sơn Tây, quân đội do Nguyễn Văn Giáp chỉ huy cầm cự suốt ba ngày đêm rồi rút về lập căn cứ ở Lâm Thao. Ngày 12 - 4 - 1984, quân Pháp lại đánh chiếm tỉnh thành Hưng Hóa. Sau khi lui quân, Nguyễn Quang Bích rút lên Tiên Động. Khu vực núi rừng hiểm chở giáp với 3 huyện Cẩm Khê, Hạ Hòa, Yên Lập - lại có đồng ruộng và ao đầm lớn rộng rồi theo Ngòi Rành ra sông Hồng sang Thanh Ba, xuôi về Cẩm Khê, ngược lên Hạ Hòa để có thể dễ dàng rút vào Yên Lập hoặc đi Nghĩa Lộ. Dần dần khu vực này trở thành trung tâm kháng chiến của vùng thượng du Bắc Kỳ.
Mãi đến 18 - 6 - 1886, thiếu tướng Giamê mới đích thân chỉ huy cuộc tiến công vào Tiên Động nhưng không thu được kết quả gì đáng kể. Ngày 1 - 11- 1886, viên quan tư Bécgăng lại tấn công vào đây. Trước tình hình đó, Nguyễn Quang Bích đã cho rút quân theo dọc sông Thao, vào Ngòi Vần đi Nghĩa Lộ. Nhiều trận đánh ác liệt đã diễn ra, nghĩa quân đã tổ chức tấn công vào huyện lỵ Sơn Vi, phá đồn Cẩm Khê và Thanh Ba. Ngày 25 - 11 -1889, hàng trăm nghĩa quân với 70 tay súng đã cùng một lúc tấn công Ngòi Vần và huyện lỵ Hạ Hòa, bắn bị thương viên tri huyện. Khi ấy, trong địa bàn huyện Hạ Hòa đã hình thành các trung tâm kháng chiến của Đề Ngần ở Ấm Thượng; Lãnh Đa, Đề Mạc, Lãnh Hạc ở Xuân Áng, Lãnh Vĩnh ở Vĩnh Chân; Lãnh Chấp ở Bảo Toàn; Tán Dật, Đốc Đen, Đốc Ao, Đề Kiều rào làng đắp lũy ở Lang Sơn nhiều lần đánh vào cứ điểm Ngoài Vần của địch. Quân Pháp phải tăng cường lực lượng cho đồn Ngòi Lao và đồn khố xanh Lang Sơn. Nhiều trận đánh ác liệt của ngiã quân vùng Lang Sơn với cánh quân do đại úy Bécmăng Môngtuy đã diễn ra vào tháng 11 - 1892 và tháng 3 - 1893. Ngoài ra Đề Thân, Đề Mạc còn chỉ huy nhiều trận đánh ở Ấm Thượng, Lang Sơn, Mai Ổ.
Nghĩa quân của Đốc Ngữ cũng hoạt động trên giải sông Thao thuộc đất Hạ Hòa. Ở phía bắc huyện có nghĩa quân của Đốc Thực, Đốc Hy. Sau khi Đốc Ngữ hy sinh ở Khả Cửu (1893), Lãnh Vặc ở Mai Tùng cũng bị Pháp bắt và giết hại ở đình làng. Tán Dật bị bức đến đường cùng, giả vờ hàng rùi uống thuốc độc tử tự; trước lúc mất ông đã nói: “Ta hàng vì triều đình đã hàng chứ nhất định không chịu nhìn mặt thằng Tây”. Lãnh Đa khi vượt sông Thao cũng hy sinh anh dũng.
Đến đây, thực dân Pháp dần dần chiếm được toàn bộ Hạ Hòa. Chúng cho đóng thêm đồn khố xanh trên đất Hiền Lương.
Trong tiến trình xây dựng lực lượng cách mạng, HẠ HÒA nổi tiếng với căn cứ Vần - Hiền Lương. Cuộc kháng chiến thần thánh 9 năm chống Pháp xâm lược của dân tộc đã tạo nên những âm hưởng không bao giờ mờ phai trong tâm khảm những người con rời xa thành phố về đây tiến hành một cuộc kháng chiến trường kỳ.
Đất nước và con người Hạ Hòa vì thế mà đã hòa quyện với núi sông và dân tộc Việt Nam.