Lịch sử huyện Hạ Hòa
Huyện Hạ Hòa nguyên tên là huyện Hạ Hoa, thuộc phủ Lâm Thao, tỉnh Sơn Tây. Ngày 05 tháng 6 năm 1893, huyện Hạ Hòa được nhập vào tỉnh Hưng Hóa. Thời kỳ 1903 - 1968, thuộc tỉnh Phú Thọ. Thời kỳ 1968 - 1996, thuộc tỉnh Vĩnh Phú.
Sau năm 1975, huyện Hạ Hòa có 33 xã: Ấm Hạ, Ấm Thượng, Bằng Giã, Cáo Điền, Chính Công, Chuế Lưu, Đại Phạm, Đan Hà, Đan Thượng, Động Lâm, Gia Điền, Hà Lương, Hậu Bổng, Hiền Lương, Hương Xạ, Lâm Lợi, Lang Sơn, Lệnh Khanh, Liên Phương, Mai Tùng, Minh Côi, Minh Hạc, Phụ Khánh, Phương Viên, Quân Khê, Văn Lang, Vĩnh Chân, Vô Tranh, Vụ Cầu, Xuân Áng, Y Sơn, Yên Kỳ và Yên Luật.
Theo Quyết định số 178-CP ngày 5 tháng 7 năm 1977 của Hội đồng Chính phủ, huyện Hạ Hòa sáp nhập với 2 huyện Đoan Hùng và Thanh Ba thành huyện Sông Lô. Còn 10 xã: Hiền Lương, Quân Khê, Lâm Lợi, Xuân Áng, Chuế Lưu, Vô Tranh, Bằng Giã, Động Lâm, Văn Lang và Minh Côi được sáp nhập vào huyện Sông Thao.
Huyện Sông Lô chia thành 2 huyện Đoan Hùng và Thanh Hòa theo Quyết định số 377-CP ngày 22 tháng 01 năm 1980 của Hội đồng Chính phủ.
Ngày 07 tháng 10 năm 1995, huyện Thanh Hòa được tách ra thành 2 huyện Thanh Ba và Hạ Hòa; 10 xã cũ của huyện Hạ Hòa trước đó nhập vào huyện Sông Thao cũng được đưa trở lại huyện Hạ Hòa.
Ngày 28 tháng 5 năm 1997, chuyển xã Ấm Thượng thành thị trấn Hạ Hòa (thị trấn huyện lỵ).
Ngày 17 tháng 12 năm 2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 828/NQ-UBTVQH14 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Phú Thọ (nghị quyết có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2020). Theo đó:
- Sáp nhập 3 xã Hậu Bổng, Liên Phương, Đan Hà vào xã Đan Thượng
- Sáp nhập 3 xã Y Sơn, Lệnh Khanh, Phụ Khánh thành xã Tứ Hiệp
- Sáp nhập 2 xã Quân Khê, Động Lâm vào xã Hiền Lương
- Sáp nhập 2 xã Lâm Lợi, Chuế Lưu vào xã Xuân Áng
- Sáp nhập 2 xã Vụ Cầu, Mai Tùng vào xã Vĩnh Chân
- Sáp nhập 2 xã Cáo Điền, Chính Công vào xã Yên Kỳ.
Huyện Hạ Hòa có 01 thị trấn và 19 xã như hiện nay.
Suốt chiều dài lịch sử, các thế hệ người dân Hạ Hòa đã quần tụ trên dải đất đôi bờ sông Thao hiền hòa phía Tây Bắc của tỉnh Phú Thọ; các thế hệ đã luôn đoàn kết, đấu tranh chống thiên tai, địch họa, phát triển trồng trọt, chăn nuôi, cần mẫn lao động sản xuất, giữ đất, giữ làng, làm phong phú hơn không gian sinh tồn, từng bước vun đắp và hình thành một Hạ Hòa tươi đẹp trù phú như ngày hôm nay.
Trong những năm đầu tái lập huyện, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hạ Hòa đứng trước bộn bề những khó khăn. Sản xuất nhỏ lẻ, thu nhập của người dân còn thấp, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn lạc hậu. Song, đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hạ Hòa với sự đoàn kết, thống nhất, chung sức, chung lòng; với phẩm chất cần cù, sáng tạo, đã nỗ lực vượt qua khó khăn tập trung phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống cho Nhân dân, từng bước thực hiện các mục tiêu của công cuộc đổi mới.
Kế thừa và phát huy truyền thống lịch sử cách mạng vẻ vang của quê hương trong 25 năm tái lập và thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, với tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, đến nay Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hạ Hòa phấn khởi, tự hào trước những thành tựu lớn lao đã đạt được trên các lĩnh vực:
Từ một huyện thuần nông, đến nay đã hình thành rõ nét nền kinh tế phát triển toàn diện, đạt mức tăng trưởng khá. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tiến bộ. Sản xuất nông nghiệp hàng hóa đã và đang thay thế tập quán sản xuất nhỏ lẻ, tự cung, tự cấp. Chỉ đạo, lựa chọn và phát triển các chương trình kinh tế trọng điểm, ứng dụng tiến bộ KHKT, tăng năng xuất, sản lượng cây trồng, vật nuôi. Hạ Hòa đã và đang ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp, tập trung sức xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, thuận lợi để các thành phần kinh tế phát triển, bước đầu đã thu hút được các dự án đầu tư vào các nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá:
Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được chỉ đạo quyết liệt và đạt nhiều kết quả quan trọng. Tích cực huy động các nguồn vốn để triển khai nhiều công trình, dự án quan trọng, trong đó nguồn vốn đầu tư huy động từ dân doanh đạt khá cao, tổng vốn huy động vượt kế hoạch đề ra. Tổng vốn đầu tư huy động xây dựng kết cấu hạ tầng trong giai đoạn 2015 - 2020 đạt 8.225,6 tỷ đồng, vượt 9,6% so với mục tiêu đề ra, tăng 25,5% so với giai đoạn 2010 - 2015. Việc huy động và bố trí nguồn lực đã xác định thứ tự ưu tiên, quan tâm bố trí vốn cho các lĩnh vực, các dự án quan trọng có ý nghĩa lan tỏa tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng về giao thông, đô thị. Nhiều dự án quan trọng được hoàn thành và đưa vào sử dụng góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội của địa phương phát triển. Trong đó nối bật là các công trình, dự án như: Nút giao IC11 đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đường tránh lũ các xã bên bờ hữu Sông Thao, dự án cải tạo, chỉnh trang đô thị thị trấn Hạ Hòa, kè bờ hữu Thao.... Hạ tầng du lịch, dịch vụ được xúc tiến đầu tư; một số dự án lớn về du lịch, dịch vụ, đô thị đang được nhà đầu tư quan tâm và triển khai tích cực. Các sản phẩm du lịch đặc trưng của huyện đang dần được hình thành và phát triển. Công tác quy hoạch các khu, điểm du lịch, trải nghiệm trên địa bàn huyện được triển khai thực hiện gắn với quy hoạch du lịch của tỉnh. Du lịch văn hóa tâm linh gắn với hai di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và bảo vật quốc gia được đưa vào khai thác có hiệu quả. Huyện đã và đang tích cực phối hợp, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư triển khai các dự án tại Đầm Ao Châu, Đầm Vân hội, Ao Giời - Suối Tiên… nhằm khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên du lịch của địa phương. Khu di tích Đền Mẫu Âu Cơ và di tích Đền Chu Hưng trở thành điểm du lịch tâm linh thu hút số lượng du khách ngày càng nhiều; đóng góp không nhỏ vào thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản phát triển ổn định, theo hướng sản xuất hàng hoá, gắn sản xuất với chế biến và thị trường, góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người lao động. Năm 2020, Tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, xây dựng thương hiệu nông sản của địa phương. Cơ cấu ngành nông nghiệp được chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản, giảm tỷ trọng trồng trọt. Ổn định diện tích gieo trồng cây hàng năm trên 12.000 ha, diện tích cây lương thực có hạt trên 8.500 ha, sản lượng đạt trên 42.500 tấn/năm. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa, đưa giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất; tỷ lệ lúa chất lượng cao đạt 42,8%, ngô lai đạt 95%; tỷ lệ giống bò lai đạt 87,3%, tỷ lệ giống thủy sản chất lượng cao chiếm 60%... các chương trình nông nghiệp trọng điểm được lựa chọn gắn với khai thác tiềm năng, thế mạnh từng địa phương và phù hợp với quy hoạch vùng sản xuất. Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt được những kết quả quan trọng. Tính đến năm 2020, huyện đã huy động được trên 1.700 tỷ đồng đầu tư xây dựng nông thôn mới; diện mạo nông thôn có sự chuyển biến tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được nâng lên. Đến hết năm 2020, toàn huyện có 9 xã đạt chuẩn Nông thôn mới, 08 xã cơ bản đạt chuẩn, bình quân tiêu chí toàn huyện đạt 16,1 tiêu chí/xã, tăng 4,3 tiêu chí/xã so với năm 2015.
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tập trung đầu tư, phát triển tương đối đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trước mắt và lâu dài. Giai đoạn 2015 - 2020, tổng vốn đầu tư kết cấu hạ tầng ước đạt: 8.225,6 tỷ đồng; trong đó: vốn từ doanh nghiệp và dân cư 5.865,2 tỷ đồng; ngân sách nhà nước 2.360,4 tỷ đồng. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội có bước phát triển đột phá; hoàn thành nhiều dự án quan trọng như: Đường tránh lũ các xã bên bờ hữu Sông Thao, dự án đường giao thông kết nối phía nam TT Hạ Hòa đi Yên Luật, dự án nút giao IC11 đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, trạm bơm Ngòi Trang, Ngòi Hiêng; hệ thống đường ống dẫn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp xã Vô Tranh, Bằng Giã, Văn Lang, Minh Côi. Tiến hành đầu tư xây dựng mới 15 trạm y tế xã, hoàn thành tiêu chí đạt chuẩn quốc gia 20 trường học. Hạ tầng đô thị, thương mại, nông nghiệp, nông thôn, thông tin truyền thông được tăng cường đầu tư; hệ thống giao thông quốc lộ, đường tỉnh 100% đã được nhựa hóa, 82% đường giao thông nông thôn được kiên cố hóa, 19/19 xã đạt tiêu chí về cơ sở hạ tầng thương mại trong xây dựng nông thôn mới. Tích cực thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp trên địa bàn, thành lập Cụm công nghiệp thị trấn Hạ Hòa; phối hợp triển khai xúc tiến thành lập và quy hoạch Khu công nghiệp Hạ Hòa 1, Khu công nghiệp Hạ Hòa 2, Cụm công nghiệp Đồng Phì. Tập trung chỉnh trang, hoàn thiện và nâng cao tiêu chí đô thị loại V của thị trấn Hạ Hòa; thực hiện tốt công tác xã hội hóa nguồn lực để trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa nổi bật: Khu di tích Đền Mẫu Âu Cơ, Đền Chu Hưng,…
Cùng với phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hoá, y tế, giáo dục, các hoạt động văn nghệ, thể thao, thông tin tuyên truyền và các lĩnh vực xã hội từng bước được chăm lo, phát triển. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo đạt được những tiến bộ mới, toàn diện. Trong giai đoạn 2015 - 2020, toàn huyện xây mới 112 phòng học, 79 phòng chức năng với tổng kinh phí 119,2 tỷ đồng; sửa chữa và nâng cấp 266 phòng học, 73 phòng chức năng với kinh phí 15,7 tỷ đồng; mua sắm trang thiết bị dạy học cho các trường 5,65 tỷ đồng; tỷ lệ phòng học được kiên cố đạt 85,8%; 100% cơ sở giáo dục đã ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý; chất lượng giáo dục toàn diện được giữ vững, tỷ lệ ra lớp mẫu giáo 5 tuổi đạt 100%, tỷ lệ học sinh lớp 5 hoàn thành chương trình tiểu học đạt 100%, tỷ lệ học sinh lớp 9 tốt nghiệp THCS đạt 99,4%, tỷ lệ tốt nghiệp THPT quốc gia đạt 99,5. Toàn huyện hiện có 65/93 trường đạt chuẩn quốc gia, tăng 20 trường so với năm 2015.
Cơ sở vật chất phục vụ chăm sóc sức khoẻ Nhân dân được mở rộng, tăng cường. Hệ thống y tế cơ sở được củng cố và tăng cường với 33/33 trạm y tế đạt tiêu chí chuẩn quốc gia. Trung tâm Y tế huyện tiếp tục được đầu tư, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, bổ sung các trang thiết bị y tế hiện đại; liên kết, thu hút được một số bác sỹ, chuyên gia giỏi về làm việc. Trung tâm Y tế huyện đã đưa vào sử dụng Khu điều trị nội trú chất lượng cao, quy mô 150 giường bệnh bằng nguồn vốn xã hội hóa. Bảo hiểm y tế toàn dân được triển khai quyết liệt, tỷ lệ người dân tham gia BHYT tăng 10,9% với đầu nhiệm kỳ. Công tác y tế dự phòng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đạt kết quả tốt.
Văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao quần chúng có bước phát triển mạnh và tạo được phong trào từ cơ sở. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, thực hiện nếp sống văn minh được triển khai sâu rộng, 100% khu dân cư có nhà văn hóa. Hàng năm, có trên 87% khu dân cư đạt danh hiệu văn hoá, trên 90% số hộ gia đình đạt tiêu chuẩn văn hoá, trên 92% cơ quan, đơn vị văn hóa; tỷ lệ phủ sóng phát thanh đạt trên 95%. Từ năm 2017 đến năm 2020, lần lượt “Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ” và Lễ hội Đền Chu Hưng được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, Tượng Mẫu Âu Cơ được công nhận bảo vật quốc gia. Việc nâng cấp, sửa chữa các thiết chế văn hóa cơ sở đã được quan tâm thực hiện, rà soát và đầu tư kinh phí cải tạo, nâng cấp, mua sắm trang thiết bị nhà văn hóa khu dân cư 4.841,8 triệu đồng, cải tạo sửa chữa nâng cấp đài truyền thanh huyện và cơ sở: 1.012,5 triệu đồng.
Công tác xoá đói, giảm nghèo được quan tâm chỉ đạo, thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia với nhiều hình thức phong phú, sáng tạo; giai đoạn 2015 - 2020 toàn huyện hỗ trợ kinh phí xóa nhà tạm 9.897 triệu đồng cho 346 hộ; hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi cho 100 hộ, trị giá 2.300 triệu đồng. Từ những ngày đầu tái lập huyện, tỷ lệ hộ đói, nghèo của huyện là 32%. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo 7,41%, giảm trung bình 1,72%/năm; tỷ lệ hộ cận nghèo 6,42%, giảm 0,9%/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 18,8 triệu đồng. Thực hiện tốt công tác rà soát và cấp thẻ BHYT cho khẩu nghèo, khẩu cận nghèo. Những kết quả đó, đã cải thiện đáng kể cuộc sống của nhiều hộ dân, nhất là tại địa bàn các xã khó khăn.
Công tác quốc phòng địa phương được tăng cường, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Các cấp uỷ Đảng, chính quyền đã quán triệt và thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế đi đôi với củng cố quốc phòng - an ninh; Công tác tuyển quân luôn đảm bảo đạt 100% chỉ tiêu cấp trên giao; thường xuyên chăm lo, xây dựng lực lượng quân đội Nhân dân, công an Nhân dân trong sạch, vững mạnh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội.
Hệ thống chính trị không ngừng được củng cố, vững mạnh về mọi mặt. Toàn Đảng bộ có 7.680 đảng viên sinh hoạt tại 39 chi, Đảng bộ cơ sở . Phương thức lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng từ huyện đến cơ sở được đổi mới; hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp được nâng lên. Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đạt nhiều kết quả, tạo sức lan toả mạnh mẽ trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân, khơi dậy phong trào thi đua yêu nước trong toàn xã hội. Công tác tập hợp, vận động quần chúng của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ngày càng hiệu quả; mối đoàn kết, gắn bó giữa đồng bào theo tôn giáo và không theo tôn giáo ngày càng được tăng cường, góp phần vào sự ổn định, phát triển của địa phương.
Tự hào về vùng đất Hạ Hòa thân yêu bình yên, tươi đẹp, đang từng bước chuyển mình mạnh mẽ, hứa hẹn những bước tiến đột phá trên con đường tiếp tục đổi mới và hội nhập. Phấn khởi trước những thành tựu to lớn sau 25 năm tái lập huyện, Đảng bộ và Nhân dân Hạ Hòa càng ý thức sâu sắc trách nhiệm, nêu cao ý chí quyết tâm, tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, ra sức phát huy lợi thế, tiềm năng, đẩy lùi khó khăn, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của chính quyền các cấp; nhân lên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tăng cường quốc phòng địa phương; mở rộng công tác giao lưu, liên kết; củng cố vững chắc hệ thống chính trị, xây dựng Hạ Hòa theo hướng huyện nông thôn mới, từng bước trở thành một trong những huyện phát triển khá trong tỉnh.
------ ---------------