Khác với những thanh niên trạc tuổi nơi vùng đất khó Yên Kỳ lựa chọn ly hương để phát triển kinh tế, ĐVTN Thái Duy Phương (sinh năm 1991) ở khu 4 đã mạnh dạn tiên phong khai phá đồi hoang, phát triển mô hình kinh tế vườn đồi, quyết tâm biến vùng đất hoang hoá thành vườn cây ăn quả mang giá trị cao.
Theo chân ĐVTN Thái Duy Phương đến tham quan đồi cam sai trĩu quả, anh chia sẻ: “Trước đây, khu vực đất đồi này gia đình tôi bỏ hoang do trồng hoa màu kém hiệu quả. Được các anh chị của Huyện đoàn và Đoàn thanh niên xã tư vấn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tham gia các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng cây ăn quả và tham quan thực địa các mô hình kinh tế hiệu quả cao trong vào ngoài tỉnh, năm 2017, tôi quyết tâm bắt tay phát triển làm kinh tế vườn đồi”.

Mô hình trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP của ĐVTN Thái Duy Phương, xã Yên Kỳ
Với vốn vay ban đầu được hỗ trợ từ Ngân hàng Chính sách xã hội, anh Phương đã cải tạo 4ha đất đồi bỏ hoang để trồng 1.500 gốc cam, 300 gốc mít các loại. Vừa làm, vừa học hỏi, đúc rút kinh nghiệm về kỹ thuật chăm sóc cây trồng qua sách báo, internet, chọn các loại giống tốt để nhân rộng. Sau bốn năm chăm sóc, vườn cây bắt đầu cho thu hoạch.
Hiện nay, tổng sản lượng cam, mít của gia đình anh Phương xuất bán ra thị trường đạt hơn 90 tấn/năm; sau khi trừ chi phí cho thu lợi nhuận trên 400 triệu đồng/năm; tạo việc làm cho ba lao động thường xuyên và 15 lao động thời vụ với mức lương 9 triệu đồng/người/tháng. Hiện vườn cam 1.500 gốc của anh Phương đang được sản xuất đồng bộ theo tiêu chuẩn VietGAP, đạt chứng nhận OCOP 3 sao năm 2023 với nhãn hiệu riêng mang tên “Cam Yên Kỳ”.
Cùng với mô hình trồng cây ăn quả của ĐVTN xã Yên Kỳ, những năm gần đây, phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp của thanh niên huyện Hạ Hòa đã và đang lan tỏa rộng khắp, nổi bật như mô hình nuôi giun trùn quế (nguyên liệu sản xuất phân bón cho các loại cây trồng và làm thức ăn cho vật nuôi) của ĐVTN Nguyễn Thị Bích Ngọc, xã Bằng Giã; mô hình nuôi chim bồ câu Pháp của ĐVTN Vũ Văn Truyền, xã Đan Thượng...

Tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng và chăm sóc dưa leo cho ĐVTN tại xã Vĩnh Chân
Đồng chí Trương Nguyễn Quân - Bí thư Huyện đoàn Hạ Hòa cho biết: “Hạ Hòa hiện có 11.173 ĐVTN, trong đó có trên 500 ĐVTN là người DTTS, công giáo; trên 8.100 thanh niên nằm trong độ tuổi lao động. Với sức trẻ, trí tuệ và tinh thần xung kích, đây là lực lượng lao động chính của xã hội. Từ nhận thức đó, những năm qua, Huyện đoàn luôn chú trọng quan tâm, tạo điều kiện cho ĐVTN phát huy sức sáng tạo, làm giàu chính đáng trên quê hương bằng nhiều hình thức, hoạt động cụ thể như: Tích cực tuyên truyền, phổ biến kiến thức về khởi nghiệp, lập nghiệp cho ĐVTN; tổ chức các hội nghị, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ ĐVTN tiếp cận vốn vay ưu đãi; tìm kiếm, kết nối các doanh nghiệp, nhà tài trợ hỗ trợ các mô hình khởi nghiệp của thanh niên...”.
Trong năm vừa qua, Huyện đoàn đã tổ chức hai hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trồng và chăm sóc các loại cây ăn quả mang hiệu quả kinh tế cao cho gần 80 lượt ĐVTN; phối hợp với các đơn vị tổ chức tư vấn hướng nghiệp cho trên 4.312 lượt ĐVTN; giới thiệu việc làm cho gần 400 ĐVTN. Bên cạnh đó, nhằm tạo điều kiện cho ĐVTN tiếp cận vốn vay chính sách, Huyện đoàn nhận ủy thác từ vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện thông qua 89 tổ tiết kiệm với số dư nợ trên 105 tỷ đồng...
Bằng sức trẻ, sự năng động cùng tinh thần xung kích, sáng tạo, nhiều ĐVTN trên địa bàn huyện đã vượt khó làm giàu chính đáng, khẳng định vai trò, vị thế của tuổi trẻ, từng bước hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng quê hương ngày càng đổi mới, phát triển. Vững tin vào những kết quả đã đạt được, thời gian tới Huyện đoàn Hạ Hoà sẽ tiếp tục thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích thanh niên phát triển kinh tế, tổ chức các lớp tập huấn về khoa học, kỹ thuật, nhân rộng các mô hình hiệu quả cao... tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thanh niên được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm và phát huy tinh thần tuổi trẻ trong xây dựng quê hương.
Nguồn Báo Phú Thọ