Lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ và Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ: Nét văn hóa đặc trưng của vùng đất Hiền Lương - Hạ Hòa
Tọa lạc tại xã Hiền Lương, huyện Hạ Hoà - một vùng đất địa linh nhân kiệt, đền Mẫu Âu Cơ là một công trình lịch sử văn hoá đặc biệt, là biểu tượng của tinh thần yêu nước và truyền thống đại đoàn kết dân tộc.
Đền Mẫu Âu Cơ ở xã Hiền Lương, huyện Hạ Hoà, tỉnh Phú Thọ là nơi thờ Tổ Mẫu Âu Cơ
Chuyện xưa kể rằng: vào ngày mùng 7 tháng Giêng, Tiên nữ Âu Cơ giáng trần, kết duyên cùng Lạc Long Quân rồi sinh được một bọc trăm trứng, sau nở thành 100 người con trai. Một ngày kia, Lạc Long Quân đưa 50 người con về biển, Âu Cơ đưa 49 người con lên núi, để lại người con trưởng ở lại đất Phong Châu nối nghiệp là Vua Hùng thứ nhất. Âu Cơ đưa các con đi mãi, khi đến vùng Hiền Lương (xã Hiền Lương ngày nay), thấy phong cảnh non xanh nước biếc, đất đai phì nhiêu, rừng nhiều muông thú..., bèn dừng lại khai khẩn đất hoang, lập làng, dựng xóm ngày một đông vui, trù phú. Mẹ Âu Cơ đã dạy dân khai hoang, lập ấp, cấy lúa, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải và làm ra các loại bánh từ sản vật địa phương. Ngày 25 tháng Chạp, mẹ đã cùng bầy tiên nữ bay về trời, để lại dưới gốc đa đầu làng một dải lụa màu lung linh như cầu vồng bẩy sắc. Dưới gốc đa ấy, Nhân dân Hiền Lương đã lập đền thờ để tri ân công ơn to lớn của Tổ Mẫu Âu Cơ - Người mẹ linh thiêng huyền thoại của dân tộc Việt Nam.
Thời Hậu Lê, dưới triều Vua Lê Thánh Tông, niên hiệu Hồng Đức thứ 6 (1475) đã phong Thần và cho xây dựng đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ quy mô như ngày nay tại xã Hiền Lương. Năm 1991, Bộ Văn hóa - Thông Tin công nhận đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ là di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia.
Cùng với di tích Đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ, tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ là một di sản văn hóa đặc sắc của người Việt với đầy đủ các giá trị, biểu tượng văn hóa, nghi lễ truyền thống, thể hiện qua tín ngưỡng thờ Nữ thần, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, sự tôn thờ và sùng kính người Mẹ, quá trình huyền thoại hóa lịch sử và lịch sử hóa huyền thoại. Đây là một sáng tạo văn hóa độc đáo nhằm ghi nhớ, khẳng định và tôn vinh lịch sử nòi giống Tiên Rồng của dân tộc Việt Nam; bổ sung vào hệ thống Tín ngưỡng thờ, cúng Hùng Vương trên vùng Đất Tổ, góp phần làm phong phú và sâu sắc thêm những hình thức tưởng nhớ, tri ân công đức tổ tiên của Nhân dân ta.
Lễ rước kiệu trong Lễ hội Đền mẫu Âu Cơ
Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ tại đền Mẫu Âu Cơ xã Hiền Lương là một tổ hợp chứa đựng nhiều giá trị văn hóa độc đáo: Khu di tích đền Mẫu Âu Cơ, đình thờ Đức Thánh Cả, cùng tổng thể nội dung và diễn trình thực hành tín ngưỡng chính là những di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể chứa đựng ý nghĩa, giá trị lưu niệm về Mẫu Âu Cơ. Thông qua việc thực hành tín ngưỡng này, không chỉ hình ảnh mẫu mẹ Âu Cơ với hành trình khai mở đất đai, lập làng dựng xóm, dạy dân làm ăn, phát triển sản xuất... được tái hiện mà còn thể hiện sinh động đời sống văn hóa tinh thần của các thế hệ người dân Hiền Lương nói riêng, cư dân vùng Đất Tổ nói chung.
Nghi lễ linh thiêng, thành kính và là nét đặc sắc riêng
chỉ có ở Lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ là Lễ tế Nữ quan
Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ còn là một điểm nhấn quan trọng trên dòng chảy đời sống tín ngưỡng, tâm linh của Nhân dân ta. Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ tại đền Mẫu Âu Cơ xã Hiền Lương góp phần giáo dục về truyền thống yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, thành kính ngưỡng vọng và tri ân tổ tiên. Qua đó, tạo lập mối đoàn kết, gắn bó cộng đồng - cội nguồn của sức mạnh tập thể trong lịch sử xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước. Với giá trị văn hóa tinh thần đặc biệt, ngày 23/01/2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành quyết định số 217/QĐ-BVHTTDL, công nhận Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.
Đón nhận Bằng chứng nhận của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận
“Tín ngưỡng thờ mẫu Âu Cơ” là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia
Năm tháng trôi qua cùng nhiều thăng trầm, thời gian in dấu trên hầu hết mọi thứ có mặt trong không gian, duy chỉ có Tượng Mẫu Âu Cơ linh thiêng trong đền thì gần như không hề thay đổi, đó là hiện vật gốc, độc bản, có hình thức độc đáo và giá trị lịch sử văn hóa tiêu biểu, mang tính biểu trưng liên quan đến lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam gắn với hình tượng Cha Rồng - Mẹ Tiên vĩ đại. Lạc Long Quân được coi là Quốc Tổ và Âu Cơ là Quốc Mẫu, sinh ra “một bọc trăm trứng” ở lại Phong Châu thu phục lòng người, xưng vương, xây dựng kinh đô và dạy “dân Lạc Việt” khai khẩn đất hoang, cấy trồng lúa nước…
Tượng Mẫu Âu Cơ được công nhận là Bảo vật quốc gia
Đồng bào ta coi Mẫu là người mẹ chung của dân tộc Việt, Tín ngưỡng thờ Mẫu có lẽ đã bắt nguồn từ ấy để thế giới phải công nhận đó là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Và mới đây, người dân Đất Tổ và cả nước càng thêm vinh dự, tự hào, ngày 15/01/2020, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định công nhận Tượng Mẫu Âu Cơ (Niên đại thế kỷ XIX, thờ tại Đền Mẫu Âu Cơ, xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa là Bảo vật Quốc gia.
Đón nhận Quyết định công nhận Tượng Mẫu Âu Cơ là bảo vật Quốc gia
Hằng năm, lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ được tổ chức trong hai ngày, từ ngày mùng 6 đến ngày mùng 7 tháng Giêng. Nét đặc sắc tại phần hội là chương trình biểu diễn văn nghệ và diễn xướng văn hóa dân gian truyền thống được tổ chức thay cho các phần thi văn nghệ của các xã, thị trấn và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện vào ngày mùng 6 tháng Giêng như mọi năm.
Du khách thập phương về dâng hương tại Đền Mẫu Âu Cơ, xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa
Đến với lễ hội, du khách sẽ được hòa trong không khí sôi động của hoạt động như: Lễ tế nam tại đình Đức Ông; giải bóng chuyền da nam, bóng chuyền hơi nữ, cớ tướng...; các trò chơi dân gian và các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, giao lưu văn nghệ trong các ngày diễn ra lễ hội. Và hơn cả, du khách sẽ được thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu theo đúng bản sắc ngay tại chính ngôi Đền Mẫu Âu Cơ.