Đậm đà món ốc nhồi hấp sả ở miền quê Hạ Hòa
Thú nhất là vào buổi chiều hè, dưới cái nắng chói chang, mấy chú bé nhảy tùm xuống ao đầm mò bắt những con ốc nhồi vàng ươm, béo mẫm mang về cho những bà mẹ quê ở Hạ Hòa trổ tài món ốc hấp đậm đà dư vị.
Ốc nhồi ưa sống dưới những lớp rong rêu, bờ đầm hay mặt bùn trên các ao đầm, ruộng nước miền trung du. Loài ốc này thường ăn các loài lá như lá sắn, cỏ lác hay rong rêu vì thế chất dinh dưỡng của nó khá cao. Nếu đi gần bờ đầm hay ruộng nước, quan sát mép bờ thấy có nhiều cục đỏ đỏ, trăng trắng chừng ngón tay cái thì đó là trứng ốc nhồi. Loài ốc này sinh sản nhiều và nhanh, khi đẻ trứng chúng bò lên thành bờ hay cây cọc trên mặt nước để đẻ.
Người dân miền trung du Hạ Hòa quê tôi có thú bắt ốc nhồi khá độc đáo. Muốn có những mẻ ốc nhồi ngon, người ta chỉ việc lên nương đồi bẻ những đọt lá sắn về cuộn tròn thành từng bó nhỏ chừng một nắm tay, gọi đó là bối sắn. Chờ cho trời nhá nhem tối, người ta đem thả xuống đầm gần bờ rồi cắm cây để giữ bối. Ốc nhồi vốn khoái khẩu món lá sắn, đêm đêm chúng bò lên ăn lá rồi bám vào bối đến tận sáng. Sáng sớm tinh mơ, người ta dậy thật sớm để bắt những chú ốc còn bám vào bối. Hoặc ốc nhồi cũng hay sống trong các đám cỏ nơi ruộng nước, chỉ cần lách cỏ ra là bắt được những chú ốc nhồi tròn vàng.
Khi bắt ốc nhồi về chế biến, người dân miền trung du Hạ Hòa rất có kinh nghiệm để tránh nhầm lẫn ốc nhồi với ốc bươu. Loài ốc bươu sống và sinh sản nhiều dưới đầm nước nhưng loài ốc này ăn khá hôi và không hấp dẫn như ốc nhồi. Ốc nhồi có vỏ ngoài lam vàng, miệng khum chứ không bè như ốc bươu, phần đuôi có xoáy tròn chứ không nhô dài như ốc bươu. Đặc biệt, vỏ ốc nhồi khi rửa sạch thì trở nên bóng mượt chứ không sần sùi.
Hiếm có thú vui nào nơi đồng quê Hạ Hòa bằng thú lội xuống đầm, tự tay mình mò những chú ốc nhồi béo mẫm, cho vào rọ, xách về chế biến món ốc nhồi hấp để thưởng thức vào chiều hè. Ốc nhồi bắt về, ngâm vào nước sạch chừng nửa ngày cho ốc nhả hết bùn đất bên trong rồi rửa sạch vỏ để chế biến. Để có món ốc nhồi hấp tuyệt ngon, người dân miền trung du ra vườn nhà hái đủ các thứ gia vị. Nào củ sả, nào lá chanh, nào ớt chín đỏ để hấp cùng với ốc. Ốc nhồi sau khi rửa sạch, dùng dao nhỏ chặt bỏ phần đuôi để thông với phần miệng ốc và cứ để cả con như vậy cho vào nồi hấp. Củ sả thái lát, ớt băm nhỏ trộn đều với ốc rồi bắc nồi lên bếp. Điều đặc biệt khi hấp ốc nhồi là không cần cho nước để ốc tự chín bằng hơi và tiết ra nước ốc ngọt đậm.
Ốc hấp chừng mười lăm phút là chín, trước khi bắc nồi xuống, người ta dùng lá chanh thái chỉ rắc đều vào nồi ốc cho dậy mùi. Khi ốc chín, mở nồi ra hẳn thực khách không khỏi ngạc nhiên khi không cho nước mà sau khi chín, nồi hấp săm sắp nước. Và để thưởng thức món ốc hấp nóng hổi, người ta dùng muôi múc cả nước lẫn cái ra tô rồi dùng gai bưởi hoặc tăm tre nhọn khêu ruột ốc.
Chiều hè gió mát, ngồi bên chõng tre, phe phẩy chiếc quạt cọ rồi thưởng thức món ốc nhồi hấp còn đang nghi ngút khói. Món này chỉ ngửi thôi đã thấy hấp dẫn lắm rồi chứ chưa cần nếm. Người dân miền trung du Hạ Hòa có cách thưởng thức ốc nhồi khá dân dã mà thú vị. Trước khi khêu ruột ốc, người ăn đưa cả con ốc lên miệng để hút nước còn đọng bên trong vỏ rồi mới khêu ốc, chấm mắm chanh ớt. Ốc nhồi hấp khi ăn mang lại nhiều dư vị. Có vị ngọt béo của ruột ốc, vị cay của sả ớt, vị thơm của lá chanh. Tất cả làm nên một cảm nhận khó quên về món ăn dân dã này. Đặc biệt, không thể bỏ qua sau khi đã ăn đến con ốc cuối cùng là uống nước ốc. Vị ngọt đậm hòa vào các gia vị trong nước sẽ giúp cho thực khách khó lòng mà quên được dù chỉ thưởng thức một lần.
Món ốc nhồi hấp là món ăn dân dã nơi miền trung du Hạ Hòa, gắn bó từ bao đời nay với người dân nơi đây. Dù mâm cỗ có đủ đầy đến mấy nhưng nếu chủ nhà quí khách sẽ không quên mời thưởng thức món ốc nhồi hấp đầu tiên để khai vị.
Nguyễn Thế Lượng