Ký ức về trận đánh sân bay Mường Thanh tại Chiến dịch Điện Biên Phủ
Chiến sĩ Điện Biên Nguyễn Văn Thế kể lại những ký ức hào hùng trong trận đánh sân bay Mường Thanh
Ông Nguyễn Văn Thế năm nay đã 94 tuổi, năm 1950, khi 23 tuổi nhận tin anh trai hi sinh khi tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp, ông Thế đã trốn gia đình, tình nguyện viết đơn tham gia nhập ngũ và trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ tại đại đoàn 312 ( nay là sư đoàn 312). Bắt đầu chiến dịch ngày 13/3/1954, sư đoàn 312 cùng với các sư đoàn 308, 316, 304 và 351 được Bộ chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ giao nhiệm vụ vô hiệu hóa sân bay Mường Thanh, chặn đường tiếp tế cho cứ điểm Điện Biên Phủ. Là đơn vị chủ công, sư đoàn 312 được giao nhiệm vụ đào hầm, hào giao thông từ phía Tây sang phía Đông Nam, tạo thành một đường chéo cắt sân bay Mường Thanh, tiến đến đâu, đánh địch tại đấy tạo thành thế trận bao vây, chia cắt, tiêu diệt địch. Trận chiến diễn ra ác liệt, tranh nhau từng tác đất, đến ngày 27/3 sân bay Mường Thanh bị tê liệt. Nhớ lại những giây phút sinh tử trong chiến dịch ông Thế chia sẻ: Là lính công binh, bản thân đã có 8 lần đánh bộc phá thành công phá hủy nhiều hệ thống dây thép gai, công sự của địch. Ngày 1/4, khi hệ thống trận địa đã tiến gần vị trí địch, tạo thành thế trận bao vây, địch bị co cụm và điên cuồng chống trả, ông cùng các đồng đội tiến hành đánh bộc phá lần thứ 9, khi đang tiến vào đặt bộc phá phá hủy hệ thống dây thép gai, ông đã bị bắn, bị thương mất 1/3 cẳng tay trái, phải lui về phía sau. Đơn vị của ông tiếp tục chiến đấu, đến ngày 22/4 sư đoàn 312 đã đẩy lùi được 2 tiểu đoàn địch, bắn cháy 1 xe tăng, 1 xe ủi đất, bắt sống 62 tù binh và thu giữ nhiều vũ khí của địch và cùng với các đơn vị khác giữ vững sân bay cho đến ngày giải phóng Điện Biên Phủ 7/5/1954.
Trao quà của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UB MTTQ tỉnh cho ông Nguyễn Văn Thế nhân Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ
Về với đời thường, dù tuổi đã cao nhưng ông Thế vẫn luôn giáo dục con cháu của mình biết vinh dự, tự hào về truyền thống của gia đình chiến sĩ Điện biên. Đồng thời, tích cực chia sẻ lại những ký ức hào hùng đó cho học sinh, thanh niên trong xã. Đối với ông, đó là di sản vô giá tô để thắm thêm lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ phía sau học tập, noi theo. Anh Hoàng Ngọc Thái – Bí thư Đoàn TNCS HCM xã Xuân Áng, Hạ Hòa cho biết: Nghe được những câu chuyện mà các bậc cha anh đã trải qua trong cuộc chiến tranh trường kỳ, đã hi sinh đổ cả máu và tính mạng để dành độc lập tự do cho Đất nước, cho thế hệ trẻ ngày hôm nay được sống cho tự do hòa bình. Đối với mỗi người trẻ tôi thấy rằng phải có ý thức trách nhiệm, niềm tự hào dân tộc, cần phấn đấu học tập, lao động để xây dựng quê hương, Đất nước giàu đẹp, văn minh./.
Ngọc Hải