Nơi ghi dấu nghĩa tình hai nước Việt - Lào
Năm 1946, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp diễn ra. Khi ấy, việc thành lập các Liên khu kháng chiến đã được Trung ương chủ trương nhằm tạo nên các thế trận trùng điệp khắp nơi. Khi ấy, ở Chu Hưng và các xã lân cận như Đại Phạm, Gia Điền thuộc chiến khu 10. Đền Chu Hưng khi ấy là nơi tập kết và diễn ra nhiều hoạt động để phục vụ cho kháng chiến như may mặc quần áo cho bộ đội, luyện tập quân sự, rèn vũ khí và bàn thảo nhiều vấn đề quan trọng.
Vào năm 1949, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp diễn ra ác liệt, Đoàn Đảng Cộng sản Đông Dương đã rút vào hoạt động bí mật. Khi ấy, quân và dân hai nước Việt Lào đã đoàn kết cùng nhau vượt mọi gian khổ để tiêu diệt kẻ thù. Lấy địa bàn hoạt động chính là khu vực Tây Bắc và Việt Bắc, dựa vào lợi thế rừng núi để hoạt động. Về phía nước bạn Lào, khi ấy, đồng chí Kay sone phom vi hane giữ vai trò là trưởng ban xung phong Lào – Bắc cùng 14 chiến sĩ từ mật khu kháng chiến ở Phiêng La, xã Chiềng On thuộc Yên Châu Sơn La, nơi có đồng bào người Mông sinh sống. Vùng đất này giáp biên giới Việt – Lào nên thuận lợi cho việc liên kết cũng như phối hợp hoạt động kháng chiến để đánh đuổi kẻ thù chung. Được sự đùm bọc và che chở của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Sơn La, Ban xung phong Lào- Bắc đã vượt rừng, vượt sông Đà để tiến về vùng sông Thao khu vực Phú Thọ ngày nay để tạo dựng phong trào và tổ chức. Từ sông Thao, qua đò sông Hồng vào địa phận xã Ấm Thượng cũ (nay là thị trấn Hạ Hòa), ban xung phong Lào- Bắc do đồng chí Kay sone phom vi hane cùng 14 chiến sỹ đã nhanh chóng tiếp cận với Liên khu 10 và đến được địa điểm đền Chu Hưng. Khi đặt chân đến vùng đất này, tình nghĩa gắn bó đồng chí anh em đã được hình thành và trở nên thắm thiết. Nhân dân quanh vùng Chu Hưng đã tuyệt đối giữ bí mật cho cán bộ Lào và ra sức đùm bọc, nuôi giấu, hỗ trợ về mọi điều kiện.
Khi thấy điều kiện đã chín muồi cho việc thành lập tổ chức, ngày 16 tháng 4 năm 1949,, tại sân đền cổ Chu Hưng, nơi bản doanh của chiến khu 10, dưới gốc cây sui cổ thụ, lễ thành lập Đội vũ trang đầu tiên của nước Lào vào ngày 16/4/1949, lấy tên là Lát - xa - vông. Tại buổi lễ lịch sử này, phía Việt Nam có đồng chí Lê Trọng Tấn, đại diện Quân đội quốc gia Việt Nam đến chúc mừng.
Sự thành lập đội vũ trang Lát-xa-vông tại ngôi đền Chu Hưng là một sự kiện lịch sử đặc biệt quan trọng ghi dấu sự trưởng thành bước đầu của lực lượng vũ trang Lào và sự gắn bó, đoàn kết của quân và dân hai nước cùng hướng về kẻ thù chung. Sự ra đời của đội vũ trang Lát-xa-vông đã tạo nên không khí lạc quan cho nhân dân các bộ tộc Lào, cả hai dân tộc khi ấy dấy lên niềm tin chiến thắng kẻ thù. Sau ngày thành lập, được nhân dân các bộ tộc Lào nuôi dưỡng và sự giúp đỡ hợp đồng tác chiến của bộ đội Lào nuôi dưỡng và sự giúp đỡ hợp đồng tác chiến của bộ đội tình nguyện và nhân dân Việt Nam, bộ đội Pa – Thét Lào trưởng thành, từng bước thắng lợi lớn trong chiến dịch Thượng Lào mùa xuân năm 1953; hai tỉnh Sầm Nưa và Phong xa Ly (giáp tỉnh Sơn La, Lai Châu) được giải phóng, trở thành căn cứ địa cách mạng Lào.
Từ đội vũ trang Lát - xa - vông Lào nhỏ bé ra đời tại ngôi đền cổ Chu Hưng vào năm 1949 do đồng chí Kay sone phom vi hane lãnh đạo, được nhân dân các bộ tộc Lào nuôi dưỡng, đùm bọc; quân tình nguyện Việt Nam đoàn kết phối hợp chiến đấu với tinh thần quốc tế cao cả, bộ đội Pa-thét Lào đã trưởng thành vượt bậc, dũng cảm chiến đấu chiến thắng cả thù trong giặc ngoài, giành độc lập cho dân tộc. Cũng từ đó, tình đoàn kết, gắn bó keo sơn giữa hai dân tộc được nhân lên.
Chu Hưng hôm nay là một thôn nhỏ của xã Ấm Hạ. Ngôi đền thiêng thờ đức Côn Nhạc đại vương bị thực dân Pháp bắn phá nay đã được trùng tu xây dựng khang trang ngay trên nền cũ, nơi đội vũ trang Lát-xa-vông thành lập. Nơi đây, cảnh sắc trung du và núi rừng Việt Bắc vẫn còn in đậm trong những nếp nhà mái cọ, trên những con đường đất và những đồi cọ. Đặc biệt, khu nhà trưng bày truyền thống được xây ngay cạnh ngôi đền cổ là nơi lưu giữ những bức ảnh quý giá ghi lại sự kiện lịch sử quan trọng của quân đội Lào diễn ra nơi đây. Đồng thời, đó cũng là những bức tư liệu quý về tình đoàn kết gắn bó keo sơn của quân dân hai nước.
Khi hai nước được giải phóng, sạch bóng quân thù, vào những dịp kỷ niệm lớn, đoàn cán bộ cấp cao của Lào đã tổ chức những chuyến trở về Chu Hưng, thăm lại nơi ra đời của đội vũ trang Lát-xa-vông, tiền thân của quân đội Lào ngày nay. Điều đó càng khắc ghi câu nói của Bác Hồ kính yêu tâm tình với Chủ tịch Kaysone Phomvihan năm 1961:
“ Việt- Lào hai nước chúng ta
Tình sâu như nước Hồng Hà Cửu Long”
Nguyễn Thế Lượng