Nghi lễ thờ cúng Hùng Vương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ
Ngay sau khi được UNESCO công nhận, tỉnh Phú Thọ cùng với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng Chương trình hành động quốc gia bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ. Bám sát vào chương trình hành động, tỉnh đã xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết triển khai thực hiện để bảo tồn, phát huy giá trị di sản trong đời sống văn hóa của cộng đồng. Tỉnh cũng đề nghị Bộ VH,TT&DL chỉ đạo tổng kiểm kê các di sản văn hóa có thờ cúng Hùng Vương trong cả nước và ở các quốc gia khác, nơi có cộng đồng người Việt Nam sinh sống; đồng thời phê duyệt Đề tài "nghiên cứu, sưu tầm, hệ thống nghi lễ, tục thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" do Hội Văn nghệ dân gian tỉnh Phú Thọ làm chủ đề tài.
Theo các tư liệu lịch sử và thống kê của các nhà nghiên cứu, trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam hiện có 1.417 địa điểm có di tích thờ cúng các Vua Hùng và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương. Bởi vậy, có thể khẳng định, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không chỉ bó hẹp ở khu vực tỉnh Phú Thọ mà còn có sức lan tỏa ở khắp mọi miền đất nước. Và dĩ nhiên, trên một ngàn địa điểm thờ cúng Hùng Vương không phải được hình thành cùng một lúc mà theo thời gian, như lớp phù sa lắng đọng và bồi tụ trong tâm thức người Việt, mỗi địa điểm di tích lại gắn liền với một tín ngưỡng thờ cúng và tri ân công đức của tiên tổ.
Ở vùng trung du Phú Thọ, nơi trung tâm phụng thờ, hương khói các vị vua Hùng là núi Nghĩa Lĩnh. Ngọn núi này không chỉ đẹp về địa thế hữu tình mà còn là nơi linh thiêng hội tụ những giá trị của tín ngưỡng. Nơi đây, vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm, dù ở phương trời nào, dù không về được thắp nén nhang trầm nhưng muôn dân đất Việt vẫn hướng trái tim mình về để được tự hào với dòng máu con Lạc cháu Hồng của mình, để ý thức được con người mình trong cuộc sống hôm nay.
Lưu truyền từ xa xưa, khởi thủy ông cha ta đã tạo lập những hệ thống thờ tự Hùng Vương (những đình, đền, chùa, miếu) trải dài theo lưu vực của ba dòng sông: sông Lô, sông Hồng và sông Đà. Những di tích đó nằm tập trung trong các thôn làng thuộc các 11 huyện, thành, thị hiện nay là: TP. Việt Trì, TX. Phú Thọ, các huyện Phù Ninh, Lâm Thao, Thanh Ba, Đoan Hùng, Cẩm Khê, Thanh Thủy, Tam Nông, Hạ Hòa, Yên Lập.
Trong “Báo cáo tổng quan về kiểm kê khoa học Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” của Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam trình UNESCO đề nghị công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại có đưa ra ba tiêu chí để xác định di tích thờ cúng Hùng Vương: Một là, những di tích thờ phụng đích danh Hùng Vương hoặc các đời Hùng Vương; Hai là, những di tích thờ phụng Hùng Vương theo các mĩ tự, hiệu danh như Ất Sơn Thánh Vương, Viễn Sơn Thánh Vương, Đột Ngột Cao Sơn và Cao Sơn Thánh Vương; Ba là, những nơi thờ phụng, đảm bảo một trong hai tiêu chí trên nhưng chỉ tồn tại trong quá khứ (năm 1945 trở về trước), hiện còn di tích hoặc đã, đang thành phế tích vẫn được đưa vào danh sách khảo sát điều tra. Ba tiêu chí này là cơ sở khoa học cho công việc khảo sát điều tra để xác định chuẩn xác sự chênh lệch về số lượng, tính chất và vị thế của các vị thần được khảo sát trong địa bàn của làng, xã, phường thị trấn... Cũng nhờ phương pháp xác định định tính bằng hồi cố, dân tộc học đã nhận diện được tình trạng có một số di tích mới xuất hiện hay tự nhiên mất đi như: trường hợp của hai ngôi đình Thượng, Đình Hạ ở xã Thanh Đình - TP Việt Trì gộp thành một di tích là đình Thanh Đình; trường hợp đình Chang Vàng, miếu Vinh Quang ở xã Sông Lô - Tp Việt Trì, tài liệu cũ chỉ ghi nhận một di tích, nhưng thực tế lại là hai di tích Đình Chang Vàng, miếu Vinh Quang cùng tồn tại thờ tự; ở xã Chí Đám - huyện Đoan Hùng, hiện đã gộp số ít đồ thờ tự còn sót lại của đình Túy về đình Cả để thờ chung, vô hình chung Chí Đám chỉ còn duy nhất một đình là đình Cả. Từ đó cũng có thể giải thích thêm tự danh: “đình Cả” xuất hiện rải rác trong các làng, thôn theo địa chí cũ. “Đình Cả” nhất thiết là ngôi đình lớn nhất, chung nhất “anh cả cho tập thể các ngôi đình, đền, miếu, nghè” của thôn, làng ấy. Do đó, cho dù với bất cứ lí do nào, đình, đền trên, dưới ,đông, tây, thượng, hạ đã mai một đi, thì đình cả vẫn tồn tại. Đó cũng chính là ý thức lưu giữ truyền thống văn hóa thật đáng trân trọng của người dân Phú Thọ đối với tín ngưỡng thờ cúng thần linh nói chung và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương nói riêng.
Theo tài liệu hồi cố của các bậc cao niên ở các phường xã có tọa lạc di tích thờ cúng Hùng Vương thì về sinh hoạt lễ hội truyền thống, từ năm1945 trở về trước ở đây đều tổ chức thường niên, mức độ và phạm vi có sự khác nhau giữa các thôn làng (tùy theo điều kiện vật chất, hoàn cảnh xã hội, truyền thống tín ngưỡng, phong tục tập quán…). Trong 183 di tích thờ cúng Hùng Vương của tỉnh Phú Thọ thì có 122 di tích đang thờ tự và 61 di tích đã thất truyền. Qua khảo sát điều tra hồi cố tại 122 di tích đang thờ tự đã rút ra diễn trình của một lễ hội ở một làng quê phụng thờ Hùng Vương xưa kia ở Phú Thọ đều đa dạng, cầu kì và phức tạp. Hiện tại tất cả các làng, thôn đều không có tư liệu ghi chép thành văn nào (từ văn bia, thần tích, hương ước…) ghi chép quy định cho các bước tiến hành diễn trình lễ hội. Việc thực hành thực thi theo trí nhớ và từ các thế hệ trước truyền lại. Có một số nét chung theo quy định (bất thành văn) trong tế lễ và rước kiệu của diễn trình lễ hội. Đa số rước theo lộ trình từ miếu, (hoặc nghè) về đình hoặc đền và rước từ đình hoặc đền đi quanh làng rồi trở về nơi xuất phát.
Theo tư liệu hồi cố từ các bậc cao niên, từ năm 1945 trở về trước, cơ sở vật chất phục vụ cho việc thờ phụng Hùng Vương nói riêng, các nhân vật được thờ phụng khác nói chung trên đất Phú Thọ đã được tạo dựng qua hai giai đoạn. Từ thế kỉ thứ X trở về trước, hầu hết các đình, đền, chùa, miếu gần như được tạo lập bằng tranh, tre, nứa, lá, có nơi xây dựng bằng nhà sàn để tránh thú dữ. Từ sau thế kỉ thứ X, các đình, đền, chùa, miếu được xây dựng kiên cố hơn với các chất liệu bằng gỗ, đá, gạch, xi măng… Hầu hết các lễ hội và các nghi lễ thờ cúng Hùng Vương đều được tiến hành tổ chức thường niên tại các di tích đang thờ tự Vua Hùng với những đặc điểm là: Tổ chức vào mùa xuân và mùa thu là chính (xuân thu nhị kỳ), từ mồng một đến rằm tháng giêng gồm các lễ: cầu xuân, mở cửa đền, mở cửa rừng, khánh hạ, Tịch Điền (xuống đồng ); Tổ chức vào rằm, mùng một, ba mươi hàng tháng (lễ tiết); Tổ chức các ngày húy kị của các vị thần hàng năm (sóc vọng). Với hình thức nổi bật là nghi lễ cầu quốc thái dân an, cầu xin mưa thuận gió hòa, làm ăn thuận lợi, con người khỏe mạnh, cầu tài, cầu lộc, cầu đinh (nhân khang, vật thịnh, đắc lộc đắc tài), đất nước hòa bình yên ổn (thái bình, thịnh trị ).
Trong mọi nghi lễ thờ cúng đều đặc biệt coi trọng vật thờ, lựa chọn thật nghiêm ngặt, có nhiều vật thờ, tục thờ đặc trưng cho vùng miền, quan niệm tín ngưỡng, tính cách hành trạng của từng thần linh… nhưng chung nhất phải có 3 loại lễ vật: gà trống thiến, lợn đen và thanh bông hoa quả. Các nghi lễ thờ cúng Hùng Vương thể hiện trong các lễ hội đều được tiến hành tổ chức làm hai phần rõ rệt: Phần lễ đặc biệt thành kính, nghiêm trang và phần hội thật vui tươi, đoàn kết, náo nhiệt. Sinh hoạt văn hóa của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong chừng mực nhất định là một lễ hội truyền thống vẫn giữ được những lớp văn hóa, những yếu tố văn hoá cổ xưa, thể hiện qua những nghi thức rước, tế, cúng, lễ và nhất là trong hình thức cũng như nội dung tiến hành phần hội bằng các diễn xướng, biểu tượng và các trò chơi dân gian gắn với tín ngưỡng cổ.
Trò chơi dân gian và diễn xướng dân gian là những hoạt động văn hóa rất đa dạng, phong phú và sôi động chủ yếu diễn ra trong phần hội. Nhiều trò chơi dân gian khác nhau được diễn ra phổ biến ở các lễ hội như: Cờ tướng, cờ người, chọi gà, đấu vật, đánh đu, ném còn, kéo co, Bách nghệ khôi hài, tùng rí, cướp cờ chạy địch, săn lợn, đu tiên, thi bơi chải, nấu cơm, gói bánh chưng, giã bánh giầy… các diễn xướng như; Múa tiên, múa xinh tiền, múa lân, hát chèo, hát văn, hát xoan, hát xẩm, hát ghẹo, hát dân ca, hát nhà tơ, hát đối, hát bội, sình ca, vèo ca…
Về tục hèm kiêng kị, trước đây việc lựa chọn thủ nhang cho nơi thờ tự và chủ tế luôn được các làng, thôn tuân thủ một cách khắt khe, cẩn trọng, như: Chủ tế phải là đàn ông trên 50 tuổi, mạnh khỏe, tinh nhanh, vợ chồng song toàn, con cái có trai, có gái, trong năm không có đại tang; Có nơi yêu cầu chủ tế phải hợp tuổi thần, khi tế lễ phải mặc áo đầu rồng; Kiêng tên húy thần trong ngày hội cũng như đặt tên con cháu trong làng thôn; Đội tế nam không mặc màu vàng, kiêng thanh nữ mặc áo màu xanh…
Qua khảo sát cho thấy Tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương được nhân dân Phú Thọ gìn giữ và có sức lan tỏa rộng rãi. Từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên đến Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là sự kết tinh và phát triển các giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc Việt Nam. Những giá trị ấy góp phần bồi đắp lòng yêu nước thương nòi, đạo lý uống nước nhớ nguồn, có trước có sau; xây dựng đời sống tinh thần phong phú trong thời đại mới. Chính từ những giá trị đó đã làm nên sức sống trường tồn của dân tộc Việt Nam trước bao biến cố của lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước.
Quách Thị Sinh
Phòng Nghiệp vụ Văn hóa