TIN BÀI PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TUẦN 28/2024
XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH ĐỐI VỚI HÀNH VI NHẬP KHẨU, SẢN XUẤT, CHẾ BIẾN, CUNG CẤP, BÁN THỰC PHẨM
GÂY NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM
1. Thế nào là ngộ độc thực phẩm?
- Căn cứ khoản 10 Điều 2 Luật An toàn thực phẩm năm 2010 sửa đổi, bổ sung 2018: Ngộ độc thực phẩm là tình trạng bệnh lý do hấp thụ thực phẩm bị ô nhiễm hoặc có chứa chất độc.
Tại khoản 1, 2 Điều 3 Quyết định số 39/2006/QĐ-BYT của Bộ Trưởng bộ Y tế quyết định về việc ban hành “Quy chế điều tra ngộ độc thực phẩm” giải thích như sau:
+ “Ngộ độc thực phẩm” là hội chứng cấp tính xảy ra do ăn, uống phải thức ăn có chất độc, biểu hiện bằng những triệu chứng dạ dày - ruột, thần kinh hoặc những triệu chứng khác tuỳ theo tác nhân gây ngộ độc.
+ “Vụ ngộ độc thực phẩm” là tình trạng ngộ độc cấp xảy ra với 2 người trở lên có dấu hiệu ngộ độc khi ăn cùng một loại thực phẩm tại cùng một địa điểm, thời gian. Trường hợp chỉ có một người mắc và bị tử vong cũng được coi là một vụ ngộ độc thực phẩm.
2. Hành vi nhập khẩu, sản xuất, chế biến, cung cấp, bán thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm bị xử phạt hành chính như thế nào?
- Điểm a khoản 6 Điều 22 Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 124/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ quy định: Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi Nhập khẩu, sản xuất, chế biến, cung cấp, bán thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của từ 01 người đến 04 người mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. (Mức phạt này là mức phạt áp dụng đối với cá nhân, Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân). Ngoài ra, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả như sau:
+ Hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 12 tháng đến 16 tháng đối với sản phẩm thuộc diện đăng ký bản công bố sản phẩm.
+ Biện pháp khắc phục hậu quả
(1) Buộc thu hồi thực phẩm
(2) Buộc tiêu hủy thực phẩm
(3) Buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, khám, điều trị người bị ngộ độc thực phẩm
(4) Buộc thu hồi bản tự công bố sản phẩm đối với sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm
- Điểm a khoản 8 Điều 22 Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 124/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ quy định: Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi nhập khẩu, sản xuất, chế biến, cung cấp, bán thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của từ 05 người trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. (Mức phạt này là mức phạt áp dụng đối với cá nhân, Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân). Ngoài ra, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả như sau:
+ Hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 20 tháng đến 24 tháng đối với sản phẩm thuộc diện đăng ký bản công bố sản phẩm.
+ Biện pháp khắc phục hậu quả:
1) Buộc thu hồi thực phẩm
(2) Buộc tiêu hủy thực phẩm
(3) Buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, khám, điều trị người bị ngộ độc thực phẩm
(4) Buộc thu hồi bản tự công bố sản phẩm đối với sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm