Giáo dục truyền thống ở di tích lịch sử
Học sinh trường THCS Đại Phạm phát quang khu di tích Chiến khu 10
Hạ Hòa là một trong những địa phương của tỉnh Phú Thọ có nhiều di tích lịch sử được xếp hạng. Trong những năm gần đây, việc gìn giữ, chăm sóc các di tích lịch sử trên địa bàn huyện đã và đang được đẩy mạnh. Đi đầu trong hoạt động này phải kể đến các trường học đóng trên địa bàn có di tích với nhiều hoạt động tích cực.
Các di tích, nghĩa trang liệt sỹ nằm ở khắp các xã trên địa bàn huyện Hạ Hòa. Cụ thể như đền Chu Hưng ở xã Ấm Hạ, đền Nghè xã Văn Lang, đền Mẫu Âu Cơ xã Hiền Lương… cùng với các nghĩa trang liệt sỹ tại các xã. Như thế, việc chăm sóc các khu di tích, nghĩa trang liệt sỹ trong những năm gần đây được các nhà trường từ cấp Tiểu học đến THPT nhận đảm nhiệm.
Hoạt động nhận và chăm sóc các di tích lịch sử, nghĩa trang liệt sỹ trên địa bàn nhà trường là một trong 5 tiêu chí của phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực do Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động. Để làm được công việc này, các nhà trường từ đầu mỗi năm học đã chủ động đăng ký với UBND xã để nhận chăm sóc di tích, nghĩa trang. Đồng thời, để mỗi học sinh hiểu được ý nghĩa của việc làm này, vào các giờ chào cờ hằng tuần, các hoạt động ngoại khóa, các nhà trường đã tuyên truyền cho học sinh thấy rõ về vị trí cũng như giá trị của những di tích, nghĩa trang liệt sỹ cũng như những con người đã có công lao với quê hương. Từ đó, các em tích cực và có ý thức tốt về việc bảo tồn di tích ngay tại địa phương mình.
Tại Ấm Hạ, nhiều năm nay, trường THCS Ấm Hạ đã nhận chăm sóc di tích lịch sử đền Chu Hưng, nơi thờ Côn Nhạc Đại Vương. Nhà trường đã tích cực tuyên truyền cho các em học sinh hiểu về lịch sử đền Chu Hưng, Chiến khu 10 Đại Phạm, về những chiến công hiển hách đánh đuổi giặc ngoại xâm và xây dựng quê hương của cha ông đồng thời thấy được sự cần thiết và ý nghĩa của việc chăm sóc di tích lịch sử. Hàng tháng trong năm học, nhà trường tổ chức cho các em học sinh tham gia hoạt động lao động vệ sinh khu di tích. Có kết hợp tuyên dương, khen thưởng những cá nhân, tập thể lớp lao động tích cực. Ngoài ra còn tổ chức giờ ngoại khóa cho học sinh tham quan di tích. Thông qua hoạt động này, học sinh viết thu hoạch nhận xét về những mặt tích cực, phản ánh những hạn chế còn tồn tại ở khu di tích, tạo điều kiện cho việc chăm sóc di tích được tốt hơn.
Tại xã Hiền Lương, có di tích đền quốc Mẫu Âu Cơ, bia di tích chiến Vần – Hiền tại bến Ngòi Vần, các trường tiểu học, THCS trên địa bàn đã nhận chăm sóc và tổ chức các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm tại các điểm di tích. Ngoài hoạt động dạy và học, việc giáo dục cho học sinh truyêng thống lịch sử hào hùng dân tộc và của nhân dân địa phương được nhà trường chú trọng để nhằm giáo dục cho học sinh về truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc, nâng cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Hàng tháng, các nhà trường đã tổ chức cho học sinh các lớp làm vệ sinh, trồng hoa và chăm sóc khu di tích. Vào các tiết học lịch sử địa phương, nhà trường tổ chức cho học sinh tham quan các di tích lịch sử văn hóa của địa phương và cách mạng kháng chiến để từ đây khơi dậy trong các em niềm tự hào và ý thức tự tôn dân tộc.
Trường THCS Đại Phạm nhiều năm qua nhận chăm sóc khu di tích Chiến khu 10 Đại Phạm tại khu vực Hang Dơi, trường THCS Văn Lang chăm sóc di tích lịch sử quốc gia đền Nghè - Đình Đông Văn Lang, trường THCS Gia Điền trải nghiệm, chăm sóc bia di tích trụ sở của Hội văn nghệ kháng chiến Việt Nam tại xã Gia Điền, học sinh trường THPT Xuân Áng trải nghiệm sáng tạo tại đền Mẫu Âu Cơ, tham gia đoàn rước lễ vào dịp lễ hội mùng 7 tháng Giêng hằng năm.
Nhằm giữ gìn và phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” bằng những hành động thiết thực và việc làm cụ thể, học sinh các nhà trường trên địa bàn huyện Hạ Hòa đã có thêm điều kiện để hiểu hơn về lịch sử nước nhà, chung tay góp sức tôn tạo bảo vệ di tích, di sản. Không chỉ có vậy, các nhà trường còn cho các em tìm hiểu về di tích thông qua các buổi học dã ngoại để các em hiểu rõ về một thời oanh liệt biết trân trọng thế hệ cha anh. Thông qua hoạt động này, các em sẽ hiểu sâu hơn, gần gũi hơn và nhận thức trách nhiệm hơn với quê hương đất nước.
Em Nguyễn Thị Hoài Thu, học sinh lớp 11 trường THPT Hạ Hòa chia sẻ: “Được đến di tích lịch sử ngay tại quê mình, chúng em cảm thấy được nhân lên niềm tự hào và có thêm ý chí quyết tâm học tập tốt”.
Bằng những hoạt động thiết thực và có ý nghĩa, trong những năm qua, hoạt động chăm sóc các di tích lịch sử và nghĩa trang liệt sỹ trên địa bàn huyện Hạ Hòa đã trở thành một phong trào mang tính giáo dục đối với thế hệ trẻ. Thông qua hoạt động này, mỗi học sinh, những chủ nhân tương lai của đất nước mang trong mình niềm tự hào trước cha anh, có ý chí vươn lên để học tập và xây dựng quê hương Hạ Hòa giàu đẹp.
Nguyễn Thế Lượng