Tháng tám trên vùng đất chiến khu xưa
Trong cái nắng hè oi ả đầu tháng tám lịch sử, từ UBND xã Hiền Lương, chúng tôi đi thăm những địa điểm di tích trong chiến khu Vần- Hiền. Vừa đi, chúng tôi vừa ngắm khung cảnh xung quanh chiến khu xưa. Cả xã Hiền Lương được bao bọc bởi những triền núi nhấp nhô trùng điệp, bên cạnh là dòng sông Thao phù sa mầu mỡ, ở giữa là cánh đồng trù phú. Cảnh đẹp nhưng địa thế cũng thật địa lợi. Bởi địa hình ở đây thật đắc đại. Sau lưng là núi rừng, ở giữa là cánh đồng, bên cạnh là đường giao thông và sông Hồng. Tất cả những yếu tố ấy rất thuận lợi cho mọi con đường giao thông và cho việc ra đời một chiến khu cách mạng. Bao bọc quanh những ngọn núi cao sừng sững là Ngòi Vần, chạy dài khoảng 20 cây số từ Hiền Lương đến địa phận xã Minh Quân của Trấn Yên (Yên Bái). Đứng trên đò, nhìn ngắm làn nước Ngòi Vần xanh thẳm, bờ lau, bờ nứa san sát, không ai ngờ được nơi đây, xưa kia diễn ra những trận đánh oanh liệt, tiêu diệt phát xít Nhật và thực dân Pháp. Trong chúng tôi như được sống lại không khí lịch sử hào hùng những ngày tiền khởi nghĩa.
Cảnh đấy, người xưa, chúng tôi trở về không khí cách mạng của những năm 40 theo sử sách và theo lời kể của những nhân chứng lịch sử. Trước yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng, giữa năm 1943, đồng chí Hoàng Quốc Việt - Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã trực tiếp về nghiên cứu nắm tình hình ở hai tỉnh Phú Thọ và Yên Bái. Đồng chí Hoàng Quốc Việt đã nhận định địa thế ở khu vực Hiền Lương (Hạ Hòa) có thể xây dựng thành căn cứ cách mạng, trước mắt là xây dựng nơi đây thành cơ sở để đón các chiến sỹ cộng sản ở nhà tù Sơn La và Nghĩa Lộ vượt ngục và là nơi để cán bộ Việt Minh hoạt động dưới xuôi bị lộ lên tạm lánh, đồng thời xây dựng thành căn cứ du kích chuẩn bị cho khởi nghĩa giành chính quyền ở hai tỉnh Phú Thọ và Yên Bái. Đồng chí Hoàng Quốc Việt thay mặt Trung ương Đảng quyết định thành lập Ban cán sự Đảng liên tỉnh Phú - Yên (Phú Thọ - Yên Bái).
Sau khi Ban cán sự Đảng liên tỉnh Phú-Yên được thành lập, do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên quần chúng nhân dân tham gia ủng hộ cách mạng ngày càng đông, nhiều cơ sở Việt Minh liên tiếp ra đời và hoạt động mạnh mẽ không những ở Hiền Lương mà còn ở các vùng lân cận trên địa bàn hai tỉnh. Ban cán sự Đảng liên tỉnh Phú-Yên tiến hành nhiệm vụ móc nối đường dây với Chi bộ Đảng ở nhà tù Sơn La, tìm cách nhanh chóng tổ chức cho anh em tù chính trị vượt ngục ra ngoài, tăng cường lực lượng cho phong trào. Nhờ hoạt động tích cực, khéo léo mà nhiều chiến sỹ cộng sản đã được tổ chức vượt ngục và đón về Hiền Lương an toàn. Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với khu căn cứ Vần - Hiền Lương, tăng cường lực lượng chống lại sự đàn áp của kẻ thù và chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền khi thời cơ đến, ngày 6-5-1945, Xứ ủy Bắc Kỳ đã chỉ đạo thành lập Chi bộ Đảng tại Nang Sa - Chi bộ Đảng đầu tiên của khu căn cứ cách mạng Hiền Lương.
Trước sự phát triển lớn mạnh của phong trào cách mạng, ở khu vực Hiền Lương và một số xã của tổng Động Lâm, tuy chính quyền cũ tồn tại nhưng trước khí thế cách mạng của quần chúng nhân dân gần như bị vô hiệu hóa hoàn toàn. Nhiều hoạt động như rải truyền đơn và đấu tranh vũ trang đã liên tiếp nổ ra ở khắp nơi trên địa bàn làm cho lớp hào lý hoang mang, giao động, không dám ngăn cản phong trào.
Trước tình hình đó, thực hiện Nghị quyết của Trung ương và Xứ ủy Bắc Kỳ, ngày 14-5-1945 tại chùa Hiền Lương, trước sự chứng kiến của nhân dân trong vùng. Đội du kích của chiến khu chính thức được thành lập và được vinh dự mang tên “Đội du kích Âu Cơ”. Lần đầu tiên, trước cửa chùa Hiền Lương ngọn cờ đỏ sao vàng đã xuất hiện trước đông đảo quần chúng nhân dân. Ngay sau khi thành lập, đội du kích Âu Cơ đã bắt tay ngay vào luyện tập các phương pháp sử dụng vũ khí, thao tác quân sự, cách đánh du kích... được sự ủng hộ của quần chúng nhân dân, từ chỗ chỉ có 33 đội viên, chưa đầy một tháng, đội đã quy tập được hơn 100 người và được biên chế thành 4 trung đội và được trang bị một số vũ khí thu được của địch; hưởng ứng chủ trương của Đảng phá kho thóc Nhật cứu đói cho dân, đội du kích Âu Cơ bí mật phá kho thóc Nhật ở Vân Hội vào ngày 13-6-1945 thu được hàng trăm tấn thóc, giải quyết kịp thời nạn đói cho nhân dân.
Uy tín của đội du kích Âu Cơ và chiến khu Vần - Hiền Lương ngày càng lớn mạnh, làm cho bọn Nhật ở Yên Bái hết sức hoang mang, lo lắng. Từ Yên Bái, Nhật tấn công vào chiến khu Vần - Hiền Lương nhằm bóp chết lực lượng vũ trang non trẻ của ta. Do mưu trí, chủ động vạch kế hoạch ứng phó kịp thời của đội du kích Âu Cơ, nên kế hoạch của địch bị thất bại. Trước những thất bại đó, phát xít Nhật ở Yên Bái rất cay cú, chúng quyết định tổ chức một trung đội bao gồm 20 tên lính Nhật và lính bảo an hùng hổ kéo vào Hiền Lương hòng tiêu diệt lực lượng du kích.
Do nắm chắc tình hình, ban chỉ huy đội du kích Âu Cơ đã nhanh chóng họp bàn, bố trí lực lượng mai phục trên Ngòi Vần bí mật đón đánh kịp thời làm cho cuộc tiến công của Nhật vào chiến khu bị thất bại nặng nề, số sống sót vội vàng tháo chạy sang ga Ấm Thượng trở về Yên Bái. Kết quả trận đánh này đã minh chứng cho sự linh hoạt trong tổ chức lực lượng và kế hoạch tác chiến của đội du kích. Uy tín và sức mạnh của đội ngày càng lên cao có sức lôi cuốn mạnh mẽ lực lượng quần chúng, chính quyền cách mạng trong chiến khu được củng cố vững chắc. Từ đó lực lượng thanh niên ở nhiều nơi đã tìm về chiến khu xin ra nhập đội du kích. Các chiến sỹ ngày đó đã làm thơ để ghi nhớ những chiến công ở chiến khu Vần- Hiền: “ Nhật về khủng bố Âu Cơ/Bị quân dân đánh bất ngờ thua to/Bốn thằng chết, một đắm đò/Quân dân phấn khởi reo hò khắp nơi !”
Ngày 30/6/1945, Xứ ủy Bắc Kỳ chỉ thị cho Tỉnh ủy Phú -Yên gấp rút chuẩn bị để giành chính quyền. Từ căn cứ Vần - Hiền Lương, quân dân Phú Thọ - Yên Bái đã nhận Chỉ thị "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta" của Trung ương Đảng, đặc biệt là lời căn dặn của Bác Hồ với đồng bào cả nước: "Lúc này thời cơ thuận lợi đã đến, dù phải hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập".
Vâng lời Bác, quân dân Phú Thọ - Yên Bái cùng cả nước đã từ các vùng căn cứ địa cách mạng phối hợp với đồng bào đứng dậy Tổng khởi nghĩa, làm nên Cách mạng tháng Tám lịch sử, lập nên nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa.
Chiến khu Vần-Hiền lịch sử đã được Bộ Văn hoá - Thông tin xếp hạng vào ngày 4/9/1995 theo quyết định số 2861/QĐ/BT.
Về Hiền Lương hôm nay, quang cảnh làng quê đã khác xưa. Đường xá phong quang, những căn nhà ngói đỏ ngày càng nhiều lấp ló sau những tán lá cọ. Trường học, bệnh xá được xây dựng khang trang ngay trong khu dân cư. Phát huy những lợi thế mà thiên nhiên ban tặng, nhân dân Hiền Lương vốn hay lam hay làm, cần cù trên đồng ruộng trồng lúa, trồng dâu. Từ trung tâm xã nhìn ra, những cánh đồng lúa bát ngát đang thì con gái chạy đến tận ven sông và sát những triền núi. Đường cao tốc xuyên Á Nội Bài-Lào Cai đã và đang chạy qua xã, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn.
Hằng năm, những người con đất Việt dù ăn đâu làm đâu vẫn cúi đầu hướng về nguồn cội. Hiền Lương với đền Mẫu Âu Cơ là điểm đến tâm linh trong hành trình về cội nguồn của du khách. Hơn nữa, với chiến khu lịch sử Vần- Hiền, hai tỉnh Yên Bái và Phú Thọ đã và đang triển khai dự án phát triển du lịch dựa trên những lợi thế về thiên nhiên và di tích danh thắng.
Tuy thời gian có thay đổi, kéo theo sự thay đổi của xã hội nhưng vẫn còn đó, bia lịch sử rêu phong trên bờ Ngòi Vần xanh thẳm như ghi dấu những tháng ngày quân và dân nơi đây cùng đồng cam cộng khổ mưu trí tiêu diệt kẻ thù, giữ làng, giữ nước, góp phần làm nên chiến thắng của cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám lịch sử. Vẫn còn đó, dưới bờ Ngòi Vần, những chiếc thuyền nan chuyên chở cán bộ cách mạng và những địa điểm hang núi sâu thẳm trong những tháng ngày “rừng che bộ đội”. Tất cả, như lời “cọ xòe” nhắn gửi thế hệ hôm nay biết trân trọng, tự hào trước truyền thống lịch sử và biết khẳng định niềm tin cùng sức mạnh ở hiện tại và tương lai.
Nguyễn Thế Lượng