TIN BÀI PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TUẦN 31
I. BAN HÀNH LUẬT TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ MỚI NHẤT 2024 CÓ HIỆU LỰC TỪ NGÀY 01/01/2025
Ngày 27/6/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 tại kỳ họp thứ 7.
Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định về quy tắc, phương tiện, người tham gia giao thông đường bộ, chỉ huy, điều khiển, tuần tra, kiểm soát, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ, trách nhiệm quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025, trừ khoản 3 Điều 10 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2026. Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 35/2018/QH14 và Luật số 44/2019/QH14 hết hiệu lực kể từ ngày Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 5 và 6 Điều 89 của Luật này.
II. MỘT SỐ ĐIỂM MỚI NỔI BẬT CỦA LUẬT TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ 2024
1. Giấy phép lái xe có 12 điểm, nếu vi phạm sẽ bị trừ
Theo quy định tại Điều 58 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ số 36/2024/QH15, mỗi giấy phép lái xe sẽ có 12 điểm. Mỗi lần lái xe vi phạm sẽ bị trừ điểm tùy thuộc vào tính chất và mức độ. Điểm trừ sẽ được cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu ngay sau khi quyết định xử phạt có hiệu lực và thông báo cho người bị trừ điểm giấy phép lái xe biết. Trường hợp bị trừ hết điểm, lái xe sẽ không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo loại giấy phép lái xe đó.
Sau ít nhất là 06 tháng kể từ ngày bị trừ hết điểm, lái xe được tham gia kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, nếu kết quả đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ 12 điểm.
Giấy phép lái xe chưa bị trừ hết điểm sẽ được hồi phục đủ 12 điểm nếu không bị trừ điểm trong 12 tháng kể từ ngày bị trừ điểm gần nhất.
Khi đổi, cấp lại hoặc nâng hạng giấy phép lái xe, số điểm sẽ được bảo lưu từ giấy phép cũ. Các cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cũng có quyền trừ điểm từ giấy phép lái xe của người vi phạm.
2. Xe đưa đón học sinh phải có thiết bị cảnh báo, chống bỏ quên trẻ
Điều 46 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có quy định, xe ô tô kinh doanh vận tải chở trẻ em mầm non, học sinh phải có thiết bị ghi nhận hình ảnh trẻ em mầm non, học sinh. Phải trang bị thiết bị có chức năng cảnh báo, chống bỏ quên trẻ em trên xe.
- Xe phải có niên hạn sử dụng không quá 20 năm; có màu sơn theo quy định của Chính phủ.
- Xe ô tô chở trẻ em mầm non hoặc học sinh tiểu học phải có dây đai an toàn phù hợp với lứa tuổi hoặc sử dụng xe có ghế ngồi phù hợp với lứa tuổi theo quy định của pháp luật.
- Khi đưa đón trẻ em mầm non, học sinh tiểu học phải bố trí tối thiểu 01 người quản lý trên mỗi xe ô tô để hướng dẫn, giám sát, duy trì trật tự và bảo đảm an toàn cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học trong suốt chuyến đi.
- Trường hợp xe từ 29 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe) mà chở từ 27 trẻ em mầm non và học sinh tiểu học trở lên phải bố trí tối thiểu 02 người quản lý trên mỗi xe ô tô.
- Người quản lý, người lái xe có trách nhiệm kiểm tra trẻ em mầm non, học sinh tiểu học khi xuống xe; không được để trẻ em mầm non, học sinh tiểu học trên xe khi người quản lý và người lái xe đã rời xe.
- Lái xe ô tô đưa đón trẻ em mầm non, học sinh phải có tối thiểu 02 năm kinh nghiệm lái xe vận tải hành khách.
- Cơ sở giáo dục phải xây dựng quy trình bảo đảm an toàn khi đưa đón trẻ em mầm non, học sinh; hướng dẫn cho lái xe và người quản lý trẻ em mầm non, học sinh nắm vững và thực hiện đúng quy trình.
- Phải chịu trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ khi tổ chức đưa đón trẻ em mầm non, học sinh của cơ sở giáo dục đó.
- Xe đưa đón trẻ em mầm non, học sinh được ưu tiên trong tổ chức phân luồng, điều tiết giao thông, bố trí nơi dừng xe, đỗ xe tại khu vực trường học và tại các điểm trên lộ trình đưa đón trẻ em mầm non, học sinh.
3. Thay đổi phân hạng giấy phép lái xe
Hiện hành, Bằng lái xe hiện nay được quy định tại Điều 16 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT có 13 hạng gồm: A1, A2, A3, A4, (B1 số tự động, B1), B2, C, D, E, F, FB2, FC, FD, FE.
Căn cứ theo Điều 57 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 có 15 hạng bằng lái xe gồm: A1, A, B, B1, C, C1, D1, D2, D, BE, C1E, DE, D1E, D2E, DE.
Theo đó từ ngày 01/01/2025, sẽ không còn giấy phép lái xe hạng A2, A3, A4, B2, E, FB2, FD, FE, FC và bổ sung giấy phép lái xe hạng A, C1, D1, D2, BE, C1E, CE, DE, D1E, D2E.
4. Bổ sung trường hợp được chở 3
Theo khoản 1 Điều 33 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024, người lái xe mô tô hai bánh, xe gắn máy chỉ được chở một người, trừ những trường hợp sau thì được chở tối đa hai người:
- Chở người bệnh đi cấp cứu;
- Áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật;
- Trẻ em dưới 12 tuổi;
- Người già yếu hoặc người khuyết tật.
Như vậy, so với Luật Giao thông đường bộ 2008 thì Luật mới đã bổ sung thêm trường hợp xe máy được chở 3 khi tham gia giao thông là chở người già yếu hoặc người khuyết tật.
5. Không được cho trẻ dưới 10 tuổi và cao dưới 1,35m ngồi cùng hàng ghế tài xế từ 01/01/2026
Khoản 3 Điều 10 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 bổ sung quy tắc chung trong giao thông đường bộ như sau:
Khi chở trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35 mét trên xe ô tô không được cho trẻ em ngồi cùng hàng ghế với người lái xe, trừ loại xe ô tô chỉ có một hàng ghế; người lái xe phải sử dụng, hướng dẫn sử dụng thiết bị an toàn phù hợp cho trẻ em.
Quy định trên có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2026 theo khoản 2 Điều 88. Như vậy, từ 01/01/2026, không được cho trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35 mét ngồi cùng hàng ghế tài xế, trừ loại xe ô tô chỉ có một hàng ghế.
Trên đây là một số điểm mới đáng chú ý của Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ.