Chúng tôi trở lại mảnh đất Chu Hưng theo con đường nhựa của quốc lộ 2 dẫn vào khu 7 và khu 8 của xã Ấm Hạ. Những người ở tuổi “xưa nay hiếm” vẫn còn nhớ như in những câu chuyện, những sự kiện đã diễn ra trong lòng thôn nhỏ Chu Hưng từ xa xưa và được ghi lại trong sử sách, ngọc phả, văn bia. Chu Hưng trước đây có tên là Chu Nguyên, vốn là một mảnh đất trung du với phong cảnh “Sơn thủy hữu tình” thuộc thuộc tỉnh Sơn Tây sau đó thuộc huyện Hạ Hòa - Phủ Lâm Thao, dưới thời nhà Nguyễn đổi thành huyện Hạ Hòa. Tuy là một thôn nhỏ nhưng từ thuở Chu Hưng mới có 5 đinh (5 người) cho đến sau này diễn ra cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, mảnh đất này là nơi diễn ra bao sự kiện quan trọng của đất nước.
Nơi “thần tướng” thời Hùng Vương xung trận
Theo cuốn “Chu Hưng ngọc phả thánh tích” hiện còn lưu giữ tại đền thì thấy vị thần được thờ phụng tại đây là Côn Nhạc, cháu của Hùng Nhuệ Vương (Lang Liêu), cháu của An Dương Vương. Khi lên ngôi, Hùng Nhuệ Vương cho phân chia sơn hà thành từng vùng, từng châu rồi giao cho anh em mỗi người hùng cứ một phương. Trong đó Côn Nhạc được giao chính tổng chấn địa hạt Chu Hưng. Theo lệnh vua cha, Côn Nhạc đến địa hạt Chu Hưng chiêu dân lập ấp, khai phá điền hoang, sơn trại, nuôi dưỡng súc vật, bồi bổ sức dân, làm cho dân ấp mỗi ngày một hưng thịnh. Đang yên lành, bỗng ở trong nước nhiều nơi trộm cướp nổi lên hoành hành dân thiện, ở ngoài bờ cõi rình rập dọa đe bởi giặc phương Bắc kéo quân sang xâm chiếm Văn Lang. Nhà vua hạ chiếu chỉ gọi các con đang trấn giữ khắp phương, lui về kinh thành để hội bàn cách đánh. Côn Luân, Côn Nhạc, Côn Lang được nhà vua giao việc chiêu mộ hiền tài, tu bổ khí giới để đồng tâm hiệp sức cùng các tướng lĩnh triều đình đánh quân xâm lược.
Côn Nhạc được giao nhiệm vụ chỉ đạo đội quân theo đường bộ áp sát vùng Yên Bái, Lào Cai đón đánh giặc ngay từ biên giới. Thắng trận, quét sạch quân xâm lược phương Bắc ra khỏi bờ cõi, Côn Nhạc được gia phong sắc quy: “Quốc tái gia phong, Sắc rồng Côn Nhạc, Tính tông hùng Trấn đại vương, Thượng tướng nhất phương Cảnh Vũ”. Côn Nhạc trở về tiếp tục cai quản địa hạt Chu Hưng. Một thời gian sau ông mất. Tưởng nhớ công ơn của ông, nhân dân đã lập miếu thờ. Tháng 7-1806, vua Gia Long đã cho xây mới ngôi đền tồn tại đến nay. Trải qua các triều vua nhà Nguyễn, ngôi đền nhận được 11 đạo sắc phong. Đến nay, ngôi đền thờ Côn Nhạc đại vương trong khu di tích Chiến Khu 10 tại Chu Hưng được công nhận di tích lịch sử quốc gia.
Nơi lưu dấu chân Phật Hoàng Trần Nhân Tông
Sách “Việt điện U linh” của Lý Tế Xuyên (1329-1341) ghi chép, ngày 17 tháng 1 năm Mậu Ngọ, 1258, tại trại Quy Hóa thuộc huyện Hạ Hòa, châu Thao Giang, lộ Tam Giang đã diễn ra trận đánh ác liệt lần đầu tiên giữa quân dân nhà Trần và đội quân Nguyên Mông hùng mạnh. Sau khi nhà Trần chiến thắng Nguyên Mông oanh liệt, vua Trần Nhân Tông đã rời kinh thành lên thăm trại Quy Hoá nơi diễn ra cuộc giao chiến lớn đầu tiên trong cuộc kháng chiến lần thứ nhất của quân Đại Việt chống quân Mông Cổ ngày 17 tháng 1 năm Đinh Tỵ 1258. Khi thăm nơi đây, nghe dân tâu bẩm, cạnh trại chiến này có một núi cao là nơi táng Côn Nhạc đại vương, người được giao chấn giữ Hạt Chu Hưng khi xưa đã có công điều binh khiển tướng đánh đuổi ngoại xâm. Vua Trần lên thăm núi kí hài lăng và khắc tặng bốn câu thơ: “Vung giáo non sông mấy ngàn thu/Bốn biển được yên thù đã hết/Núi xanh trùng điệp tựa như tranh/Linh lăng vạn có mãi hiển vinh”.
Vua Trần Nhân Tông cùng hai sư Pháp Loa và Huyền Quang thấy ở nơi đây núi cao, cảnh đẹp, kề liền có một ngôi chùa lớn có tên là Chính Đạo ( Chính Đạo tự). Cửa tự thiền này xa chốn dân cư thoát luỵ tục trần, nên nhà vua đã chọn nơi đây là nơi lập thiền tu luyện. Vào vãn cảnh chùa, nhà vua vịnh tặng hai câu thơ: “Tự thiền thơm ngát khói hương/Thông reo trúc mọc bên thềm xanh tươi”. Cũng ở chùa này, vua Trần Nhân Tông cùng hai nhà sư Pháp Loa và Huyền Quang đã viết một số bài thơ, bài phú có giá trị góp phần phát triển mạnh mẽ và làm phong phú kho tàng văn thơ dân tộc. Trần Nhân Tông viết bài “Ngữ lục” để ca ngợi cảnh đất nước thanh bình, mây quang, trời tạnh, biên giới không bóng giặc thù. Hai nhà sư Pháp Loa và Huyền Quang viết " Đoàn sách lục" để bàn về lẽ huyền diệu của đạo phật từ bi, sự huyền quang của ngợi cảnh thanh nhàn. Khi ghi lại tiểu sử của 8 vị vua nhà Trần, sách Việt điện U Linh tập của Lý Tế Xuyên đã ghi đoạn: " ...Giặc nước đã tan vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con rồi đi thăm lại cảnh xưa, nơi chiến trận và bắt đầu tu hành theo một thiền phái mới do nhà vua sáng lập nên". Trên núi Kim Quy vùng Chu Hưng Hạ Hoà thuộc châu Thao Giang, lộ Tam Giang xưa kia là nới tiên cảnh bồng lai, nơi ấy có một am nhỏ, nhà vua lên đứng giữa mây trời, dõi nhìn tứ hướng, thấy nơi đây núi cao mà đẹp, ngôi chùa Chính đạo được bao bọc bởi rừng trúc quanh năm xanh tốt bèn cùng hai đệ tử tu luyện trên am rồi sáng tác thơ phú. Uỷ ban giáo hội Phật giáo Việt Nam đã công nhận rằng đỉnh núi Kim Quy của chùa Chính đạo xưa kia tại Chu Hưng là nơi đầu tiên Trần Nhân Tông cùng hai nhà sư Pháp Loa và Huyền Quang tu luyện, theo một thiền phái mới, nơi tu luyện ấy có rừng trúc xanh tốt mọc bên thềm nên nhà vua đặt tên cho phái thiền mới này là " Thiền trúc lâm" là vì thế.
Địa điểm đội vũ trang quân đội đầu tiên của đất nước Lào ra đời
Năm 1946, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp diễn ra. Khi ấy, việc thành lập các Liên khu kháng chiến đã được Trung ương chủ trương nhằm tạo nên các thế trận trùng điệp khắp nơi. Khi ấy, ở Chu Hưng và các xã lân cận như Đại Phạm, Gia Điền thuộc Chiến khu 10. Vào năm 1949, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp diễn ra ác liệt, Đoàn Đảng Cộng sản Đông Dương đã rút vào hoạt động bí mật. Quân và dân hai nước Việt Lào đã đoàn kết cùng nhau vượt mọi gian khổ để tiêu diệt kẻ thù. Về phía nước bạn Lào, khi ấy, đồng chí Kay sone phom vi hane giữ vai trò là trưởng ban xung phong Lào – Bắc cùng 14 chiến sĩ từ mật khu kháng chiến ở Phiêng La, xã Chiềng On thuộc Yên Châu Sơn La, nơi có đồng bào người Mông sinh sống. Được sự đùm bọc và che chở của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Sơn La, Ban xung phong Lào- Bắc đã vượt rừng, vượt sông Đà để tiến về vùng sông Thao khu vực Phú Thọ ngày nay để tạo dựng phong trào và tổ chức. Từ sông Thao, qua đò sông Hồng vào địa phận xã Ấm Thượng cũ (nay là thị trấn Hạ Hòa), ban xung phong Lào- Bắc do đồng chí Kay sone phom vi hane cùng 14 chiến sỹ đã nhanh chóng tiếp cận với Liên khu 10 và đến được địa điểm đền Chu Hưng. Nhân dân quanh vùng Chu Hưng đã tuyệt đối giữ bí mật cho cán bộ Lào và ra sức đùm bọc, nuôi giấu, hỗ trợ về mọi điều kiện. Khi thấy điều kiện đã chín muồi cho việc thành lập tổ chức, ngày 16 tháng 4 năm 1949, tại sân đền cổ Chu Hưng, nơi bản doanh của chiến khu 10, dưới gốc cây sui cổ thụ, lễ thành lập Đội vũ trang đầu tiên của nước Lào vào ngày 16/4/1949, lấy tên là Lát - xa - vông. Tại buổi lễ lịch sử này, phía Việt Nam có đồng chí Lê Trọng Tấn, đại diện Quân đội quốc gia Việt Nam đến chúc mừng. Từ đội vũ trang Lát - xa - vông Lào nhỏ bé ra đời tại ngôi đền cổ Chu Hưng vào năm 1949, bộ đội Pa-thét Lào đã trưởng thành vượt bậc, dũng cảm chiến đấu chiến thắng cả thù trong giặc ngoài, giành độc lập cho dân tộc.
Miền đất “thiêng” của văn nghệ kháng chiến
Năm 1948, trước yêu cầu của cách mạng và cuộc kháng chiến, đoàn văn nghệ sỹ lên đường, hành trình về Việt Bắc và dừng chân ở thôn Chu Hưng. Vì thế, nơi đây được coi là “cái nôi” của văn nghệ kháng chiến. Ở mảnh đất này, các văn nghệ sỹ nổi tiếng gồm nhà thơ, nhà văn, nhạc sỹ, họa sỹ trong thời kỳ đầu “nhận đường” đã dừng chân cho một hành trình dài lên Việt Bắc. Theo tài liệu ghi chép, khi ấy, nhà thơ Tố Hữu làm thư ký tòa soạn cùng với Thế Lữ, Văn Cao, Nguyên Hồng và các cộng sự: Tô Ngọc Vân, Ngô Tất Tố, Nguyễn Đình Thi, Nam Cao, Kim Lân, Huy Cận, Hoài Thanh, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Hữu Đang, Trần Huyền Trân, Như Phong, Chế Lan Viên, Tô Hoài, Xuân Diệu, Thép Mới, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Huy Tưởng, Xuân Thủy, Nguyễn Xuân Khoát…
Trong giai đoạn “mưa bom bão đạn” ấy, tại mảnh đất Chu Hưng bình dị, những tác phẩm về văn học, hội họa, âm nhạc…lần lượt được “chào đời”: "Những người ở lại" của Nguyễn Huy Tưởng, "Vượt lên bão táp" của Nam Cao, "Phố mới" của Kim Lân, "Dãy người" - thơ của Nguyên Hồng, "Vỡ tỉnh" của Tô Hoài, "Nhận đường" tùy bút của Nguyễn Đình Thi, "Núi yên ngựa" của Ngô Tất Tố, "Văn Lỗ Tấn" của Phan Khôi dịch… Nơi đây, Hội văn nghệ Việt Nam cũng làm những công cuộc cần thiết để chuẩn bị cho Đại hội lần thứ nhất thành lập Hội văn nghệ Việt Nam - tiền thân của UBTQ Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam ngày nay. Số tạp chí Văn nghệ đầu tiên ra đời tháng 3/1948. Ở đây còn đóng trụ sở đầu tiên của Nhà xuất bản Văn nghệ do nhà văn Nguyễn Đình Thi làm giám đốc.
Chu Hưng là nơi nhà thơ Tố Hữu thường lui tới để sáng tác thơ, là nơi đã tổ chức nhiều cuộc triển lãm tranh của các họa sỹ Việt Bắc. Lớp nhạc do nhạc sỹ Lưu Hữu Phước dạy ở đầm Ao Châu (ở Ấm Thượng- Hạ Hòa) cũng thường xuống Chu Hưng biểu diễn. Đặc biệt, Chu Hưng ngày ấy đã khơi nguồn cảm hứng cho những sáng tác như Bầm ơi của nhà thơ Tố Hữu, nhà văn Kim Lân đã viết hoàn thành truyện ngắn “Làng” nổi tiếng, Nguyễn Huy Tưởng viết kịch “Người ở lại”, Nguyên Hồng viết “ấp đồi cháy”, Văn Cao hoàn thành “Trường ca Sông Lô”…
Nhà thơ, nhà viết kịch tài ba Lưu Quang Vũ “cất tiếng khóc chào đời”
Cùng với đoàn văn nghệ sỹ kháng chiến đóng trụ sở và hoạt động tại Chu Hưng, gia đình Gia đình nghệ sỹ Lưu Quang Thuận và bà Vũ Thị Khánh cũng cùng chuyến đi ấy và ở lại Gia Điền trong chín năm kháng chiến. Tại đây, bà Khánh đã sinh hạ 3 người con trai là Lưu Quang Vũ (1948), Lưu Quang Hiệp (1951), Lưu Quang Điền (1953). Ngày 17/4/1948, cậu bé Lưu Quang Vũ cất tiếng khóc chào đời nơi miền quê trung du ấm áp và bình dị. Kháng chiến thành công, năm 1954, nhà thơ cùng gia đình trở về Hà Nội sau nhiều năm sống gắn bó với mảnh đất này. Thời kỳ đầu sáng tác, Lưu Quang Vũ đã lấy tên địa danh thôn Chu Hưng làm bút danh của mình.
Năm 1964, khi mới 15 tuổi, Lưu Quang Vũ sáng tác bài thơ Thôn Chu Hưng để ghi lại những cảm xúc khó quên về kí ức tuổi thơ khi được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất trung du đầy nghĩa tình. Bài thơ được in trang đầu trong tập “Hương cây- Bếp lửa” in chung với nhà thơ Bằng Việt. Khung cảnh Chu Hưng hiện lên hết sức đẹp, bình dị và lãng mạn: "Thôn Chu Hưng trăng sao rơi đầy giếng/ Nằm giữa bốn bề rừng rậm nứa lao xao/ Đường ven suối quả vả vàng chín rụng/ Cọ xanh rờn lấp lánh nước sông Thao". Có lẽ trong sự trở về sau chín năm xa cách, hình ảnh những mái nhà lá cọ và cuộc sống đậm đà nghĩa tình luôn trở đi trở lại trong tâm hồn nhà thơ: "Nhà chon von khuất sau vườn ngô sắn/ Thôn nhỏ nặng tình kháng chiến mười năm/ Cơm thiếu muối rau giềng ăn với trám/Sương trắng đồi, áo mỏng rét căm căm". Cảm xúc trong sự hòa quyện với khao khát tìm về ngọn nguồn của cảm hứng thi ca, ở phần cuối của bài thơ, Lưu Quang Vũ đã làm một cuộc ngược dòng theo sự hồi tưởng của kí ức xa xăm về Chu Hưng: “Con suối nhỏ xuyên rừng nơi ấy/Là ngọn nguồn sông biển yêu thương/Ra biển ra sông còn nhớ mãi…”. Nhà thơ ví mình như "con suối nhỏ" được bắt nguồn từ nơi ấy- mảnh đất Chu Hưng đã bao đời chở che nuôi dưỡng vỗ về.
Chu Hưng xưa, mảnh đất nhỏ là nơi ghi dấu những sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước. Chu Hưng ngày nay đang vươn mình trong cuộc sống ấm no hạnh phúc. Những câu chuyện như ùa về từ trong truyền thuyết cho đến hôm nay, người dân Chu Hưng vẫn kể cho nhau nghe để vừa trân trọng quá khứ tươi đẹp, vừa rất đỗi tự hào về mảnh đất quê mình đã trở thành một miền đất thiêng liêng, một “địa chỉ tâm hồn” cho những ai muốn “ngược dòng” trở về tìm lại dấu xưa của hôm nay.
Nguyễn Thế Lượng