Lễ hội Đền Chu Hưng xã Ấm Hạ năm 2025: Lễ tế côn nhạc đại vương
Di tích lịch sử Quốc gia Đền Chu Hưng xã Ấm Hạ là nơi thờ tự Côn Nhạc Đại Vương - người có công đánh giặc bảo vệ giang sơn bờ cõi Chu Hưng vào thời kỳ Vua Hùng thứ 18 - Hùng Duệ Vương. Nhân dân Chu Hưng tỏ lòng thương kính Côn Nhạc Đại Vương nên đã tấu trình lên vua Gia Long xin xây ngôi đền để đời đời khói hương phụng thờ Ngài. Vào tháng 7 - 1806 vua Gia Long đã chính thức chuẩn tấu cho nhân dân Chu Hưng khởi công xây dựng ngôi đền, tọa lạc ở địa thế của một vùng đất linh thiêng, trên đỉnh quy sơn xa xa nơi cửa đền là đỉnh núi Kim Quy - Rùa Vàng. Từ đó đến nay, cứ vào ngày lễ Tết, nhân dân Ấm Hạ lại tổ chức thắp hương tế lễ để tỏ lòng tôn kính vị thần và mở hội làng vào ngày mùng 7 tháng Giêng hàng năm.
![](/Portals/0/7_1.jpg)
Lễ hội năm nay được tổ chức với phần lễ và phần hội. Đúng 8 giờ sáng, trong tiếng nhạc, tiếng chiêng trống rộn ràng, đội rước lễ đưa các lễ của Đảng ủy, UBND xã Ấm Hạ, xã Phương Viên và xã Gia Điền; lễ vật của 7 khu dân cư xã Ấm Hạ; lễ vật của Hội đồng hương Nam Hà và Thái Bình trên những chiếc kiệu sơn son thếp vàng uy nghiêm, rực rỡ vào đền dâng lên Côn Nhạc Đại Vương. Sau khi tiếng chiêng, tiếng trống khai lễ vang lên, đội tế lễ bao gồm bảy người là các cụ cao niên trong làng, lần lượt thực hiện các nghi thức tế lễ bao gồm: Dâng lễ, dâng hương, tế thần, lễ tạ đầu năm và phát lộc đầu xuân. Phần hội được tổ chức từ ngày mùng Ba đến mùng Sáu Tết với các hoạt động tổ chức thi đấu thể thao với các môn kéo co, bóng chuyền da, bóng chuyền hơi nam, bóng chuyền hơi nữ, giao lưu văn nghệ giữa các khu dân cư trong xã.
![](/Portals/0/hung7d.jpg)
![](/Portals/0/hung7e.jpg)
Việc tổ chức Lễ hội Đền Chu Hưng hằng năm nhằm tri ân công đức các bậc tiền nhân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, khơi dậy truyền thống yêu nước và tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Tự hào với truyền thống hào hùng ấy, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Ấm Hạ nói riêng và huyện Hạ Hòa nguyện phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, năng động sáng tạo, tiếp tục có nhiều chủ trương chính sách đưa quê hương ngày càng phát triển. Tích cực thực hiện tốt công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích để giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau, nhất là cho thế hệ trẻ, phát huy truyền thống cha ông, tích cực lao động, học tập, đóng góp xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp./.
Anh Dũng