Về Chu Hưng nghe huyền tích Hai Bà Trưng
Hai Bà Trưng vốn là hai chị em gái Trưng Trắc và Trưng Nhị, là con gái của một Lạc tướng quê ở huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc), thuộc dòng dõng Hùng Vương. Khi đất nước bị giặc phương Bắc (Trung Quốc) xâm lược, đô hộ, không chịu được áp bức, Trưng Trắc đã đứng lên xưng Vương, dấy binh khởi nghĩa. Lịch sử còn ghi chép lại những sự kiện, những câu chuyện và những huyền tích về cuộc khởi nghĩa của Hai Bà. Nơi vùng đất Tổ Phú Thọ hiện nay còn lưu giữ những ngôi đền, ngôi chùa, những bản ngọc phả là nơi thờ tự các vị tướng giỏi của Hai Bà Trưng thời kỳ khởi nghĩa, ghi chép lại những câu chuyện về hành trình ra quân của Hai Bà.
Đền Chu Hưng là ngôi đền cổ thờ Côn Nhạc Đại Vương, người có công điều binh, khiển tướng đánh đuổi ngoại xâm, giữ yên bờ cõi. Di tích đền Chu Hưng trong quần thể di tích Chiến khu X được công nhận là di tích lịch sử Quốc gia, lễ hội đền Chu Hưng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 4603/QĐ-BVHTTDL ngày 20/12/2019 đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Hiện trong ngôi đền lưu giữ cuốn “Chu Hưng Thánh tích ngọc phả”, trong đó có đoạn ghi chép về sự kiện Hai Bà Trưng trong cuộc hành quân đánh đuổi ngoại xâm qua vùng đất này. Ngọc phả ghi chép rằng, Trưng Vương đem 5000 quân tuần sát ở hai lộ Thao Giang và Đà Giang, để đối phó quân tiếp việc phía sau của Tô Định. Lúc bấy giờ, Trưng Nữ xuất quân trên đường, cờ quạt chấn động ngàn núi hai ngày đêm, đến huyện Hạ Hoa (Tên của Hạ Hòa xưa), phủ Lâm Thao, Sơn Tây thì gặp quân Hán theo đường thủy tiến đến, Trưng Nữ hạ lệnh tập trung quân trú tại miếu đền đầu trang Nhữ Hạ (Ấm Hạ, Hạ Hòa ngày nay).
Trưng Nữ cáo yết xin âm phù dẹp giặc, chiến thắng, trị yên khải hoàn, ban tặng vinh phong. Đêm ngủ đến cuối canh ba, Trưng Nữ trong khi mơ màng ngủ, bỗng thấy hai người, áo mũ chỉnh tề, mình người mặt hổ, theo đường miếu mà đến, tự xưng tôi anh em một bọc, vốn là con cháu vua Hùng, vâng lệnh triều đình, trấn yên dân phương này, ở nơi miếu đền. Nay thấy Nữ Vương dẹp giặc Hán, đến trú quân, có lòng cầu đảo Thượng Thánh cùng anh em tôi, xin được theo Nữ Vương dẹp giặc lập công. Lát sau Trưng Nữ tỉnh giấc, biết là có thần linh hiện lên báo cho vậy. Hôm sau bèn triệu phụ lão nhân dân trang Nhữ Hạ đến hỏi, các phụ lão ở Nhữ Hạ đều cả sợ, hết mực tin tưởng, bèn tâu quả đúng như vậy. Trưng Nữ thấy thực là hiển hiện rõ linh tích, ban cho hai đĩnh bạc, cho nhân dân về tu sửa đền sở.
Bản Ngọc phả ghi tiếp, hôm ấy Trưng Nữ gửi thư triệu tướng sĩ ở các đồn sở ngay trong ngày phải cùng nhau tiến quân đến đồn Tô Định đại chiến một trận. Quân Tô Định thua chạy, quân ta chém được chính tướng, cùng tì tướng mấy ngàn tên, thu lấy khí giới. 65 thành ở trại ngoài Ngũ Lĩnh đều thu về cõi Nam bang. Trưng Nữ thắng trận khải hoàn, mở tiệc lớn ăn mừng, khao thưởng tướng sĩ, nhân đó nói rằng: “Trừ ngoại xâm, sớm dẹp giặc Hán, cũng là nhờ bách thần âm phù” (Ngọc Phả Chu Hưng). Ngọc phả Chu Hưng còn ghi, sau đó, Trưng Nữ Vương gia tặng sắc phong cho hai vị sơn thần, một vị âm thần Tiên Hưng cai quản cửa rừng húy là Bạch Hoa Nương Công chúa (nay thờ ở Miếu Chu Hưng), cùng được hưởng lộc nước, khiến cho người người luôn ghi nhớ.
Những huyền tích thiêng liêng về Hai Bà Trưng khởi nghĩa được ghi chép trong cuốn “Chu Hưng Thánh tích ngọc phả” càng khẳng định Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà hợp với ý trời, lòng dân, nhận được sự đồng sức, đồng lòng của nhân dân khắp mọi nơi, được âm phù dương trợ. Đồng thời, những dòng ghi chép về huyền tích Hai Bà Trưng trong cuốn Ngọc phả càng khẳng định sự linh thiêng, lâu đời của ngôi đền và mảnh đất Chu Hưng giữa vùng quê trung thanh bình, yên ả.
Nguyễn Thế Lượng