Đổi thay ở trên đất chiến khu xưa
Con đường nhựa trải dài đã đưa chúng tôi từ trung tâm huyện Hạ Hòa về xã Hiền Lương. Trong mắt chúng tôi, Hiền Lương - vùng chiến khu quan trọng trước cách mạng tháng Tám, góp công sức quan trọng trong Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay hiện ra trù phú, thanh bình với những rừng cây, đồi chè tươi tốt, những con đường hoa đầy sắc màu, những ngôi nhà khang trang, đường giao thông thuận tiện... Hiền Lương đang từng bước chuyển mình, phát huy nội lực để phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững.
Đảng bộ, chính quyền xã đã tập trung chỉ đạo: Ưu tiên phát triển kinh tế đồi rừng, chủ yếu tập trung trồng chè và cây lấy gỗ, với sản lượng gỗ khai thác 3.200m3 năm và thu hoạch chè được 140 tấn/năm. Cùng với đó, xã tích cực chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, đưa các giống lúa lai cho năng suất cao vào đồng ruộng để đảm bảo an toàn lương thực. Trong hơn 2890,53ha đất nông lâm nghiệp, diện tích trồng lúa chiếm 496,51ha, trong đó diện tích lúa lai cho năng suất cao hơn 378ha. Bình quân lương thực đạt 350kg/người/năm, đảm bảo an ninh lương thực. Ngoài diện tích trồng lúa, xã còn trồng 220ha ngô, trong đó ngô sinh khối khoảng 140ha, năng suất 500tạ/ha, sản lượng 7.100 tấn/ năm. Nhân dân trong xã còn trồng một số loại rau màu khác để tận dụng trồng hết diện tích đất. Bên cạnh đó Đảng uỷ, chính quyền xã còn chủ trương phát triển các mô hình cây ăn quả được khuyến khích nhân rộng theo hướng an toàn tiêu chuẩn VietGAP; vận động Nhân dân tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại; nuôi trồng thủy sản, đưa các giống cá, ốc nhồi, ba ba, cây sen, cây ấu có giá trị kinh tế cao vào canh tác đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Các hoạt động sản xuất tiểu thủ công nghiệp - xây dựng trong xã tiếp tục phát triển ổn định. Xã đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hợp tác xã và hộ gia đình có vị trí địa điểm xây dựng nhà xưởng, tiếp cận các nguồn vốn vay để đầu tư vào sản xuất, chế biến nông, lâm sản, sản xuất bún, bánh, đậu phụ, xay sát, gia công cơ khí, đồ mộc, may mặc, đan lát... Hiện nay trên địa bàn xã có 1 doanh nghiệp, 6 hợp tác xã và 7 cơ sở chế biến gỗ, hoạt động ổn định, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho nhiều lao động ở địa phương. Ngoài ra, phát huy lợi thế địa phương về du lịch tâm linh, xã đã tập trung phát triển, mở rộng các hoạt động thương mại, dịch vụ và du lịch. Toàn xã có trên 300 hộ hoạt động thương mại, dịch vụ đảm bảo phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân; các hộ tham gia bán hàng phục vụ trong dịp Lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ đã đem lại nguồn thu nhập khá góp phần phát triển kinh tế người dân.
Về với Hiền Lương hôm nay có thể thấy, hạ tầng giao thông xã đã được khoác lên màu áo mới, các tuyến đường giao thông nông thôn được duy tu, bảo dưỡng, kiên cố hóa, đảm bảo an toàn, không lầy lội vào mùa mưa và có hệ thống điện chiếu sáng xuyên suốt. Ngoài ra, các công trình công cộng như: Trụ sở UBND xã, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa... đều được đầu tư xây dựng kiên cố nhằm đảm bảo tính bền vững, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Đồng chí Lê Đăng Hùng - Chủ tịch UBND xã cho biết: Sau nhiều nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn, đến nay, mọi mặt kinh tế - xã hội ở Hiền Lương ngày càng phát triển, diện mạo nông thôn mới ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần người dân được cải thiện, nâng cao. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 51 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn 4,66%, giảm 0,86% so cùng kỳ; tỷ lệ hộ cận nghèo 4,45%, giảm 0,08% so cùng kỳ; tỷ lệ hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa đạt 94,2%, 12/13 khu đạt khu dân cư văn hóa... Kinh tế chuyển dịch đúng định hướng, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được cải thiện rõ rệt. Người dân tích cực tham gia các phong trào thi đua, các cuộc vận động do địa phương phát động, đóng góp tích cực trong phong trào xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
Nguồn:baophutho.vn