Hình bóng miền quê trung du Hạ Hòa qua bài thơ Thôn Chu Hưng của Lưu Quang Vũ
Khi hoà bình lập lại (1954) gia đình ông chuyển về sống tại Hà Nội. Thiên hướng và năng khiếu nghệ thuật của ông đã sớm bộc lộ từ nhỏ và vùng quê trung du Hạ Hòa đó đã in dấu trong các sáng tác của ông sau này. Đặc biệt, mảnh đất Chu Hưng-Ấm Hạ (Hạ Hòa) xưa chính là cái nôi của Hội văn nghệ Việt Nam đồng thời mảnh đất này từng là cảm hứng cho những sáng tác thơ ca của các nhà thơ Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
Thôn Chu Hưng- Lưu Quang Vũ
Thôn Chu Hưng trăng sao rơi đầy giếng
Nằm giữa bốn bề rừng rậm nứa lao xao
Đường ven suối quả vả vàng chín rụng
Cọ xanh rờn lấp loáng nước sông Thao.
Nhà chon von khuất sau vườn ngô sắn
Thôn nhỏ nặng tình kháng chiến mười năm
Cơm thiếu muối rau giền ăn với trám
Sương trắng đồi, áo mỏng rét căm căm.
Ơi Chu Hưng đêm nằm nghe suối đổ
Nghe gió ngàn và tiếng hoẵng giữa rừng sâu
Ơi Chu Hưng sắn vùi trong bếp đỏ
Ấm những ngày gian khổ khó quên nhau.
Mẹ sinh con vào cuối mùa hoa gạo
Loa chuyển rừng tin thắng trận sông Lô
Bố gửi con mảnh vải dù may áo
Súng nổ dồn đuổi giặc suốt mùa mưa.
Vỡ đồi hoang mẹ trồng sắn trồng ngô
Con lớn trong nỗi nhọc nhằn của mẹ
Trong cánh tay xóm làng bồng bế
Trong tiếng hò tha thiết vọng trên nương.
Tuổi lên năm đi nhặt củi ven rừng
Con tập đánh vần bằng bảng tin thắng trận
Ăn đọt măng vầu, uống ngụm nước trong
Con chưa thấy những chân trời cao rộng.
Mùa thu hoà bình rời xa Việt Bắc
Bè về xuôi gió thổi nước sông reo
Rừng vẫy lá đưa ta đi lưu luyến
Bạn nhỏ trên đồi đứng mãi nhìn theo...
Xa Chu Hưng đã chín mùa cá lũ
Sắn bên đồi sắn có xanh tươi?
Mái nhà cũ đêm đêm ai nhóm lửa
Máng tre có còn hứng nước mưa rơi?
Thôn ta mở thêm mấy trường học mới
Hợp tác nhà nay chắc đã lên cao
Tháng mấy buổi có phim về chiếu
Đến bao giờ có điện để thay sao?
Con suối nhỏ xuyên rừng nơi ấy
Là ngọn nguồn sông biển yêu thương
Ra biển ra sông còn nhớ mãi
Trắng hoa rừng... ơi Chu Hưng, Chu Hưng!
Hà Nội, 1964
Sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, gia đình Lưu Quang Vũ chuyển về Hà Nội. Sau chín năm xa cách mảnh đất Chu Hưng, nhà thơ đã luôn nhớ về mảnh đất này và ông đã cho ra đời bài thơ mang cái tên rất giản dị- Bài thơ Thôn Chu Hưng. Bài thơ gồm 10 khổ, được sáng tác theo thể tự do, hầu hết các khổ thơ đều bộc lộ cảm xúc của nhà thơ với những kí ức về tuổi thơ được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất trung du đầy nghĩa tình. Cảnh sắc và con người Chu Hưng biểu tượng cho hồn quê vùng trung du Phú Thọ hiện diện trên từng câu, từng chữ trong dòng hồi ức của nhà thơ.
Gia đình nhà thơ Lưu Quang Vũ
|
Mở đầu bài thơ là khung cảnh thiên nhiên mang đậm bóng dáng của vùng trung du Phú Thọ thông qua kí ức của nhà thơ về thôn Chu Hưng- Một thôn nhỏ nằm ở giữa xã Ấm Hạ ngày nay, đó cũng chính là nơi nhà thơ cất tiếng khóc chào đời trong những năm kháng chiến. Lấy không gian là thôn Chu Hưng nhưng khung cảnh thiên nhiên và cảnh sắc vùng đất này lại được mở rộng theo nhiều chiều của sự kết hợp giữa hiện thực và cảm xúc. "Thôn Chu Hưng trăng sao rơi đầy giếng/ Nằm giữa bốn bề rừng rậm nứa lao xao/ Đường ven suối quả vả vàng chín rụng/ Cọ xanh rờn lấp lánh nước sông Thao". Những hình ảnh tại Chu Hưng hiện lên hết sức đẹp và lãng mạn. Ở đây cảnh vật có sự hòa quyện, giao hòa trong sự khúc xạ giữa ánh trăng, chòm sao và giếng nước làm ánh lên một luồng sáng lấp lánh rọi chiếu tâm hồn tuổi thơ của tác giả. Ấn tượng khó phai mờ là thôn nhỏ nằm giữa bốn bề rừng rậm nứa lau. Từ láy " lao xao" như tiếng động vọng về của không gian còn thấp thoáng trong kí ức của tuổi thơ tác giả. Hai câu sau, không gian như được mở rộng, đẩy xa hơn. Nhưng mở rộng không có nghĩa là làm pha loãng cảnh sắc đặc trưng của Chu Hưng mà như kéo lại gần hơn không gian của trung du Phú Thọ. Những hình ảnh thực đến từng câu chữ như quả vả vàng chín rụng, rồi hình ảnh tán cọ xanh rờn soi bóng nước Sông Thao đã trở đi trở lại và là hình ảnh không thể thiếu được trong hồn thơ của tác giả. Cả không gian của mảnh đất vùng trung du như ùa về trong kí ức không thể nào phai mờ trong tâm hồn của nhà thơ. Từng hình ảnh, từng chi tiết mang đậm bóng dáng rất riêng của một miền quê rừng cọ đồi chè.
Nhưng có lẽ trong cả sự trở về sau chín năm xa cách, hình ảnh những mái nhà lá cọ và cuộc sống đậm đà nghĩa tình luôn trở đi trở lại trong bài thơ này: "Nhà chon von khuất sau vườn ngô sắn/ Thôn nhỏ nặng tình kháng chiến mười năm/ Cơm thiếu muối rau giềng ăn với trám/Sương trắng đồi, áo mỏng rét căm căm". Hình ảnh ngôi nhà thân thương đã bao đời che mưa che gió cho con người vùng trung du giờ hiện diện ấm áp trong bài thơ của Lưu Quang Vũ. Đó là những ngôi nhà nhỏ nằm chon von bên những sườn đồi, thấp thoáng sau những vườn ngô vườn sắn tạo nên một sức sống ấm áp cho người dân trung du. Nếu ở khổ thơ trên, hai câu cuối, không gian như được mở rộng trong sự tuôn chảy của dòng nước Sông Thao thì ở khổ thơ này, không gian lại được thu hẹp để khắc sâu sự mặn mòi của cuộc sống kháng chiến. Đó là những ngày diễn ra cuộc kháng chiến chống Pháp, cuộc sống gian khổ mà nghĩa tình. Những chi tiết về ẩm thực trung du là cơn nhạt, rau giềng, trám cùng sự thiếu thốn về vật chất là áo mỏng trong căm căm mưa phùn. Những chi tiết ấy đã nói lên tất cả sự đồng cam cộng khổ mà nghĩa tình ấm áp của người dân trung du trong những năm kháng chiến: Ơi Chu Hưng sắn vùi trong bếp lửa đỏ/Ấm những ngày gian khổ khó quên nhau..
Hình ảnh " sắn vùi bếp lửa" là minh chứng làm ấm lòng những con người đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi. Đó mãi là những kỷ niệm và là niềm tin để đứa con nhớ về miền đất trung du thân thương.
Hình ảnh người mẹ trung du hiện diện rõ nét trong tiếng thơ và sự vọng về trong kí ức của Lưu Quang Vũ. "Con lớn trong nỗi nhọc nhằn của mẹ/Trong cánh tay xóm làng bồng bế/Trong tiếng hò tha thiết vọng trên nương. Đứa con lớn lên trong sự mặn mòi giọt mồ hôi thấm trên má mẹ, trong vòng tay ấm áp của xóm làng bình dị, trong câu hò lời ru như dòng sữa ngọt ngào của quê hương trung du thắm thiết nghĩa tình. Chỉ vậy thôi, người mẹ trung du có thể được ví như bà mẹ Tà Ôi trong thơ của Nguyễn Khoa Điềm, như bà bầm, bà bủ trong thơ của Tố Hữu đã chăm bẵm, chở che và đưa đứa con đến chân trời của những ước mơ.
Nhưng rồi do hoàn cảnh đất nước, khi hòa bình lập lại, nhà thơ cùng gia đình chuyển về Hà Nội. Đó cũng là lúc nhà thơ phải xa mảnh đất Chu Hưng nghĩa tình, xa trung du yêu dấu. Điều đó càng làm cho tình yêu với mảnh đất này trở nên mãnh liệt và da diết hơn. Hàng loạt câu hỏi được đặt ra trong tâm thức của nhà thơ: Sắn Chu Hưng có còn xanh rờn, mái nhà lá cọ đã qua bao mùa bão tố, làng Chu Hưng đã có mấy trường xinh, khói lam chiều hàng ngày có đượm mùi rơm rạ ? ....Những câu hỏi đó thực chất là sự gọi về trong hoài niệm của tác giả về những gì có ở Chu Hưng, về những gì thuộc về trung du từ bao đời nay. Phải có một tấm lòng yêu thương và gắn bó với mảnh đất này đến như thế nào thì mới gợi lại một cách chân thực về Chu Hưng của ngày xưa.
Như một quy luật của tình cảm, cảm xúc trong sự hòa quyện với khao khát tìm về ngọn nguồn của cảm hứng thi ca, ở phần cuối của bài thơ, Lưu Quang Vũ đã làm một cuộc ngược dòng theo sự hồi tưởng của kí ức xa xăm về Chu Hưng: Con suối nhỏ xuyên rừng nơi ấy/Là ngọn nguồn sông biển yêu thương/Ra biển ra sông còn nhớ mãi/Trăng hoa rừng...ơi Chu Hưng, Chu Hưng! Nhà thơ ví mình như " con suối nhỏ" được bắt nguồn từ nơi ấy- mảnh đất trung du đã bao đời chở che nuôi dưỡng vỗ về. Chu Hưng- nơi nhà thơ cất tiếng khóc chào đời, trung du- mái cọ hòa nhịp nước Sông Thao chính là ngọn nguồn yêu thương để dòng nước kia chảy mãi, chảy mãi một cách tự tin hòa vào biển lớn. Để rồi, những hình ảnh thiên nhiên trăng, hoa, rừng mãi in đậm trong kí ức nhà thơ, nó là phần hành trang không thể thiếu được, không thể quên được để Lưu Quang Vũ thăng hoa cảm xúc, vươn tới những đỉnh cao của nghệ thuật.
Kết thúc bài thơ là tiếng gọi như vọng về còn âm vang mãi trong tâm hồn nhà thơ: Ơi Chu Hưng, Chu Hưng! . Thấp thoáng bóng dáng miền quê trung du Hạ Hòa như hiện về trong tiếng gọi đầy tha thiết ấy.
Nguyễn Thế Lượng