Nhìn lại kết quả phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới nhiệm kỳ 2015-2020
Là huyện miền núi, kinh tế nông nghiệp là chủ yếu, trong nhiệm kỳ qua Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Hạ Hòa đã xác định “Sản xuất nông, lâm nghiệp duy trì tăng trưởng kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập và ổn định chính trị – xã hội ở nông thôn”. Theo đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, có sự liên kết chặt chẽ với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nội bộ ngành theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản, giảm tỷ trọng trồng trọt hợp lý. Tích cực chuyển đổi hình thức chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản từ nhỏ lẻ, kỹ thuật truyền thống sang quy mô hợp tác xã, trang trại, gia trại; đưa các giống lai, giống chất lượng cao và các loại vật nuôi đặc trưng vào sản xuất. Ổn định diện tích gieo trồng cây hàng năm trên 12.000 ha, trong đó diện tích cây lương thực có hạt trên 8.500 ha, sản lượng đạt trên 45.200 tấn/năm; cơ cấu giống có sự thay đổi lớn so với đầu nhiệm kỳ, tỷ lệ lúa chất lượng cao đạt 42,8%, diện tích trồng ngô lai đạt 95%. Giá trị bình quân/ha canh tác và nuôi trồng thủy sản đến nay đạt 91,5 triệu đồng (mục tiêu 90 triệu đồng), tăng 7,2 triệu đồng so với đầu nhiệm kỳ.
Đưa máy móc vào sản xuất nông nghiệp
Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật về thâm canh cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, lúa chất lượng cao, tạo bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu giống, mùa vụ phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Các chương trình kinh tế nông nghiệp trọng điểm được lựa chọn gắn với quy hoạch vùng sản xuất; một số mô hình có hiệu quả đã được nhân rộng như: Mô hình lúa chất lượng cao: J02, HT1, Thiên ưu 8; rau an toàn; thanh long ruột đỏ; chuối tây xuất khẩu; nuôi trồng thủy sản theo công nghệ “sông trong ao”…Tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm qua các sự kiện, hội chợ xúc tiến thương mại. Xây dựng nhiều thương hiệu, nhãn hiệu góp phần nâng tầm giá trị cho sản phẩm nông nghiệp địa phương: Nhãn hiệu tập thể chè xanh Yên Kỳ, cam V2 Y Sơn, bí xanh Văn Lang, mật ong Gia Điền,…
Triển khai thực hiện dồn đổi, tích tụ, tập trung trên 433,84 ha đất đai bằng nhiều hình thức như: chuyển nhượng, chuyển đổi, cho thuê quyền sử dụng đất để thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp. Phát triển các loại cây lâm sản kết hợp với bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Tập trung chỉ đạo quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, nâng độ che phủ rừng đạt 46,6%. Duy trì ổn định diện tích rừng phòng hộ và rừng đặc dụng, khai thác có hiệu quả rừng sản xuất.
Đổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ, các loại hình kinh tế có hiệu quả ở nông thôn với 11 làng nghề, 43 hợp tác xã, 78 trang trại, hàng năm giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động, với thu nhập 4-5 triệu đồng/người/tháng; bước đầu tạo chuyển biến tích cực về tư duy sản xuất của người dân, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Hỗ trợ xây dựng 44 mô hình, trong đó 26 mô hình trồng trọt, 11 mô hình chăn nuôi, 3 mô hình lâm nghiệp và 4 mô hình thủy sản; đem lại hiệu quả kinh tế cho các hộ tham gia. Chỉ đạo các trang trại thực hiện đảm bảo các tiêu chí để được hỗ trợ theo Nghị quyết 01/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, tổng kinh phí được hỗ trợ 1.438 triệu đồng.

Thi công đường giao thông nông thôn
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch 05 năm lần thứ hai giai đoạn 2016-2020 của tỉnh và của huyện được chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Kết cấu hạ tầng nông thôn từng bước được đầu tư, gắn với xây dựng Nông thôn mới và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, diện mạo nông thôn chuyển biến tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao. Đến thời điểm trước khi thực hiện Đề án sắp xếp sáp nhập khu dân cư và các đơn vị hành chính cấp xã, Hạ Hòa có 06 xã đạt chuẩn NTM, 08 xã cơ bản đạt chuẩn, bình quân toàn huyện đạt 16,1 tiêu chí/xã, tăng 4,3 tiêu chí/xã so với đầu nhiệm kỳ; 40 khu dân cư đạt chuẩn nông thôn mới. Huyện đã huy động mọi nguồn lực để tập trung đầu tư cho xây dựng nông thôn mới, tổng kinh phí ước đạt trên 300 tỷ đồng; vận động nhân dân hiến đất làm đường giao thông 208.782 m2, vận động nhân dân chung sức xây dựng nông thôn mới đạt trên 10.215 triệu đồng; tháo dỡ hàng nghìn mét tường rào, chặt bỏ hàng trăm cây lưu niên và đóng góp 670.000 ngày công lao động để bê tông hóa đường giao thông, xây dựng, sửa chữa các công trình công cộng; Hiện mạng lưới giao thông tại huyện đã được cứng hóa đến 74%; hệ thống thủy lợi được đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp đáp ứng yêu cầu tưới, tiêu chủ động cho 80% diện tích đất nông nghiệp; các thiết chế văn hóa ở cơ sở, trường học, trạm y tế được đầu tư xây dựng và nâng cấp; Đến nay, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 27 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 9,3%; Cùng với đó, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế được huyện đẩy mạnh, trong đó tập trung làm tốt công tác dồn đổi, tích tụ ruộng đất nông nghiệp, xây dựng những cánh đồng mẫu lớn liền vùng, liền thửa, thuận lợi cho việc canh tác, phát triển mô hình sản xuất quy mô lớn, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho các hộ dân.
Tiến Tu