Định hướng nội dung truyên truyền, phổ biến pháp luật tháng 11/2024; hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11)
I. Tích cực hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (9/11), góp phần nâng cao hiệu quả xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật.
Điều 8 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật quy định: “Ngày 09/11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội”.
Trong đời sống xã hội, pháp luật có vai trò đặc biệt quan trọng, vừa là công cụ quản lý nhà nước hữu hiệu, vừa tạo hành lang pháp lý an toàn, tin cậy, thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với việc không ngừng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống trở thành yêu cầu cấp thiết, cần được thực hiện thường xuyên, liên tục và hiệu quả với nhiều hình thức, biện pháp phù hợp.
Ngày 9/11 hàng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội. Đồng thời, tăng cường nhận thức của mọi người về vai trò của luật pháp trong đời sống, tăng cường sự hiểu biết pháp luật và khả năng thực thi pháp luật trong hoạt động quản lý nhà nước, hoạt động kinh tế - xã hội và sinh hoạt hằng ngày của người dân.
Thông qua Ngày Pháp luật giúp cho mọi tổ chức, cá nhân, công dân có ý thức tuân thủ pháp luật tốt hơn, là dịp để đánh giá lại những kết quả đã đạt được và những hạn chế trong hoạt động xây dựng, thực thi pháp luật. Qua đó, những người thi hành pháp luật cũng sẽ nhận được những thông tin phản hồi, những quan điểm đánh giá về tất cả các quy định pháp luật cũng như cách thức thực hiện, hiệu quả của hệ thống pháp luật đối với đời sống xã hội. Từ đó hoàn thiện hơn hệ thống pháp luật, cũng như cải thiện, nâng cao hoạt động của hệ thống tư pháp.
Ở nước ta, ngày 9-11 hàng năm là Ngày Pháp luật với dấu mốc đây là ngày ban hành bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946, là bản Hiến pháp của nền dân chủ đầu tiên của Nhà nước ta. Hiến pháp 1946 đã thấm nhuần, thể hiện triệt để tinh thần, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân. Ngày Pháp luật có ý nghĩa giáo dục sâu sắc trong việc đề cao giá trị của pháp luật trong nhà nước pháp quyền, hướng mọi tổ chức, cá nhân tính tích cực tham gia với hành vi, thái độ xử sự pháp luật đúng đắn. Đề cao quyền cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ của cá nhân, công dân trong học tập, tìm hiểu pháp luật và tự giác chấp hành pháp luật. Qua đó góp phần nâng cao ý thức và niềm tin pháp luật, từng bước xây dựng và củng cố các giá trị văn hóa pháp lý trong cuộc sống xã hội. Đồng thời, đây còn là mô hình để vận động, khuyến khích, kêu gọi toàn thể nhân dân chung sức, đồng lòng vì sự nghiệp xây dựng và hoàn thiện nhà nước, phát huy triệt để tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng tích cực hành động vì một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Do vậy, đây còn là sự kiện chính trị, pháp lý có ý nghĩa nhân văn, ý nghĩa xã hội sâu sắc.
Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tạo bước phát triển mới trong việc nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật - một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và là nhiệm vụ thường xuyên của toàn bộ hệ thống chính trị các cấp, các ngành với mục tiêu cuối cùng là hỗ trợ và tạo điều kiện để mọi cá nhân, tổ chức biết sử dụng pháp luật làm phương tiện, công cụ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của Nhà nước và của xã hội.
Ngày Pháp luật với nội hàm ghi nhận ngày ban hành bản Hiến pháp dân chủ đầu tiên của nhà nước Việt Nam thì không chỉ giới hạn chỉ là ngày 09/11, mà được coi là điểm mốc, là sợi chỉ đỏ kết nối, xuyên suốt, có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư, nhắc nhở, giáo dục họ ý thức tôn trọng pháp luật, để không chỉ là một ngày, mà phấn đấu sẽ là 365 ngày trong một năm mọi tổ chức, cá nhân tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật theo khẩu hiệu “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”.
I. VĂN BẢN CỦA TRUNG ƯƠNG
1. Nghị định số 113/2024/NĐ-CP Ngày 12/9/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã (có hiệu lực kể từ ngày 01/11/2024).
2. Nghị định số 117/2024/NĐ-CP ngày 18/9/2024 của Chính phủ Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã (có hiệu lực kể từ ngày 15/11/2024).
Quy định: Hành vi “Không chứng thực đầy đủ chữ ký của tất cả những người đã ký trong văn bản yêu cầu chứng thực chữ ký” sẽ bị phạt tiền 03 - 05 triệu đồng. Đồng thời, đây cũng là mức phạt cộng tác viên dịch thuật không đăng ký lại chữ ký mẫu khi có thay đổi.
Với hành vi vi phạm về chứng thực hợp đồng, giao dịch, khoản 32 Điều 1 Nghị định số 117/2024/NĐ-CP sửa đổi biện pháp khắc phục hậu quả là phải nộp lại bản chính giấy tờ, văn bản bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung trừ trường hợp bản chính đã bị tịch thu tang vật.
Trong khi đó, quy định cũ tại điểm b khoản 5 Điều 35 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP chỉ quy định kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, xử lý giấy tờ, văn bản bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung.
3. Nghị định số 118/2024/NĐ-CP ngày 30/9/2024 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi hành án hình sự (có hiệu lực kể từ ngày 15/11/2024).
4. Nghị định số 125/2024/NĐ-CP ngày 05/10/2024 của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục (có hiệu lực kể từ ngày 20/11/2024).
5. Nghị định số 126/2024/NĐ-CP ngày 08/10/2024 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội (có hiệu lực kể từ ngày 26/11/2024).
6. Thông tư số 09/2024/TT-BTP ngày 06/9/2024 của Bộ Tư pháp quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức trợ giúp viên pháp lý (có hiệu lực kể từ ngày 01/11/2024).
7. Thông tư số 53/2024/TT-BQP ngày 17/9/2024 của Bộ Quốc phòng quy định điều chỉnh trợ cấp hàng tháng đối với quân nhân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc (có hiệu lực kể từ ngày 01/11/2024).
8. Thông tư số 46/2024/TT-BCA ngày 30/9/2024 của Bộ Công an sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 67/2019/TT-BCA ngày 28/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (có hiệu lực kể từ ngày 15/11/2024).
Quy định: Từ ngày 15/11/2024, nhân dân sẽ chỉ còn 05 hình thức giám sát Cảnh sát giao thông (CSGT) dưới đây:
- Từ thông tin lực lượng công an công khai và trên phương tiện thông tin đại chúng.
- Qua chủ thể giám sát.
- Tiếp xúc, giải quyết trực tiếp với cán bộ, chiến sĩ công an.
- Từ kết quả giải quyết vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.
- Từ việc quan sát trực tiếp công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông của CSGT.
Nội dung về hình thức giám sát CSGT của nhân dân bằng thiết bị ghi âm, ghi hình tại Điều 11 Thông tư số 67/2019/TT-BCA không còn được quy định tại Thông tư số 46/2024/TT-BCA.
9. Thông tư số 06/2024/TT-BKHCN ngày 30/9/2024 của Bộ Khoa học và Công nghệ sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 11/2015/TT-BKHCN ngày 26/6/2015 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp (có hiệu lực kể từ ngày 15/11/2024).