Hạ Hòa phát triển nông nghiệp bền vững
Kế hoạch phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp được xây dựng phù hợp theo từng giai đoạn cụ thể, phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Trước hết, tập trung vào việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo mùa vụ, đưa vụ đông trở thành vụ sản xuất chính trong năm, trong đó, tập trung phát triển cây ngô đông, tăng diện tích gieo trồng theo hướng thâm canh, luân canh, phá thế độc canh. Đồng thời huyện đặc biệt quan tâm đến việc đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi, kiên cố hóa kênh mương. Các công trình xây dựng như: nâng cấp đập Ao Châu, xây dựng hệ thống thủy lợi cho 12 xã phía bắc của huyện, bê tông hoá 78 km kênh mương cấp I, cấp II; kè kiên cố 1,5km bờ hữu ngạn sông Thao..., từ đó đã chủ động nước tưới cho trên 80% diện tích gieo trồng.
Không chỉ quan tâm đến công tác thủy lợi, huyện còn chủ trương đưa giống lúa lai vào gieo cấy để nâng cao năng xuất; đồng thời tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hàng năm tiếp tục mở rộng tối đa diện tích trồng lúa, tăng diện tích lúa lai, lúa chất lượng cao để tăng năng suất, sản lượng lương thực. Từ chỗ sản xuất lấy sản lượng là chính nhằm giải quyết nhu cầu lương thực cho nhân dân, huyện Hạ Hòa phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tăng giá trị hiệu quả trên một đơn vị diện tích, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, vùng sản xuất chuyên canh… Bốn chương trình kinh tế nông nghiệp được đề ra dựa trên tiềm năng, thế mạnh chung của huyện và của từng địa phương. Ngoài chính sách hỗ trợ của tỉnh, hàng năm huyện đều dành một khoản ngân sách để hỗ trợ nông dân thực hiện các chương trình sản xuất.
Để phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, huyện đã tập trung củng cố hệ thống khuyến nông từ huyện đến cơ sở giúp nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, đầu tư thâm canh để tăng năng suất cây trồng. Đồng thời, chú trọng đầu tư củng cố hệ thống thủy lợi, thực hiện dồn điền đổi thửa, từng bước chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp. Những năm gần đây, chương trình sản xuất cận đô thị được triển khai có hiệu quả ở một số xã trên địa bàn huyện. Từ đó, những cánh đồng trồng bí đao xanh, cà chua, dưa chuột,… cho năng suất, chất lượng cao được hình thành và nhân rộng, góp phần đưa giá trị sản phẩm bình quân trên 1 ha đất sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản đạt 80 triệu đồng (năm 2015). Sản lượng lúa cho năng suất cao, chất lượng tốt, đến nay đạt bình quân 52,3 tạ/ha. Sản lượng lương thực có hạt năm 2015 đạt 45.743 tấn.
Cùng với phát triển cây lương thực, huyện còn đưa vào trồng nhiều loại cây thực phẩm, cây công nghiệp như: đậu tương, lạc, đỗ; các loại cây thực phẩm, ăn quả như măng Mạnh Tông, Bát Độ, nhãn, vải, táo,…; cây nguyên liệu giấy. Đặc biệt, tập trung thế mạnh phát triển cây chè, đây được coi là cây mũi nhọn “cây xóa đói giảm nghèo”. Năm 2000 toàn huyện mới có 627 ha chè, cho sản phẩm 2.045,5 tấn. Có 8 cơ sở chế biến chè, trong đó có 7 cơ sở tư nhân, mỗi năm chế biến, tiêu thụ được hàng ngàn tấn sản phẩm, không chỉ tạo ra việc làm cho người lao động mà còn góp phần đem lại thu nhập cho nhiều hộ nông dân trong huyện. Các xã có diện tích chè lớn: Yên Kỳ, Hương Xạ, Gia Điền, Hà Lương, Ấm Hạ, Cáo Điền, Phương Viên…Trong những năm gần đây, huyện tiến hành cải tạo, phục tráng diện tích chè cằn xấu, đưa một số giống chè có năng suất cao như PH1, PH2, LDP1, LDP2 vào trồng thay thế giống chè trung du trồng bằng hạt năng suất thấp. Cùng với chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện đã ban hành chính sách hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng và công cải tạo vườn chè, tập huấn cho các hộ trồng chè về kỹ thuật thâm canh, phòng trừ sâu bệnh. Năm 2015 huyện Hạ Hòa đã trồng mời và cải tạo được 50 ha chè cằn xấu bằng giống chè mới LDP2 nâng diện tích chè hiện có của toàn huyện lên 2.456 ha, năng suất 83 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi thu hoạch 19.000 tấn.
Bên cạnh trồng trọt thì chăn nuôi, thủy sản có bước phát triển đa dạng về quy mô, hình thức. Năm 2015 đàn trâu toàn huyện có 6.700 con, đàn bò 4.600 con, đàn lợn 120.000 con được khuyến khích phát triển theo hướng nạc hóa, chăn nuôi gia cầm cac sloaij 1.115.000 con; nuôi thả cá, nuôi ong lấy mật phát triển mạnh trong các hộ gia đình. Đặc biệt, những năm gần đây mô hình chăn nuôi công nghiệp, bán công nghiệp, trang trại, gia trại phát triển mạnh. Nhiều mô hình nuôi con đặc sản mới xuất hiện như: lợn rừng, rắn, hươu sao,… bước đầu cho thu nhập khá, mở ra một hướng đi mới trong chăn nuôi ở Hạ Hòa. Diện tích nuôi trồng thủy sản được mở rộng, tăng từ 610 ha năm 2000 lên trên 1.922 ha (năm 2015). Sản lượng thủy sản đánh bắt, khai thác đạt 7.012 tấn. Nhiều mô hình nuôi cá trắm đen, cá diêu hồng, cá chép lai, nheo lai… đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Phát triển sản xuất nông nghiệp ở Hạ Hòa trong nhiều năm qua đã khẳng định được hướng đi đúng đắn trong phát triển kinh tế, góp phần đưa giá trị tăng thêm bình quân đầu người ở Hạ Hòa đạt 18,8 triệu đồng/người/năm 2015. Huyện phấn đấu xây dựng nông thôn mới theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.
Minh Hòa