Gương thanh niên làm giàu từ trồng cây ăn quả
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sau khi tìm hiểu về mô hình trồng cây ăn quả tại các tỉnh Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Giang, Hưng Yên. Trần Anh Tuấn một đảng viên, hội viên Hội Nông dân xã Y Sơn, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ đã dừng chân tại Nông trường Cao Phong - Hòa Bình để học hỏi kinh nghiệm và mua cây giống, vì ở đây cây ăn quả rất tốt, cho năng xuất và chất lượng cao. Anh sinh năm 1976, ở cái tuổi trung niên với một xã thuần nông 2/3 là vùng đồi núi, kinh tế gặp không ít khó khăn. Qua nghiên cứu điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thực tế tại địa phương cho thấy rất phù hợp với cây ăn quả, đặc biệt là cây có múi, anh đã mạnh dạn đầu tư trồng cây ăn quả trên diện tích tự nhiên là 1,5 km2. Từ năm 2009 anh đã trồng thí điểm tại một số khu vườn của gia đình, bước đầu đã thành công và rất khả quan cho phép nhân rộng trên diện tích lớn hơn.
Theo đó, anh quyết định lập dự án trình UBND xã và UBND huyện phê duyệt để thực hiện dự án. Năm 2013, được sự quan tâm tạo điều kiện của UBND xã Y sơn, UBND huyện Hạ Hòa và trược tiếp là Phòng Nông nghiệp & phát triển Nông thôn huyện, anh được giao diện tích 4ha vườn đồi để thực hiện dự án. Lúc đầu thuê 10 lao động cùng gia đình làm cải tạo đất, sau đó tiến hành trồng cây cam canh, cam V2, cam lòng vàng, cây tranh đào, cây nhãn miền Nam và một số loại cây khác. Đến nay, tổng số cây được trồng là 4.000 cây, trong đó: cam canh là 1.500 cây; cam V2 là 1.000 cây; cam lòng vàng là 500 cây; chanh đào là 1000 cây; ngoài ra còn trồng cây nhãn miền Nam 300cây và ổi các loại trên 300 cây, dứa 10.000 gốc, bưởi trên 100 cây. Đây là mô hình mới, do vây được lãnh đạo Tỉnh ủy quan tâm, giao cho Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tư vẫn kỹ thuật và hỗ trợ phân bón, thuốc trừ sâu trị giá gần 3 triệu đồng cho gia đình. Đồng thời, gia đình anh cũng được lãnh đạo Huyện ủy, UBND và các phòng chức năng huyện động viên, giúp đỡ về khoa học kỹ thuật trong thực hiện dự án thí điểm. Để có nguồn dinh dưỡng cho cây trồng, anh còn đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm, với trên một nghìn con gà, 10 đầu lợn nái và hàng trăm con lợn thịt.
Trong những năm qua, tổng thu nhập bình quân đạt trên 1 tỷ đồng/năm, trừ chi phí, còn thu lãi gần 600 triệu đồng/năm. Với số vốn đầu tư trên 3 tỷ đồng để phát triển kinh tế vườn, đồi trồng cây ăn quả không chỉ tạo công ăn việc làm cho các thành viên trong gia đình mà còn tạo việc làm thường xuyên cho 10 đến 15 lao động nông thôn trong xã. Năm 2016 đến nay mức thu nhập đạt từ 4,5 triệu đến 6 triệu đồng/người/tháng. Như vậy, từ một vùng đồi đất bạc màu đến nay anh Tuấn đã nghiên cứu và đầu tư để phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đinh, mà còn là một mô hình, một tấm gương sáng trong phát triển kinh tế ở địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo cho nhiều hộ nông dân trong xã. Đồng thời mô hình đó sẽ được nhân rộng trên địa bàn xã Y Sơn nói riêng và huyên Hạ Hòa nói chung trong thời gian tới.
Tại hội nghị thi đua, khen thưởng năm 2016 huyện Hạ Hòa, anh Trần Anh Tuấn là một trong những “Cá nhân tiêu biểu sản xuất giỏi, trong mô hình phát triển kinh tế ở địa phương” đã vinh dự được nhận Giấy khen của UBND huyện.
Tiến Tu