Kế thừa và phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình truyền thống Việt Nam trong giai đoạn hiện nay

Đối với nước ta, sự giao lưu mở cửa hội nhập đã đem đến cho gia đình nhiều cơ hội mới, nhưng cũng nhiều thách thức mới. Gia đình Việt Nam có điều kiện phát triển kinh tế, giao lưu hội nhập với các nền văn hóa tiên tiến, văn minh của các nước. Song, bên cạnh những mặt tích cực đó, cũng nảy sinh nhiều vấn đề tác động đến đời sống gia đình, làm cho gia đình đứng trước những sự đổi thay khác nhau. Cuộc sống của xã hội hiện đại với sự phát triển mạnh mẽ của các thành phần kinh tế đã tác động đến đời sống gia đình, ở một góc độ nào đó đã phá vỡ nền nếp gia phong của gia đình truyền thống. Hiện nay, tình trạng ly hôn, ly thân, sống chung như vợ chồng không đăng ký kết hôn, quan hệ tình dục trước hôn nhân và việc nạo phá thai trong giới trẻ gia tăng, để lại những hậu quả nặng nề đối với gia đình và xã hội. Xu hướng hôn nhân với người nước ngoài ngày càng nhiều và sau hôn nhân nhiều phụ nữ di cư theo chồng sinh sống ở nước ngoài cũng đặt ra mối quan tâm lo lắng của toàn xã hội. Các giá trị văn hóa gia đình truyền thống tốt đẹp đang có biểu hiện xuống cấp, mai một. Nhiều tệ nạn xã hội như ma túy, cờ bạc, rượu chè, mại dâm, HIV/AIDS đã và đang xâm nhập vào các gia đình. Mâu thuẫn xung đột giữa các thế hệ về phép ứng xử, lối sống, vấn đề chăm sóc người cao tuổi, tình trạng bạo lực trong gia đình có chiều hướng ngày càng gia tăng ... đang đặt ra những thách thức mới. Từ thực tế trên, việc phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình truyền thống trong việc xây dựng gia đình văn hóa có đời sống kinh tế phát triển, đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh phong phú là yêu cầu bức thiết của toàn xã hội hiện nay.
Đối với sự phát triển của xã hội trong bất kỳ giai đoạn nào, thì nền tảng gia đình cũng là yếu tố quyết định đến sự giàu mạnh, thịnh vượng của đất nước. Cho nên, việc quan tâm coi trọng đến yếu tố gia đình chính là hướng đi đúng đắn cho việc tạo dựng một xã hội phát triển ổn định và bền vững. Điều này càng thấy rõ khi chúng ta nhìn nhận đầy đủ vị trí, vai trò, chức năng của gia đình trong xã hội hiện nay. Gia đình là “tế bào của xã hội”, chúng ta khẳng định dù trong hoàn cảnh nào, xã hội nào nó vẫn luôn đúng. Nó nói lên mối quan hệ mật thiết giữa gia đình và xã hội. Trong mỗi quan hệ ấy, trình độ phát triển về mọi mặt của xã hội quyết định đến hình thức, tính chất, kết cấu và quy mô của gia đình. Gia đình còn là cầu nối giữa mọi thành viên trong gia đình với xã hội. Xã hội nhận thức đầy đủ và toàn diện hơn về một người khi nhận rõ hoàn cảnh gia đình của người ấy. Nhiều nội dung quản lý xã hội không chỉ thông qua hoạt động của các thiết chế xã hội, mà còn thông qua hoạt động của gia đình để tác động đến con người; nghĩa vụ và quyền lợi xã hội của mỗi người được thực hiện với sự hợp tác chung của các thành viên trong gia đình. Qua đó ý thức công dân được nâng cao và sự gắn bó giữa gia đình và xã hội có ý nghĩa thiết thực. Gia đình là tổ ấm thân yêu đem lại hạnh phúc cho mỗi con người. Trong gia đình, mỗi cá nhân được đùm bọc về mặt vật chất và giáo dục về tâm hồn; trẻ thơ có điều kiện được an toàn và khôn lớn, người già có nơi nương tựa, người lao động có điều kiện để phục hồi sức khỏe và thoải mái tinh thần… Gia đình là nơi cung cấp nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay ngày càng đòi hỏi trình độ và yêu cầu cao, đó phải là những người “giàu lòng yêu nước, có ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân; có tri thức, sức khỏe, lao động giỏi; sống có văn hóa, nghĩa tình. Gia đình là nơi nuôi dưỡng, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc..
Trải qua nhiều thế hệ, gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp, góp phần xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc. Những giá trị truyền thống quý báu như lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, thủy chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù và sáng tạo trong lao động, bất khuất kiên cường vượt qua mọi khó khăn thử thách đã được gia đình Việt Nam gìn giữ, vun đắp trong suốt quá trình lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc và phát huy trong giai đoạn hiện nay.
Có thể thấy rằng, trong sự phát triển chung của xã hội hiện nay, gia đình luôn đóng một vai trò quan trọng. Không thể có một xã hội giàu mạnh, văn minh nếu như không dựa trên cơ sở xây dựng những gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ. Vì vậy, xây dựng và phát triển gia đình với những giá trị tốt đẹp trong xã hội hiện đại là một trong những yếu tố cốt lõi trong mục tiêu chung của xây dựng nền văn hóa mới XHCN. Trong giai đoạn hiện nay, mục tiêu mà Đảng ta đề ra là “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, đó là mục tiêu kết hợp các yếu tố kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội trong quá trình phát triển. Giữ gìn và phát huy nền văn hóa dân tộc, xây dựng gia đình văn hóa là khâu then chốt, vì gia đình là biểu hiện tập trung của một xã hội, và ngược lại, xã hội đáp ứng nhu cầu, lợi ích của con người, góp phần vào sự tồn tại và phát triển hoàn thiện nhân cách con người. Kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình truyền thống trong việc xây dựng gia đình Việt Nam hiện đại là một việc làm cần thiết, góp phần vào mục tiêu chung là xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, hướng tới hình thành con người mới Việt Nam với những đặc tính cao đẹp và tiến bộ. Đó là những “gia đình văn hóa”. Xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, thực sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách con người và nền văn hóa Việt Nam.
Tiến Tu