BẢN TIN TUYỀN TRUYỀN PHÁP LUẬT TUẦN 1 - THÁNG 1 NĂM 2024
CÁC ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC TRỢ GIÚP PHÁP LÝ THEO QUY ĐỊNH CỦA LUẬT TRỢ GIÚP PHÁP LÝ NĂM 2017
Trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý trong vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật này, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật (Điều 2 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017).
Theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý các đối tượng sau đây được trợ giúp pháp lý:
1. Người có công với cách mạng.
2. Người thuộc hộ nghèo.
3. Trẻ em.
4. Người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
5. Người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.
6. Người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo.
7. Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ có khó khăn về tài chính;
8. Người nhiễm chất độc da cam có khó khăn về tài chính;
9. Người cao tuổi có khó khăn về tài chính;
10. Người khuyết tật có khó khăn về tài chính;
11. Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự có khó khăn về tài chính;
12. Nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình có khó khăn về tài chính;
13. Nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người có khó khăn về tài chính;
14. Người nhiễm HIV có khó khăn về tài chính;
Điều kiện khó khăn về tài chính của người được trợ giúp pháp lý quy định tại Luật Trợ giúp pháp lý là người thuộc hộ cận nghèo hoặc là người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định của pháp luật.
Phương Anh - Phòng Tư pháp huyện Hạ Hòa