Tập trung, ưu tiên các nguồn lực để triển khai thực hiện Đề án 06
Đại tá Phạm Trường Giang - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh kiểm tra việc triển khai thực hiện thu nhận hồ sơ cấp CCCD
Quyết liệt trong triển khai thực hiện Đề án 06
Trên tinh thần quyết tâm phải thực hiện bằng được, ngay sau khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án 06, tỉnh Phú Thọ đã tập trung lãnh, chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ và linh hoạt các giải pháp. Tỉnh đã ban hành nhiều văn bản quan trọng để kịp thời triển khai thực hiện những nhiệm vụ được giao của Đề án 06 đảm bảo đạt yêu cầu và đáp ứng đúng tiến độ đề ra như: Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án 06 giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh; Chỉ thị số 17-CT/TU của BTV Tỉnh ủy về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong thực hiện Đề án 06; ban hành 15 văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ của Đề án. Đồng thời, chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị tái cấu trúc các quy trình nghiệp vụ đối với dịch vụ công mức độ 3, 4 thuộc thẩm quyền giải quyết; tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, quy trình nội bộ thuộc thẩm quyền quy định việc xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khi thực hiện thủ tục hành chính (TTHC), giao dịch dân sự để sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới đảm bảo thi hành Luật Cư trú năm 2022 về việc sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hết giá trị sử dụng sau ngày 31/12/2022. Những kết quả trên đã bước đầu tạo nền tảng, cơ sở để các cấp, ngành, địa phương vào cuộc tích cực, đồng bộ, quyết liệt, trong đó tập trung, ưu tiên các nguồn lực để thực hiện có hiệu quả Đề án 06.
Với vai trò là cơ quan thường trực, Công an tỉnh đã phối hợp với các đơn vị tham mưu UBND tỉnh thành lập, kiện toàn Tổ công tác của tỉnh, trong đó Chủ tịch UBND tỉnh là Tổ trưởng, lãnh đạo 11 sở, ngành là thành viên. Chỉ đạo Công an các huyện, thị, thành tham mưu UBND cùng cấp thành lập Tổ công tác cấp huyện, cấp xã và khu dân cư để đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06. Đến nay, 13/13 huyện, thành, thị; 255/255 xã, phường, thị trấn; 2.328/2.328 khu dân cư trên địa bàn tỉnh đã thành lập Tổ công tác. Đặc biệt, với tinh thần quyết liệt, thần tốc, không ngại khó, ngại khổ, dù là ngày hay đêm, suốt thời gian qua, các đơn vị trong toàn lực lượng Công an tỉnh đã huy động tối đa nhân lực, phương tiện triển khai đồng bộ các mặt công tác của Đề án 06.
Cùng với Công an tỉnh, để đảm bảo hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ triển khai Đề án 06, Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo VNPT Phú Thọ thực hiện rà soát, kiểm tra, hoàn thiện các yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật, tính năng, chức năng Hệ thống thông tin giải quyết TTHC. Phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan thực hiện kết nối Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thực hiện quy trình khai thác, sử dụng dịch vụ tra cứu thông tin công dân và xác thực định danh cá nhân trên hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh. Đồng thời đảm bảo trang bị 100% chữ ký số chuyên dùng Chính phủ cho cán bộ tại bộ phận một của và cán bộ tham gia giải quyết 25 dịch vụ công thiết yếu. Bên cạnh đó, ban hành văn bản hướng dẫn các sở, ban, ngành đoàn thể cấp tỉnh; UBND các huyện, thành thị, các cơ quan báo chí, tăng cường truyền thông về mục đích, ý nghĩa, những lợi ích thiết thực của Đề án 06…
Cán bộ Sở Thông tin và Truyền thông kiểm tra việc kết nối, chia sẻ dữ liệu từ hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
Xác định việc triển khai thực hiện Đề án 06 là nhiệm vụ chính trị quan trọng, huyện Lâm Thao đã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào cuộc. Đồng chí Ngô Đức Sáu - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Bám sát văn bản của cấp trên, huyện Lâm Thao đã thành lập Tổ công tác Đề án 06 tại cấp huyện; 12/12 xã, thị trấn; 151/151 khu dân cư. Huyện đã chỉ đạo các địa phương tập trung tối đa nhân lực, đảm bảo cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin để phục vụ triển khai thực hiện Đề án 06. Triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tạo những chuyển biến tích cực cho quá trình ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử; xác định, phân công rõ nhiệm vụ cho từng cơ quan, đơn vị. Việc phối hợp giữa các cấp, ngành, địa phương được thực hiện thường xuyên, đây là một trong những yếu tố quan trọng góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án 06.
Những kết quả khả quan
Với sự tích cực vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp, việc triển khai thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhận thức và hành động về chuyển đổi số quốc gia có những chuyển biến tích cực, có sự lan tỏa ở các cấp, ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu. Công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tạo môi trường pháp lý cho chuyển đổi số được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Hạ tầng công nghệ thông tin, các nền tảng số được đầu tư phát triển, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chuyển đổi số.
Công an huyện Lâm Thao tăng cường xuống cơ sở triển khai thực hiện tài khoản định danh điện tử cho người dân
Hiện nay, tỉnh Phú Thọ đang cung cấp 1.967 dịch vụ công, trong đó mức 3, 4 đạt trên 76%. Các sở, ngành, địa phương đã triển khai thực hiện 23/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06. Tổ chức cấp mới 1.188.822 thẻ CCCD, đạt 97,05%; tổ chức thu nhận 379.412 tài khoản định danh điện tử mức 2 cho công dân. Ứng dụng CCCD gắn chíp điện tử tích hợp thông tin thẻ BHYT phục vụ khám, chữa bệnh thực hiện tại 20 cơ sở y tế, tính riêng 2 tháng đầu năm 2023 tiếp nhận 4.788 lượt người khám, chữa bệnh.
Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh đã được kiểm tra đánh giá đảm bảo an ninh an toàn hệ thống theo các yêu cầu của Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông và kết nối chính thức với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư , khai thác đủ 20 trường thông tin đảm bảo khai thác, sử dụng thay thế thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khi giải quyết TTHC, dịch vụ công. Qua đó, góp phần phục vụ công tác điều hành, hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn và yêu cầu quản lý nhà nước về an ninh trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm cũng như cung cấp thông tin phục vụ yêu câu cầu của các ngành (Công tác tiêm chủng, xác nhận thông tin công dân phục vụ giao dịch tài chính, nhà đất…).
Bên cạnh đó, nhận thức rõ tầm quan trọng và tính lan tỏa của công tác tuyên truyền, các cơ quan báo chí, sở, ngành, địa phương đã vận dụng linh hoạt, đồng bộ các hình thức tuyên truyền phù hợp như: Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ công tác triển khai Đề án 06 và tổ công nghệ số cộng đồng các cấp vận động, hướng dẫn người dân đăng ký, kích hoạt và sử dụng tài khoản dịch vụ công, tài khoản định danh điện tử, ứng dụng VNeID phục vụ giải quyết TTHC; lồng ghép trong các hội nghị tại cơ sở… Hoạt động này bước đầu mang lại hiệu quả, được đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Cục Bảo trợ Xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức tập huấn sử dụng hệ thống phần mềm đăng ký, giải quyết chính sách trợ giúp xã hội trực tuyến và cơ sở dữ liệu đối tượng bảo trợ xã hội tại tỉnh Phú Thọ
Việc triển khai thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, phức tạp. Vì vậy, ngay trong những tháng đầu năm 2023, các sở, ngành, địa phương cần phải có quyết tâm chính trị cao, chuyển đổi nhận thức, tư duy và trạng thái hành động về Đề án 06 trong giai đoạn hiện nay; đồng thời tăng cường phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Đề án. Làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, định hướng cho xã hội về lợi ích của Đề án 06, nhất là các tiện ích của dịch vụ công trực tuyến, thẻ CCCD gắn chíp, tài khoản định danh điện tử, các phương thức khai thác, sử dụng thông tin thay thế yêu cầu xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú trong thực hiện các TTHC, giao dịch dân sự… với các hình thức thiết thực, tạo được sự đồng thuận, hưởng ứng rộng rãi của người dân, doanh nghiệp.
Theo Hương Giang - Cổng thông tin điện tử tỉnh Phú Thọ