Đổi thay trên quê hương Chiến khu Vần – Hiền Lương

Đổi thay trên quê hương chiến khu sau 78 năm hình thành và phát triển
Ngược dòng thời gian về với những tháng ngày đấu tranh giành chính quyền năm 1945 chúng ta không khỏi tự hào về một quá khứ hào hùng của quân và dân Chiến khu. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Mặt trận Việt Minh, tháng 5 năm 1945 nhân dân vùng đất Mẫu Âu cơ đã đồng lòng, đoàn kết gây dựng Chiến khu Vần - Hiền Lương để cùng với chiến khu Vạn Thắng tại xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê và Chiến Khu Phục Cổ xã Minh Hòa, huyện Yên Lập tạo nên thế chân kiềng để phát triển lực lượng cho cách mạng. Cùng với sự ra đời của Chiến khu Vần - Hiền Lương, ngày 14/5/1945 tại chùa Hiền Lương, đội du kích của Chiến khu cũng chính thức được thành lập và được đặt tên là Đội du kích Âu Cơ với 33 đội viên. Lực lượng chủ chốt là con em của nhân dân trong vùng và một số là hào lý, sư sãi, lính khố xanh, khố đỏ hồi hưu. Sau khi thành lập, toàn đội đã ngày đêm luyện tập phương pháp sử dụng vũ khí, thao tác quân sự, cách đánh du kích... Được nhân dân trong vùng nhiệt tình ủng hộ về mọi phương diện, chỉ một tháng sau đội du kích đã phát triển lên tới 100 đội viên, biên chế thành 4 trung đội. Như vậy, đến thời điểm này dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của Trung ương và đặc biệt là Xứ ủy Bắc Kỳ, với 2 nhân tố quan trọng là Chiến khu Vần - Hiền Lương và đội du kích Âu Cơ, Hạ Hòa đã có đủ điều kiện để tổng khởi nghĩa. Chỉ trong một thời gian ngắn, lực lượng du kích Âu Cơ phối hợp với nhân dân trong khu căn cứ Vần - Hiền Lương gấp rút xây dựng lực lượng, tuyên truyền các chính sách của Mặt trận Việt Minh, huấn luyện quân sự, mở các lớp đào tạo cán bộ tiến tới khởi nghĩa, đập tan chính quyền thực dân phong kiến thối nát. Ngày 02-8-1945, Hạ Hòa là huyện khởi nghĩa giành được chính quyền sớm nhất tỉnh Phú Thọ. Đây là một sự kiện trọng đại của Đảng bộ và nhân dân Hạ Hòa, mở ra một thời kỳ mới, những trang sử mới cho địa phương. Sự ra đời, tồn tại và phát triển của căn cứ Vần - Hiền Lương đã tạo nên một trung tâm chỉ đạo và lãnh đạo cách mạng tiêu biểu với lực lượng vũ trang mạnh mẽ, cơ sở quần chúng rộng lớn, cơ sở hậu cần vững vàng. Từ đây, những minh chứng hùng hồn cho sự nhìn xa trông rộng của Đảng trước tình thế đang biến chuyển đã hội tụ khá đầy đủ. Vì vậy, Chiến khu Vần - Hiền Lương trở thành cái nôi nuôi dưỡng các chiến sĩ cách mạng, là địa chỉ đỏ của cách mạng Việt Nam.

Bia di tích lịch sử tại chiến khu Vần - Hiền Lương
Tiếp nối mạch nguồn cách mạng, Đảng bộ xã Hiền Lương hôm nay đã phát triển không ngừng, sau khi sáp nhập với 2 xã Động Lâm và Quân Khê, mảnh đất Chiến khu xưa đã được mở rộng. Tận dụng lợi thế, nguồn lực của một xã sau sáp nhập, Hiền Lương đã tập trung củng cố kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế xã hội. Chỉ trong 2,5 năm từ năm 2020 đến nay, toàn xã đã huy động tổng vốn gần 1.340 tỷ đồng để để cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới hệ thống, đường, điện, trường, trạm, các công trình thủy lợi, chợ dân sinh đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương, nâng cao thu nhập của người dân, hiện tỷ lệ hộ nghèo của xã là 5,52%, hộ cận nghèo là 4,53%. Xã đã đạt 4/9 chỉ tiêu chủ yếu của nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ xã 2020 – 2025, đặc biệt đã về đích chương trình nông thôn mới vào năm 2022, trước mục tiêu 3 năm.
Ông Nguyễn Văn Kiên - Phó Chủ tịch UBND xã Hiền Lương cho biết: “Xã Hiền Lương mới được sáp nhập từ năm 2020, là sự sáp nhập của ba xã Hiền Lương, Động Lâm, Quân Khê. Sau sáp nhập, xã Hiền Lương không ngừng xây dựng phát triển và được công nhận là xã nông thôn mới vào năm 2022. Với sự phấn đấu, nỗ lực của các đồng chí lãnh đạo chính quyền địa phương và bà con nhân dân, đến nay đời sống nhân dân đã được phát triển, thu nhập bình quân đầu người với số tiền 45 triệu đồng/người/năm. Được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước cũng như sự cố gắng nỗ lực của chính quyền địa phương, bà con nhân dân, con em xa quê, đến nay, cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm đảm bảo nhu cầu đời sống của nhân dân trong xã. Tiếp nối truyền thống của Chiến khu Vần cách mạng, Đảng bộ và nhân dân xã Hiền Lương sẽ tiếp tục phấn đấu, xây dựng xã Hiền Lương ngày một phát triển và mục tiêu là xây dựng Hiền Lương đạt xã nông thôn mới nâng cao trong giai đoạn tiếp theo”.

Xã Hiền Lương đón chuẩn Nông thôn mới vào năm 2022, về đích trước mục tiêu 3 năm
Nhìn nhận Hiền Lương trong quá khứ qua tìm hiểu lịch sử đảng bộ xã và ấn tượng với Hiền Lương ở hiện tại, ông Trần Đình Doanh, bộ đội về hưu, hiện đang sinh sống tại khu 9 xã Hiền Lương tâm sự: “Bác sinh năm 1945, lúc bấy giờ bác còn rất nhỏ nên chỉ biết về Chiến khu Vần - Hiền Lương qua lịch sử đảng bộ xã Hiền Lương. Chiến khu được thành lập đúng vào năm bác chào đời. Cùng với sự ra đời của Chiến khu, đội du kích Âu Cơ lúc bấy giờ được thành lập chỉ với 33 chiến sĩ, súng ống rất thô sơ, thậm chí tự chế. Sau khi được thành lập, dưới sự lãnh đạo của đảng bộ xã, đội du kích không ngừng lớn mạnh và giành được nhiều chiến thắng quan trọng, trong đó có đấu tranh giành được chính quyền vào ngày 02/8/1945, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử cho cách mạng Việt Nam năm 1945”. Dù không trực tiếp tham gia chiến đấu thời kỳ đó nhưng qua lời kể sôi nổi của ông Doanh có thể thấy được niềm tự hào của một người con quê hương Chiến khu. Nói về Hiền Lương hôm nay, ông cũng không khỏi phấn khởi chia sẻ: “Đảng bộ xã Hiền Lương hiện nay ngày càng lớn mạnh với khoảng 600 đảng viên. Xã đã có những tiến bộ vượt bậc, xây dựng nông thôn mới. Đời sống của nhân dân ngày một nâng cao, ấm no, hạnh phúc. Xóa đói giảm nghèo bền vững. Mốc để đánh giá chính là điện, đường, trường trạm hiện nay tương đối hoàn chỉnh”.

Giáo dục truyền thống cách mạng luôn được Đảng bộ, chính quyền địa phương quan tâm
Cũng chung niềm tự hào về quê hương Chiến khu, em Lê Thị Trà My - học sinh lớp 7C, Liên đội trưởng trường THCS Hiền Lương cho biết: “Cháu vô cùng tự hào khi được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Hiền Lương yêu dấu. Có thể thấy Chiến khu Vần - Hiền Lương là một phần quan trọng của lịch sử cách mạng. Là một học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường, cháu tự nhận thức với bản thân mình rằng phải cố gắng học tập thật tốt, thật chăm chỉ để có thể gìn giữ được tinh thần, truyền thống cách mạng của ông cha ta và sau này khi lớn lên cháu mong muốn được làm chiến sỹ công an để phát huy tinh thần cách mạng đó, xây dựng và bảo vệ quê hương phát triển hơn”.
Tiếp nối mạch nguồn và nhân lên tinh thần cách mạng tháng Tám, hy vọng mảnh đất Chiến khu xưa sẽ có thêm những bước chuyển mình mạnh mẽ trong phát triển KT-XH, phấn đấu xây dựng Hiền Lương ngày một giàu đẹp, văn minh./.
Lưu Ly - Ngọc Hải