Kề cận với Đền Mẫu Âu Cơ, đất Động Lâm xưa (nay là xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa) vẫn còn lưu giữ được mái trường cổ kính đã tròn một trăm tuổi. Trải qua bao thăng trầm dâu bể, dẫu không còn tiếng giảng bài của giáo viên, tiếng nô đùa của trẻ nhỏ, ngôi trường cổ kính rêu phong vẫn vững chãi với những nét kiến trúc đặc trưng như một chứng nhân của lịch sử, niềm tự hào về truyền thống hiếu học, bất khuất của người dân nơi đây...
“Trường ngói Động Lâm” giờ là Nhà văn hóa khu 3, xã Hiền Lương.
Chứng nhân lịch sử
Nằm trên cánh đồng chiêm trũng, thấp hơn Quốc lộ 32 cả mét, vừa qua, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, nhà văn hóa khu 3 xã Hiền Lương bị ngập trong bùn nước suốt cả chục ngày. Nhìn vết bong tróc trên tường xây có dấu hiệu vôi vữa bở bục do ngâm nước lâu ngày, ông Nguyễn Văn Trương - người được giao nhiệm vụ trông nom khu nhà văn hóa trăn trở: “Đây nguyên là một trong những ngôi trường tiểu học đầu tiên của tỉnh, đã có cả trăm năm tuổi. Bao năm chiến tranh, mưa bão cùng lắm cũng chỉ làm mái ngói xô lệch chứ chưa lần nào tổn thất, hư hại như thế này. Cũng như con người, tuổi càng cao, sức khỏe càng yếu, “cụ” cũng cần được chăm sóc, nghỉ ngơi dưỡng sức...”. Sinh năm 1954, từng được học tại ngôi trường này, ông Trương cũng như bao người dân trong xã luôn gắn bó, tự hào khi nhắc đến công trình cổ kính, độc đáo này của quê hương.
Dẫu nhiều lần thay đổi công năng, lúc làm nhà kho, lúc làm nhà văn hóa khu nhưng tên gọi “Trường ngói Động Lâm” vẫn được người dân quanh vùng sử dụng cả trăm năm nay với niềm hãnh diện về công trình trường học lợp ngói khang trang đầu tiên của đất Mẫu Hạ Hòa.
Lịch sử Đảng bộ xã Động Lâm (1930-2000) viết rõ: “Từ cuối thế kỷ XIX mãi đến năm 1924 thực dân Pháp mới cho xây dựng Trường Tiểu học Động Lâm. Cả tổng Động Lâm mới có 1 trường học và là 1 trong 6 trường của tỉnh Phú Thọ lúc đó”.
Tên Thông sứ người Pháp xây trường và năm xây dựng được đắp nổi chính giữa.
Theo lời kể của các cụ cao niên trong làng, năm 1923, người Pháp cho mở 1 lớp học đầu tiên tại xóm Minh Khai, tổng Động Lâm trước kia (nay thuộc khu 3, xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa) với 12 học sinh. Năm 1924, số học sinh bắt đầu tăng lên, người Pháp đã cho xây dựng một ngôi nhà ngói 3 gian để làm lớp học. Năm học 1924 -1925, Trường chính thức được thành lập với hệ thống lớp học từ lớp 1 đến lớp 3 với tên gọi là Trường Kiêm bị Động Lâm (tức là trường tiểu học có đủ các lớp) do thầy giáo Nguyễn Quy Hán làm Hiệu trưởng. Tại thời điểm đó, nhà trường là nơi tiếp nhận học sinh của cả vùng: Các xã phía Bắc của huyện Hạ Hòa, các xã phía Nam của tỉnh Yên Bái và một số xã thuộc phía Đông của tỉnh Nghĩa Lộ.
Trường Động Lâm nằm ngay bên đường lớn, phía Hữu ngạn sông Hồng được xây bằng gạch, xi măng, lợp ngói. Toàn ngôi trường là ba phòng cao, rộng, có cửa kính, cửa chớp. Bàn học sinh toàn bằng gỗ lim, chắc chắn. Đầu phía trên trường xây còn có một phòng bằng tre, nứa. Khuôn viên nhà trường rộng vừa phải, đủ sân chơi cho khoảng 120 -150 học sinh. Mặt trước trường có bờ rào dâm bụt cắt tỉa gọn gàng, có một ao trường ở đầu trên khuôn viên. Cổng trường được xây trụ vững chãi trên gắn biển đề: ÉCOLE DE ĐỘNG LÂM (Trường Động Lâm).
Trải qua một thế kỷ với bao biến động thăng trầm, ngôi trường ngói từng một thời khang trang, bề thế nhất vùng giờ đã phần nào xuống cấp với những mảng tường bong tróc, vài cánh cửa gỗ hư hỏng, toàn bộ hệ thống cửa chính trước đây nhìn ra phía cánh đồng giờ được chuyển sang phía đối diện, nhìn ra Quốc lộ 32. Nhưng về tổng thể, công trình có kiến trúc phương Tây vẫn giữ nguyên dáng vẻ, kết cấu chắc chắn từ mái ngói đến thay ray, xà gồ, xà ngang. Trên tường, dòng chữ A.E. HUC KEL 1924 (tên Thông sứ người Pháp xây trường) màu đỏ vẫn nổi bật trên nền ve vàng; hai bên cửa chính là đôi câu đối Hán tự. Trong dòng chảy sôi động của cuộc sống hiện đại, đất quê Hiền Lương đang thay đổi từng ngày, ngôi trường cổ kính vẫn trầm mặc kiên gan cùng tuế nguyệt như một nhân chứng sống, dấu mốc cho một thời kỳ lịch sử đau thương mà hào hùng của dân tộc...
Viết tiếp trang sử vàng truyền thống
Khi xây dựng Trường Kiêm bị Động Lâm, mục đích của người Pháp là đào tạo đội ngũ tay sai, phục vụ cho việc cai trị, khai thác thuộc địa tại Việt Nam. Thế nhưng trái ngược hoàn toàn với mưu đồ thâm độc này, Trường ngói Động Lâm với những người thầy tâm huyết đã đào tạo nên những thế hệ học sinh giỏi kiến thức, giàu lòng yêu nước, bổ sung cho đội ngũ cách mạng những chiến sỹ kiên trung quả cảm. Mặc dù bảng hiệu bằng tiếng Pháp, tên người Pháp xây trường được đắp nổi chính giữa, câu đối bằng Hán tự. Nhưng chỉ riêng nội dung câu đối do quan Tuần phủ Phú Thọ soạn năm 1924: “Âu phong Mỹ vũ, dân trí phương quạch toàn bằng ư tiểu học sơ cơ dĩ tần quang điểm/Tiểu tử long tôn, dĩnh thù bất luyến dương cập thử anh niên cường lực cộng bộ tiền trình (dịch nghĩa: Châu Âu, châu Mỹ đang phát triển khoa học như vũ bão, họ cũng đi từ kiến thức tiểu học mà nên/Con cháu Rồng Tiên cũng phải cố gắng theo học ở trường này để tiến kịp họ) cũng đã thể hiện rất rõ ý chí, khát vọng tự chủ, tự cường, xây dựng quê hương giàu đẹp của các thế hệ người Việt nơi đây.
Câu đối do quan Tuần phủ Phú Thọ soạn.
Lịch sử Đảng bộ huyện Hạ Hoà (1930-1998) ghi lại: “Tháng 6/1940 đồng chí Trần Thị Minh Châu - Uỷ viên Ban cán sự Đảng khu D đang hoạt động ở Cát Trù (Cẩm Khê) được giao nhiệm vụ phát triển cơ sở lên Nang Sa, Hiền Lương. Đồng chí đã bắt mối với học sinh Trường tiểu học Động Lâm- Hiền Lương thành lập tổ chức Phản đế”. Sự kiện này là minh chứng cho thấy giữa nhà trường và tổ chức Đảng có mối quan hệ rất chặt chẽ. Là một trong những cơ sở quan trọng của Đảng, tại thời điểm này, một số giáo viên, học sinh của nhà trường đã được giác ngộ và nhận được sự lãnh đạo trực tiếp của tổ chức Đảng trở thành những nhân tố then chốt trong việc tham gia vào các hoạt động của Mặt trận Việt Minh. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của đồng chí Ngô Minh Loan và đồng chí Bình Phương, Đội du kích Âu Cơ, Đội du kích Động Lâm, đội cảm tử quân... lần lượt được ra đời và sau đó là việc thành lập Chiến khu Vần - Hiền Lương. Những học sinh của Trường cấp 1 Động Lâm là thành viên chính trong các tổ chức này. Ngày 22/06/1945, các chiến sĩ thuộc Chiến khu Vần - Hiền Lương đã tổ chức đánh Nhật tại khu vực Đèo Giang (xứ Vần - Hiền Lương). Ngày 02/08/1945, quân đội Việt Minh giải phóng thủ phủ Hạ Hòa, chính quyền Cách mạng được thành lập. Thầy giáo Nguyễn Lương Thường - giáo viên của Trường khi đó đã tham gia giành chính quyền và được cử giữ chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban Cách mạng huyện Hạ Hòa.
Trải qua 100 năm, công trình đã có dấu hiệu xuống cấp.
Cách mạng tháng Tám thành công, “Trường ngói Động Lâm” tiếp tục sứ mệnh lịch sử là nơi giáo dục, đào tạo những thế hệ công dân của một quốc gia độc lập, tự do. Trong các cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp trở lại xâm lược và chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ, nhiều lần trường phải sơ tán, chuyển địa điểm và đến năm 1977, khi Trường chính thức chuyển về Gò Trống thì “Trường ngói” được trưng dụng làm nhà kho, trường mầm non, nhà văn hóa, tiếp tục phục vụ đời sống người dân.
Hiệu trưởng Nguyễn Lương Thường (người đội khăn xếp ngồi giữa) cùng các giáo viên và học sinh (ảnh chụp năm 1950, do gia đình cung cấp).
Ông nội từng cho các thầy giáo đến ở nhờ, bố đẻ từng là học sinh “Trường ngói Động Lâm”, cô giáo Nguyễn Thị Thúy Diệp giờ đang là Hiệu trưởng Trường Tiểu học Động Lâm chia sẻ: “Qua 100 năm xây dựng và trưởng thành, các thế hệ thầy và trò Trường Tiểu học Động Lâm đã viết nên trang sử vàng truyền thống rất đáng tự hào với những tấm gương anh hùng liệt sĩ, thương, bệnh binh đã không quản ngại hy sinh, mất mát vì độc lập, tự do cho Tổ quốc; rất nhiều tướng lĩnh, cán bộ cấp cao, trí thức, người lao động đã và đang ngày đêm đóng góp công sức cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Truyền thống vẻ vang của Nhà trường là động lực tiếp thêm niềm tin, sức mạnh, thôi thúc các thế hệ thầy và trò Trường Tiểu học Động Lâm hôm nay nỗ lực vượt khó, phấn đấu thi đua dạy tốt học tốt, xứng đáng với các thế hệ đi trước. Nhà trường đã chuyển sang địa điểm mới, được đầu tư xây dựng khang trang nhưng chúng tôi vẫn thường xuyên nhắc nhở, giới thiệu cho học sinh về địa điểm “Trường ngói Động Lâm”. Chúng tôi rất mong muốn công trình “Trường ngói” được gìn giữ, trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho học sinh và Nhân dân tự hào về truyền thống hiếu học, bất khuất của quê hương”.
Cùng chung quan điểm với cô giáo Nguyễn Thị Thúy Diệp, đồng chí Nguyễn Văn Kiên - Phó Chủ tịch UBND xã Hiền Lương chia sẻ: “Sử dụng làm nhà văn hóa khu 3 đã nhiều năm, công trình nguyên là Trường Kiêm bị Động Lâm đã tròn 100 tuổi đang có dấu hiệu xuống cấp. Xã đã có kế hoạch chuyển nhà văn hóa sang địa điểm khác. Với những giá trị lịch sử đặc biệt, chúng tôi rất mong muốn được lưu giữ công trình làm nơi sinh hoạt, giáo dục truyền thống cho con em trong xã...”.
Giữ lại công trình mang dấu ấn lịch sử làm địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ là mong muốn chung của chính quyền và người dân Hiền Lương để trang sử vàng hiếu học, kiên gan bất khuất của người dân vùng đất Mẫu tiếp tục phát triển, lan tỏa.
Nguồn: baophutho.vn