Làng hiếu học bên triền sông Thao
Neo vào con chữ
Là một vùng quê trung du nép mình bên dòng sông Thao thơ mộng và hiền hòa, xã Vĩnh Chân là nơi sinh sống của người dân làm nghề trồng lúa nước, trồng ngô khoai từ bao đời nay. Xưa kia, đây là vùng quê quanh năm nghèo khó, trường lớp còn thiếu thốn, đường xá đi lại chủ yếu là đường đất. Dù cuộc sống ở từng giai đoạn có khó khăn đến mấy nhưng ngay từ thời xa xưa, người dân xã Vĩnh Chân đã xác định phải cho con em mình đến trường học chữ, biết cái chữ để vì những mục đích rất giản dị là biết nói năng, thưa gửi, biết lễ phép và rèn được y chí lập thân. Chính vì vậy, ngày xưa, người ta biết đến địa danh làng Vĩnh không phải là nơi làm được nhiều thóc lúa, nơi có phong cảnh đẹp mà là vùng đất có nhiều bậc cao niên hiền tài làm Chánh, phó, lý trưởng, trưởng bạ…giúp dân, cai quản làng xã, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Đặc biệt, vùng quê này có nhiều cụ làm đồ Nho, hương sư dạy học, truyền bá tri thức cho dân làng, cho con cháu. Vĩnh Chân vốn là làng văn hiến, là đất học và có nhiều kẻ sĩ sinh ra và thành tài nơi đây. Đầu thế kỷ XX, Vĩnh Chân có tới 5 thầy đồ dạy chữ Nho, nhiều khóa sinh vượt qua thi hương, lọt vào kỳ thi hội.
Hành trình tạo dựng nên truyền thống hiếu học ở làng Vĩnh thật đáng tự hào. Khi mà quê hương chưa có trường, có lớp, học trò nghèo nơi đây đã đeo tay nải, “cuốc bộ” tới 10-15 cây số đường đất lầy lội để tìm thầy, tìm chữ. Nhất là những ngày đi học cấp 3, khi cả tỉnh mới có một trường đầu tiên ở Thị xã Phú Thọ ngày nay thì nhà nhà vẫn cơm đùm cơm nắm cho con em đi trọ học. Rồi vào những năm 60, khi huyện thành lập trường cấp III Hạ Hòa, con em làng Vĩnh lại ngược triền sông Thao hơn 10 cây số để học chữ. Khó lòng kể xiết những khó khăn của một thời tìm chữ. Bụng đói, áo mỏng, đường lầy lội, lớp học tuềnh toàng, vậy mà không ngăn nổi lòng hiếu học của con em làng Vĩnh. Cụ Bùi Trọng Vận, một nhà giáo về hưu ở Vĩnh Chân chia sẻ, “Những ngày đi trọ học là những ngày mà nghị lực và quyết tâm lên cao nhất, ham học nhất”.
Càng về sau, có những giai đoạn cuộc sống ở làng Vĩnh nói riêng và cả huyện nói chung gặp nhiều khó khăn do thiên tai, mất mùa nhưng trẻ em nơi đây vẫn quyết tâm đến trường học chữ. Vì thế, những lớp học đầu những năm 80 ở Vĩnh Chân lúc nào cũng vang vang tiếng học bài. Trải qua thời gian, lớp lớp các thế hệ ở Vĩnh Chân đã tạo dựng cho mình một truyền thống hiếu học. Theo người dân làng Vĩnh, truyền thống ấy không phải ngày một ngày hai là có thể làm được mà nó được bồi đắp từ đời này qua đời khác, từ thế hệ này đến thế hệ khác, như dòng sông Thao ngày đêm cần mẫn bồi đắp phù sa cho đôi bờ. Điều quan trọng để làm nên truyền thống hiếu học ở vùng quê trung du này là người trước động viên người sau, người sau noi gương người trước để học sao cho bằng chị bằng em, sao cho giỏi giang hơn. Còn các gia đình nơi đây thì đáng quí biết bao khi họ coi việc thi đua nhà nhà học hành thành đạt là phong trào thi đua lớn nhất của làng mình. Cứ như thế, theo thời gian, phong trào hiếu học, khuyến học khuyến tài ở làng Vĩnh có sức lan tỏa rộng lớn và thấm sâu vào từng cá nhân, từng gia đình.
Nhà giáo Hoàng Đình Hồng, giáo viên Toán, người từng dạy học ở cấp III Vĩnh Chân vào cuối những năm 80 chia sẻ: “Học sinh Vĩnh Chân rất chăm ngoan và hiếu học, nhiều em sau này thành đạt và giữ nhiều trọng trách quan trọng, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của quê hương”.
Rạng danh quê hương
Ai đến Vĩnh Chân vào thời điểm nào cũng đều được nghe các bậc cao niên kể cho nghe câu chuyện về sự học và những tấm gương thành danh ở vùng này. Ở Vĩnh Chân, nổi tiếng xưa nay về truyền thống hiếu học là hai dòng họ, họ Cù và họ Bùi. Không phải khi cuộc sống đã no đủ, hai dòng họ ấy mới quan tâm đến chuyện học hành mà ngay từ khi mới đặt chân lên vùng đất này, việc đầu tiên của hai dòng họ là lo việc học của con em mình. Như một mạch nguồn chảy mãi trong hành trình mưu sinh của dòng họ, các thế hệ cứ nối tiếp nhau để neo vào con chữ mà nên người, vươn xa và thành đạt. Ông Cù Ngọc Phách, chủ tịch chi hội khuyến học 2 chia sẻ: “Dòng họ luôn đặt việc học chữ lên hàng đầu, luôn động viên con cháu các thế hệ tự thân học tập để thành đạt”.
Chẳng thế mà khi kể về những con số, những tấm gương thành đạt trong dòng họ, ông Cù Ngọc Phách vừa nói say sưa, không giấu nổi niềm tự hào. Đó là ông Cù Văn Chước, chuyên viên cao cấp, người trực tiếp phục vụ Bác Hồ 15 năm, là gia đình cụ Cù Văn Giụ (nguyên cán bộ Ty Giáo dục Phú Thọ) có 6 người con tốt nghiệp Đại học, trong đó có hai Giáo sư, một Tiến sỹ, một Nhà giáo Nhân dân, một nhà giáo ưu tú; có chín cháu tốt nghiệp đại học, trong đó có bốn Tiến sĩ, ba Thạc sĩ. Gia đình cụ Cù Xuân Đồng có ba thế hệ con cháu hiếu học, trong đó có ba Tiến sĩ, năm cử nhân đại học , bản thân cụ Đồng là Tiến sĩ, PGS, Viện phó Viện Thủy lợi Đồng bằng Sông Cửu Long. Tính đến nay, họ Cù chi II đã có một Anh hùng lao động - Ủy viên TW Đảng, bà Cù Thị Hậu, nguyên Chủ tịch Liên Đoàn Lao Động Việt Nam; ba Giáo sư, Phó Giáo sư; 12 Tiến sĩ; 14 Thạc sĩ; 120 cử nhân đại học; 7 đại tá quân đội; 18 thiếu tá và trung tá; 58 giáo viên các cấp cùng nhiều cán bộ đang công tác trong các cơ quan TW, tỉnh, huyện.

Thầy giáo Bùi Chí Thanh (sinh năm 1987, giáo viên trường THPT Vĩnh Chân) chia sẻ: “Chính truyền thống hiếu học đã tạo một động lực lớn cho bản thân và anh em trong dòng họ để quyết tâm học tập thành thầy, thành thợ”. Thầy Thanh cho biết thêm, ngày nay, học sinh làng Vĩnh vẫn chăm ngoan và quyết tâm học tập để đỗ đạt nhiều trường đại học tốp cao. Học trò Vĩnh Chân vẫn ngày đêm nung nấu và bền bỉ trong hành trình chinh phục ước mơ của mình. Thành tích mà trường THPT Vĩnh Chân đạt được là luôn ở tốp đầu thi học sinh giỏi cấp tỉnh và thi đại học.
Những thành tích học tập của con em làng Vĩnh đã góp phần làm rạng danh dòng tộc, bừng sáng quê hương. Nhiều phần thưởng cao quí dành cho truyền thống đáng tự hào ấy như “Bảng vàng truyền thống”, “Dòng học Khuyến học tiêu biểu toàn quốc lần thứ nhất” và nhiều giấy khen khác trong phong trào khuyến học khuyến tài của các dòng họ.
Để tạo dựng một truyền thống hiếu học, các gia đình, dòng họ ở làng Vĩnh đã có những cách làm thật hiệu quả. Điều đầu tiên, lấy hạt nhân là mỗi gia đình để giáo dục, tạo điều kiện cho con em đến trường học chữ, theo học đến bậc đại học, cao học để thành danh. Rồi dòng họ, xã thành lập các chi hội khuyến học, hội khuyến học và tổ chức hoạt động hằng năm để động viên, khuyến khích con em học hành. Hằng năm, Hội khuyến học xã tổ chức trao thưởng cho con em có thành tích xuất sắc trong học tập, ghi bảng vàng truyền thống về thành tích học tập và nhiều hoạt động khuyến học tại các nhà trường. Nhờ thế, phong trào khuyến học khuyến tài của xã ngày càng đi vào chất lượng và có sức lan tỏa lớn.
Về thăm vùng trung du đất Tổ hôm nay, hỏi đường về làng Vĩnh, ai ai cũng giới thiệu đây là vùng đất học, có nhiều người thành đạt và cuộc sống nơi đây đã đổi thay hơn trước. Con em nơi đây vẫn ngày đêm miệt mài neo vào con chữ để lập thân, vươn lên thành tài, trở thành những người có ích trong xã hội, như dòng sông Thao vẫn ngày đêm bồi đắp phù sa cho đôi bờ.
Nguyễn Thế Lượng