Mất cân bằng giới tính khi sinh là một vấn đề cần được quan tâm giải quyết
Truyền thông về MCBGTKS qua hội nghị tại xã Gia Điền
Nguyên nhân của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) vẫn ở mức cao được xác định là do: sự ảnh hưởng của văn hóa Nho giáo trong phong tục thờ cúng tổ tiên, việc mong muốn có con trai để nối dõi tông đường; tư tưởng muốn có nhiều con, trọng nam hơn nữ vẫn còn tồn tại trong một bộ phận nhân dân, kể cả trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Đây được cho là nguyên nhân sâu xa và căn bản nhất dẫn tới tình trạng MCBGTKS. Bên cạnh đó, một số cấp ủy, chính quyền còn xem nhẹ công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), chưa xác định đúng và đầy đủ về tầm quan trọng và ý nghĩa của công tác Dân số và phát triển trong tình hình mới; lãnh đạo, chỉ đạo chưa quyết liệt, chưa hiệu quả. Mặt khác, sự phát triển của nền kinh tế nói chung và sự tiên tiến, hiện đại về khoa học, công nghệ, kỹ thuật nói riêng (đặc biệt là trong lĩnh vực Y học như công nghệ, kỹ thuật chẩn đoán giới tính…) đã tạo cho người dân tiếp cận các dịch vụ y tế một cách dễ dàng hơn, chủ động lựa chọn giới tính khi sinh, không tuân thủ yếu tố phát triển tự nhiên…đã và đang góp phần làm gia tăng tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh hiện nay.
Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh dù là ở quy mô lãnh thổ quốc gia hay quy mô địa phương các tỉnh, thành phố, quận, huyện cho đến xã, thị trấn… nếu kéo dài sẽ có nhiều những hậu quả và hệ lụy xã hội không nhỏ. Nếu xu hướng này tiếp tục diễn ra với tốc độ nhanh và lan rộng sẽ trở thành vấn đề nghiêm trọng trong tương lai, ảnh hưởng đáng kể đến cơ cấu giới tính và nhân khẩu học. Tác động chính của hiện tượng MCBGTKS sẽ liên quan tới quá trình hình thành và cấu trúc gia đình, đặc biệt là hệ thống hôn nhân, cấu trúc dân số trong những thập kỷ tới; MCBGTKS sẽ dẫn đến tình trạng thừa nam, thiếu nữ trong tương lai. Thừa nam, thiếu nữ là nguyên nhân gây áp lực đối với việc kết hôn của nhóm dân số khi đến tuổi trưởng thành và làm tăng tệ nạn xã hội và các vấn đề nảy sinh tiêu cực như: tảo hôn, tăng nhu cầu mại dâm, buôn bán phụ nữ, trẻ em gái, bạo hành giới…đó cũng là nguy cơ mà phụ nữ và các em gái hiện nay đang phải đối mặt.
Đảng và Chính phủ Việt Nam đã rất quan tâm đến vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh. Do đó, tại Hội nghị lần thứ sáu, Khóa XII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới. Nghị quyết nêu rõ “Mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh, đã ở mức nghiêm trọng” và đặt mục tiêu “đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên”, “Đến năm 2030: Tỷ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống”. Chỉ đạo của Đảng về mục tiêu đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên đã được cụ thể hóa và tổ chức thực hiện thông qua Quyết định số 1679/QĐ-TTg ngày 22/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.
Đối với huyện Hạ Hòa, hiện nay tỉ số giới tính khi sinh vẫn còn có sự chênh lệch khá lớn. Theo số liệu theo dõi những biến động về dân số được cập nhật trong kho dữ liệu điện tử (MIS), tỉ số giới tính khi sinh của huyện Hạ Hòa hiện nay vẫn đang ở mức cao. Trong những năm gần đây, từ 2016 đến 2019 tỉ số này đang ở mức bình quân 113 bé trai/100 bé gái sinh ra sống; năm 2020 tính đến hết 30/9 tổng số trẻ sinh ra là 995 trong đó 541 bé trai và 454 bé gái. Sự mất cân bằng giới tính khi sinh như vậy nếu diễn ra trong một thời gian dài thì chắc chắn sẽ có những hậu quả và những hệ lụy xã hội như đã nói ở trên xảy ra. Nhận thức được điều đó, nhằm thực hiện tốt kế hoạch hành động giai đoạn 2020-2025 của huyện về thực hiện Chiến lược Dân số đến năm 2030; kế hoạch thực hiện Chương trình điều chỉnh mức sinh đến năm 2030; đặc biệt là đạt được các mục tiêu đề ra trong kế hoạch thực hiện Chương trình truyền thông dân số đến năm 2030 của huyện. Trung tâm DS-KHHGĐ huyện đã chủ động tham mưu UBND huyện Và Ban chỉ đạo công tác Dân số và Phát triển của huyện ban hành các kế hoạch và văn bản chỉ đạo các hoạt động về dân số; tăng cường các hoạt động truyền thông bằng nhiều hình thức phù hợp với điều kiện và đặc điểm từng địa phương. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác phối hợp với các ban ngành đoàn thể để mở rộng và tuyên truyền các nội dung về dân số đến được nhiều đối tượng người dân.

Truyền thông trực tiếp về MCBGTKS theo nhóm đối tượng tại xã Đại Phạm
Giải pháp nhằm khắc phục tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh góp phần giữ ổn định và nâng cao chất lượng dân số trong tình hình mới đó là: Đẩy mạnh và duy trì công tác truyền thông vận động, cung cấp thông tin, nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi. Đây được coi là giải pháp quan trọng nhất nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và Chính quyền; sự ủng hộ và tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, các ban ngành đoàn thể và những người có uy tín ở cộng đồng trong việc phòng ngừa và giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh; hướng tới sự chuyển đổi hành vi tại cộng đồng nhằm góp phần thay đổi nhận thức, hành vi của người dân về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Tổ chức các hình thức tuyên truyền cụ thể như: tăng cường tuyên truyền các bản tin trên trang thông tin điện tử của huyện và hệ thống truyền thanh của xã, thị trấn; làm mới các điểm panô, băng rôn về nội dung nghiêm cấm việc lựa chọn giới tính khi sinh, tuyên truyền tại địa bàn, vị trí tập trung đông dân cư của huyện, các điểm công cộng ở các xã, thị trấn; tổ chức các buổi truyền thông trực tiếp, nói chuyện chuyên đề về MCBGTKS tại các hội nghị, sinh hoạt các khu dân cư, các câu lạc bộ, thăm các hộ gia đình, tư vấn tiền hôn nhân…và tại trạm y tế các xã, thị trấn; phổ biến, tuyên truyền rộng rãi các văn bản quy định nghiêm cấm lựa chọn giới tính khi sinh. Bên cạnh đó cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan đơn vị, các ban ngành, đoàn thể để thực hiện các giải pháp nhằm giải quyết tốt vấn đề mất cân bằng về giới, nâng cao chất lượng dân số.
Hồ Thị Phương Linh