BẢN TIN SINH HOẠT NGÀY PHÁP LUẬT THÁNG 06/2023
I. MỘT SỐ LUẬT VÀ NGHỊ ĐỊNH CÓ HIỆU LỰC TỪ NGÀY 01/7/2023
Từ ngày 01/7/2023 02 Luật và 01 Nghị định nổi bật dưới đây sẽ có hiệu lực pháp luật
1. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 (Luật số 13/2022/QH15 ngày 14 tháng 11 năm 2022)
2. Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở 2022 (Luật số 10/2022/QH15 ngày 10 tháng 11 năm 2022)
3. Nghị định số 24/2023/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2023 quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
Sau đây Ban biên tập giới thiệu chi tiết về một số điểm mới đáng chú ý của từng văn bản trên.
II. MỘT SỐ ĐIỂM MỚI ĐÁNG CHÚ Ý CỦA LUẬT THỰC HIỆN DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ NĂM 2022
Từ ngày 01/7/2023 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở 2022 chính thức có hiệu lực. Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở 2022 gồm có 6 Chương và 91 Điều. Luật thực hiện dân chủ cơ sở có những điểm mới nổi bật sau:
1. Về phạm vi điều chỉnh
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 quy định về nội dung, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở. Như vậy, không chỉ thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn mà Luật còn điều chỉnh đến dân chủ trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; tổ chức có sử dụng lao động.
2. Nguyên tắc thực hiện dân chủ ở cơ sở
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở 2022 quy định 06 nguyên tắc trên cơ sở kế thừa 05 nguyên tắc của Pháp lệnh 34/2007/PL-UBTVQH11, đồng thời bổ sung 01 nguyên tắc và một số nội dung trong nguyên tắc của pháp lệnh 34 như: Vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện dân chủ ở cơ sở; bảo đảm trật tự, kỷ cương, không cản trở hoạt động bình thường của chính quyền địa phương cấp xã, cơ quan, đơn vị, tổ chức có sử dụng lao động; tăng cường trách nhiệm giải trình trong quá trình thực hiện dân chủ ở cơ sở; tôn trọng ý kiến đóng góp của Nhân dân, kịp thời giải quyết kiến nghị, phản ánh của Nhân dân.
3. Phạm vi thực hiện dân chủ ở cơ sở là tại nơi cư trú, tại nơi làm việc, cụ thể:
- Mọi công dân thực hiện dân chủ tại xã, phường, thị trấn, tại thôn, tổ dân phố nơi mình cư trú;
- Công dân là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện dân chủ tại cơ quan, đơn vị nơi mình công tác;
- Công dân là người lao động thực hiện dân chủ tại tổ chức có sử dụng lao động nơi mình có giao kết hợp đồng lao động.
4. Quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở quy định cụ thể 04 quyền và 05 nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở.
- 04 Quyền của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở là: Được công khai thông tin và yêu cầu cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời theo quy định của pháp luật; Đề xuất sáng kiến, tham gia ý kiến, bàn và quyết định đối với các nội dung thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; Kiểm tra, giám sát, kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo, khởi kiện đối với các quyết định, hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định của pháp luật; Được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp trong thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định của pháp luật.
- 05 Nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở là: Tuân thủ quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở; Tham gia ý kiến về các nội dung được đưa ra lấy ý kiến ở cơ sở theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; Chấp hành quyết định của cộng đồng dân cư, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức có sử dụng lao động; Kịp thời kiến nghị, phản ánh, tố cáo đến cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở; Tôn trọng và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Ngoài ra Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở 2022 còn quy định về Quyền thụ hưởng của công dân.
5. Các hành vi bị nghiêm cấm trong thực hiện dân chủ ở cơ sở
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở 2022 bổ sung thêm một số hành vi bị nghiêm cấm như:
- Gây khó khăn, phiền hà hoặc cản trở, đe dọa công dân thực hiện dân chủ ở cơ sở.
- Giả mạo giấy tờ, gian lận hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bàn, quyết định, tham gia ý kiến của công dân.
6. Xử lý vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 đã quy định cụ thể việc xử lý hành vi vi phạm pháp luật về dân chủ ở cơ sở sẽ bị xử phạt hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự, bồi thường thiệt hại, xử lý kỷ luật.
7. Về công khai thông tin ở xã, phường, thị trấn
Luật Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn bổ sung thêm một số nội dung phải công khai thông tin phù hợp với Luật Tiếp cận thông tin.
8. Hình thức công khai thông tin
Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở 2022 bổ sung thêm 07 hình thức công khai thông tin như: Đăng tải trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của chính quyền địa phương cấp xã; Gửi văn bản đến công dân; Thông qua hội nghị trao đổi, đối thoại giữa Ủy ban nhân dân cấp xã với Nhân dân; Thông qua việc tiếp công dân, tiếp xúc cử tri, họp báo, thông cáo báo chí, hoạt động của người phát ngôn của Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định của pháp luật; Thông báo đến tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội và các tổ chức, đoàn thể cùng cấp khác để tổ chức phổ biến, tuyên truyền đến hội viên, đoàn viên ở cơ sở; Thông qua mạng viễn thông, mạng xã hội hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật, bảo đảm phù hợp với mức độ ứng dụng công nghệ thông tin tại cấp xã, tại thôn, tổ dân phố; Các hình thức khác theo quy định của pháp luật và quy chế thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.
9. Thời điểm công khai thông tin
Luật Thực hiện dân chủ cơ sở 2022 đã kéo dài thời điểm công khai thông tin từ 02 ngày lên 05 ngày làm việc kể từ ngày có quyết định, văn bản của cơ quan có thẩm quyền về nội dung cần công khai. Luật còn quy định thời gian công khai trong một số trường hợp cụ thể.
10. Những nội dung Nhân dân bàn và quyết định
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở kế thừa 03 nội dung của Pháp lệnh 34/2007/PL-UBTVQH11 và bổ sung thêm 03 nội dung nhân dân bàn và quyết định liên quan đến các khoản đóng góp của nhân dân, các công việc nội bộ của cộng đồng dân cư.
11. Hình thức nhân dân bàn và quyết định
Theo Luật năm 2022, ngoài việc kế thừa 02 hình thức nhân dân bàn và quyết định còn bổ sung thêm hình thức: Biểu quyết trực tuyến phù hợp với mức độ ứng dụng công nghệ thông tin và được cộng đồng dân cư thống nhất lựa chọn.
12. Quyết định của cộng đồng dân cư
Luật năm 2022 đã quy định cụ thể nội dung, hình thức của quyết định cộng đồng dân cư.
Hình thức quyết định của cộng đồng dân cư được thể hiện bằng văn bản dưới hình thức nghị quyết, biên bản cuộc họp, bản ghi nhớ, bản thỏa thuận của cộng đồng dân cư. Trường hợp pháp luật không quy định cụ thể về hình thức văn bản thì Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố lựa chọn hình thức văn bản của cộng đồng dân cư phù hợp với nội dung quyết định và phong tục, tập quán, điều kiện thực tế của cộng đồng dân cư sau khi thống nhất với Trưởng ban công tác Mặt trận ở thôn, tổ dân phố.
13. Hiệu lực của quyết định cộng đồng dân cư
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở 2022 quy định có những nội dung cần trên 50% và có những nội dung được thông qua khi có từ hai phần ba tổng số đại diện hộ gia đình trở lên, cụ thể:
- Đối với nội dung: Chủ trương và mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình công cộng trong phạm vi địa bàn cấp xã, ở thôn, tổ dân phố do Nhân dân đóng góp toàn bộ hoặc một phần kinh phí, tài sản, công sức. Việc thu, chi, quản lý các khoản đóng góp của Nhân dân tại cộng đồng dân cư ngoài các khoản đã được pháp luật quy định; việc thu, chi, quản lý các khoản kinh phí, tài sản do cộng đồng dân cư được giao quản lý hoặc được tiếp nhận từ các nguồn thu, tài trợ, ủng hộ hợp pháp khác, thì được thông qua khi có từ hai phần ba tổng số đại diện hộ gia đình trở lên trong thôn, tổ dân phố tán thành.
- Đối với các nội dung còn lại được thông qua khi có trên 50% tổng số đại diện hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố tán thành.
14. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ quyết định của cộng đồng dân cư
Luật năm thực hiện dân chủ ở cơ sở 2022 quy định Quyết định của cộng đồng dân cư được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Có nội dung trái với quy định của pháp luật, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục, đạo đức xã hội;
- Không tuân thủ quy định về trình tự, thủ tục thông qua văn bản của cộng đồng dân cư theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;
- Cộng đồng dân cư thấy cần thiết phải sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ.
15. Những nội dung Nhân dân tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở 2022 ngoài kế thừa 5 nhóm vấn đề nhân dân tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết địnhb của Pháp lệnh 34/2007/PL-UBTVQH11 còn bổ sung thêm 04 nội dung mới như:
- Dự thảo quyết định hành chính của Ủy ban nhân dân cấp xã có liên quan đến lợi ích cộng đồng, bao gồm quyết định ban hành hoặc phê duyệt chương trình, kế hoạch, dự án, đề án có nội dung tác động đến môi trường, sức khỏe của cộng đồng, trật tự, an toàn xã hội và những vấn đề khác có ảnh hưởng đến cộng đồng.
- Dự thảo nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chung xây dựng, dự thảo nhiệm vụ và đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng và quy hoạch chung xây dựng xã, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn.
- Dự thảo quy chế về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; dự thảo quy chế thực hiện dân chủ trong từng lĩnh vực, nội dung hoạt động cụ thể ở xã, phường, thị trấn (nếu có).
- Dự thảo quyết định hành chính có nội dung xác lập nghĩa vụ hoặc làm chấm dứt, hạn chế quyền, lợi ích của đối tượng thi hành là công dân trên địa bàn cấp xã.
16. Hình thức để nhân dân tham gia ý kiến
Luật năm 2022 bổ sung thêm các hình thức để nhân dân tham gia ý kiến cho phù hợp với sự phát triển của công nghệ, đó là: Thông qua cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của chính quyền địa phương cấp xã; Thông qua mạng viễn thông, mạng xã hội hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật, bảo đảm phù hợp với mức độ ứng dụng công nghệ thông tin tại cấp xã, tại thôn, tổ dân phố.
17. Trách nhiệm trong việc tổ chức để Nhân dân tham gia ý kiến
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở 2022 quy định rõ thời gian lấy ý kiến Nhân dân ít nhất là 20 ngày kể từ ngày công khai nội dung lấy ý kiến. Trường hợp pháp luật có quy định cụ thể thời hạn lấy ý kiến Nhân dân thì thực hiện theo quy định đó.
18. Trách nhiệm của Nhân dân trong việc tham gia ý kiến về các nội dung ở xã, phường, thị trấn
Luật năm 2022 đã quy định cụ thể về trách nhiệm của Nhân dân trong việc tham gia ý kiến như sau:
- Đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và mọi công dân cư trú trên địa bàn có trách nhiệm tích cực tham gia ý kiến về những nội dung liên quan trực tiếp đến đời sống của cộng đồng dân cư để làm cơ sở cho các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương, của đất nước.
- Cá nhân, hộ gia đình có trách nhiệm tham gia hoặc cử đại diện hộ gia đình tham dự họp bàn, thảo luận, thể hiện ý kiến đối với các nội dung theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền.
- Công dân theo dõi, đánh giá, giám sát việc tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến của Nhân dân trên địa bàn đối với những nội dung đã được đưa ra lấy ý kiến và quá trình tổ chức thực hiện quyết định của cơ quan có thẩm quyền đối với các nội dung này.
19. Những nội dung nhân dân kiểm tra, giám sát
Luật năm 2022 đã bổ sung nội dung kiểm tra và quy định Công dân kiểm tra việc thực hiện các nội dung mà Nhân dân đã bàn và quyết định.
Còn Công dân giám sát việc tổ chức thực hiện dân chủ ở cơ sở và việc thực hiện chính sách, pháp luật của chính quyền địa phương cấp xã, cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố.
20. Hình thức kiểm tra, giám sát
Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 bổ sung Công dân trực tiếp thực hiện việc kiểm tra, giám sát thông qua: Hoạt động lao động, sản xuất, học tập, công tác, sinh hoạt của công dân ở cộng đồng dân cư; Quan sát, tìm hiểu, giao tiếp với cán bộ, công chức cấp xã, …
21. Hội nghị trao đổi, đối thoại giữa Ủy ban nhân dân cấp xã với Nhân dân
Đây là quy định mới của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở 2022. Quy định này phù hợp với Điều 125 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, sửa đổi bổ sung 2019, cụ thể: Hằng năm, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp tổ chức ít nhất một lần hội nghị trao đổi, đối thoại với Nhân dân trên địa bàn về tình hình hoạt động của Ủy ban nhân dân và những vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân ở địa phương.
Bên cạnh việc quy định trao đổi, đối thoại giữa UBND cấp xã với nhân dân, Luật năm 2022 còn bổ sung định kỳ mỗi năm một lần vào thời gian cuối năm, Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố có trách nhiệm triệu tập, chủ trì hội nghị của cộng đồng dân cư.
22. Những nội dung Nhân dân tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở 2022 bổ sung thêm một số nội dung Nhân dân tham gia ý kiến như:
- Dự thảo quyết định hành chính của Ủy ban nhân dân cấp xã có liên quan đến lợi ích cộng đồng, bao gồm quyết định ban hành hoặc phê duyệt chương trình, kế hoạch, dự án, đề án có nội dung tác động đến môi trường, sức khỏe của cộng đồng, trật tự, an toàn xã hội và những vấn đề khác có ảnh hưởng đến cộng đồng.
- Dự thảo nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chung xây dựng, dự thảo nhiệm vụ và đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng và quy hoạch chung xây dựng xã, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn.
- Dự thảo quy chế về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; dự thảo quy chế thực hiện dân chủ trong từng lĩnh vực, nội dung hoạt động cụ thể ở xã, phường, thị trấn (nếu có).
- Dự thảo quyết định hành chính có nội dung xác lập nghĩa vụ hoặc làm chấm dứt, hạn chế quyền, lợi ích của đối tượng thi hành là công dân trên địa bàn cấp xã.
23. Hình thức Nhân dân tham gia ý kiến
Luật thực hiện dân chủ năm 2022 quy định 08 hình thức Nhân dân tham gia ý kiến, trong đó một số hình thức mới so với Pháp lệnh 34/2007/PL-UBTVQH11 như:
- Thông qua cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của chính quyền địa phương cấp xã;
- Thông qua mạng viễn thông, mạng xã hội hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật, bảo đảm phù hợp với mức độ ứng dụng công nghệ thông tin tại cấp xã, tại thôn, tổ dân phố.
24. Trách nhiệm của Nhân dân trong việc tham gia ý kiến về các nội dung ở xã, phường, thị trấn
Luật Thực hiện dân chủ cơ sở quy định rõ trách nhiệm của từng đối tượng là cán bộ, công chức, đảng viên trong việc tham gia ý kiến như:
- Đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và mọi công dân cư trú trên địa bàn có trách nhiệm tích cực tham gia ý kiến về những nội dung liên quan trực tiếp đến đời sống của cộng đồng dân cư để làm cơ sở cho các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương, của đất nước.
- Cá nhân, hộ gia đình có trách nhiệm tham gia hoặc cử đại diện hộ gia đình tham dự họp bàn, thảo luận, thể hiện ý kiến đối với các nội dung theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền.
- Công dân theo dõi, đánh giá, giám sát việc tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến của Nhân dân trên địa bàn đối với những nội dung đã được đưa ra lấy ý kiến và quá trình tổ chức thực hiện quyết định của cơ quan có thẩm quyền đối với các nội dung này.
25. Ban Thanh tra nhân dân và Ban giám sát đầu tư cộng đồng
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đã bổ sung quy định về hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư cộng đồng, theo đó:
- Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã quyết định thành lập theo từng chương trình, dự án đầu tư công, dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) triển khai trên địa bàn cấp xã, chương trình, dự án đầu tư bằng vốn và công sức của cộng đồng dân cư hoặc bằng nguồn tài trợ trực tiếp của các tổ chức, cá nhân cho cấp xã.
- Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động.
II. MỘT SỐ ĐIỂM MỚI ĐÁNG CHÚ Ý CỦA LUẬT PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH 2022
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 gồm 6 chương, 56 điều, quy định về phòng ngừa, ngăn chặn, bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình; điều kiện bảo đảm phòng, chống bạo lực gia đình; quản lý Nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong phòng, chống bạo lực gia đình. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023.
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 có những điểm mới đáng chú ý như sau:
1. Luật phòng chống bạo lực gia đình năm 2022 đã bổ sung cụm từ "tình dục" vào khái niệm bạo lực gia đình. Theo đó: Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, tình dục, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình.
2. Luật Phòng, chống bạo lực ra đình năm 2022 đã đưa ra những giải thích từ ngữ tại Điều 2: Cụ thể gồm định nghĩa của cấm tiếp xúc; nơi tạm lánh; giáo dục hỗ trợ chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình.
3. Quy định thêm nhiều hành vi là bạo lực gia đình: So với quy định hiện hành chỉ có 09 hành vi bạo lực gia đình, Luật mới đã tăng lên 16 hành vi trong đó có nhiều hành vi mà trước nay nhiều người chưa nghĩ tới đó là bạo lực gia đình và không lường trước được hậu quả có thể xảy ra.
4. Mở rộng đối tượng bạo lực gia đình ngoài hôn nhân: Khoản 2 Điều 3 Luật Phòng chống bạo lực gia đình đã bổ sung thêm một số đối tượng cũng áp dụng các hành vi bị coi là bạo lực gia đình gồm: người đã ly hôn; người chung sống như vợ chồng; người là cha, mẹ, con riêng, anh, chị, em của người đã ly hôn, của người chung sống như vợ chồng; người đã từng có quan hệ cha mẹ nuôi và con nuôi với nhau cũng được xác định là hành vi bạo lực gia đình theo quy định của Chính phủ.
5. Lấy người bị bạo lực là trung tâm phòng, chống bạo lực gia đình: hiện nay, cả trẻ em, phụ nữ, người khuyết tật, người cao tuổi đều là đối tượng được ưu tiên bảo vệ quyền lợi khi gặp phải hành vi bạo lực gia đình. Luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 nhấn mạnh “bảo đảm lợi ích tốt nhất của trẻ em” và bổ sung, quy định rõ thêm các đối tượng ưu tiên bảo vệ quyền, lợi ích gồm “phụ nữ mang thai, đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi (không chỉ là phụ nữ chung chung như hiện nay), người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc…
6. Luật phòng chống bạo lực gia đình 2022 Bổ sung nhiều quyền của người bị bạo lực gia đình như: Bổ sung quyền được cung cấp các kỹ năng để ứng phó với bạo lực gia đình và quyền được trợ giúp xã hội.; Được yêu cầu người bạo lực gia đình bồi thường thiệt hại về sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản và khắc phục hậu quả; Được thông tin về quyền, nghĩa vụ về quá trình giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình cũng như việc xử lý hành vi bạo lực gia đình; Khiếu nại, khởi kiện, tố cáo hành vi vi phạm phòng, chống bạo lực gia đình.
7. Luật phòng chống bạo lực gia đình 2022 quy định về việc thực hiện công việc phục vụ cộng đồng là một trong những biện pháp để ngăn chặn bạo lực gia đình, bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực: Người có hành vi bạo lực gia đình có thể phải tham gia phục vụ công ích theo danh mục công việc do Chủ tịch UBND cấp xã công nhận và quyết định, tổ chức, đây là việc có quy mô nhỏ, trực tiếp phục vụ lợi ích của cộng đồng gồm: Trồng, chăm sóc cây xanh ở nơi công cộng; Sửa chữa, làm sạch đường làng, ngõ xóm, nhà văn hoá…Thực hiện các công việc cải thiện môi trường sống, cảnh quan của cộng đồng.
III. NHỮNG NỘI DUNG NỔI BẬT CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 24/2023/NĐ-CP NGÀY 14/5/2023.
Ngày 14/5/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 24/2023/NĐ-CP quy định về mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (thay thế Nghị định số 38/2019/NĐ-CP ngày 09/5/2019 kể từ ngày 01/7/2023).
Theo đó, 09 nhóm đối tượng được áp dụng tăng lương cơ sở từ ngày 01/7/2023 bao gồm:
“1. Cán bộ, công chức từ trung ương đến cấp huyện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (sửa đổi, bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019).
2. Cán bộ, công chức cấp xã quy định tại khoản 3 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (sửa đổi, bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019).
3. Viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Luật Viên chức năm 2010 (sửa đổi, bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019).
4. Người làm các công việc theo chế độ hợp đồng lao động quy định tại Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc trường hợp được áp dụng hoặc có thỏa thuận trong hợp đồng lao động áp dụng xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
5. Người làm việc trong chỉ tiêu biên chế tại các hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động theo quy định tại Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 33/2012/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ).
6. Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân, viên chức quốc phòng và lao động hợp đồng thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam.
7. Sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ, công nhân công an và lao động hợp đồng thuộc Công an nhân dân.
8. Người làm việc trong tổ chức cơ yếu.
9. Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn và tổ dân phố”
Nghị định nêu rõ mức lương cơ sở dùng làm căn cứ tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với 09 nhóm đối tượng được áp dụng tăng lương cơ sở nói trên; tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật; tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.