Vô Tranh phát huy thế mạnh giảm nghèo bền vững
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, xã miền núi Vô Tranh, huyện Hạ Hòa đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Xã đã tập trung các nguồn lực để hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế giúp các hộ dân chủ động vươn lên phát triển kinh tế gia đình, tự tạo việc làm, mang lại thu nhập ổn định. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo trong xã đến nay giảm còn 7,57%.
Mô hình nuôi ốc nhồi thương phẩm của người dân ở xã Vô Tranh đã trở thành điểm tham quan, học tập kinh nghiệm cho các địa phương quanh vùng.
Xã Vô Tranh được thiên nhiên ưu đãi có địa hình, điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển nuôi trồng thủy sản do có nhiều nhánh sông, suối chảy qua. Toàn xã hiện có 39ha diện tích mặt nước phục vụ nuôi trồng thuỷ sản, trong đó 32ha chuyên nuôi các giống cá đặc sản, cá truyền thống và 7ha chủ yếu nuôi ốc nhồi thương phẩm. 6 tháng đầu năm 2024, sản lượng thu hoạch đạt 43 tấn, trị giá trên 1,7 tỷ đồng. Đồng chí Lã Kim Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Nuôi trồng thuỷ sản đang là hướng phát triển kinh tế bền vững mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ dân trong xã. Vì thế, chính quyền địa phương tiếp tục chỉ đạo, vận động Nhân dân khôi phục ao hồ để góp phần cải thiện, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống. Đồng thời, chúng tôi cũng khuyến khích các hợp tác xã (HTX) phát triển mô hình nuôi cá sông trong ao và xây dựng mô hình nuôi ốc nhồi tại các khu dân cư”.
Gắn bó với nghề nuôi cá nước ngọt lâu năm, năm 2020 anh Bùi Bích Phong, Giám đốc HTX Thuỷ sản và Dịch vụ nông nghiệp Vô Tranh đã quyết định chuyển hướng đầu tư xây dựng trang trại nuôi cá tầm, cá lăng thay vì các giống cá truyền thống, giá trị thấp như trước đây. Nếu như cá lăng có thể nuôi rộng rãi, quanh năm với mọi điều kiện khí hậu, thì cá tầm lại chủ yếu được nuôi ở nơi có khí hậu mát mẻ, nguồn nước có nhiệt độ 16-250C. Nhờ nguồn nước tự nhiên dẫn từ khe suối vào hệ thống bể nuôi lưu thông thường xuyên, đảm bảo sạch sẽ, phù hợp nên cá lăng và cá tầm của HTX dễ dàng thích nghi, sinh trưởng nhanh, ít dịch bệnh. Năm 2023, HTX thu hoạch được 10 tấn cá tầm, 20 tấn cá lăng, trừ chi phí thu lãi khoảng 500 triệu đồng. Từ một trại cá, đến nay HTX mở rộng quy mô nuôi cá tầm ở 3 trại: Phai Ngà, Ao Giời và Vô Tranh gồm cả cá giống và cá thương phẩm cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Từ đó, hỗ trợ giải quyết việc làm cho gần chục lao động địa phương.
Là một trong 3 xã có diện tích rừng tự nhiên lớn nhất huyện, đất đồi rừng ở Vô Tranh chiếm tới 3/4 diện tích đất tự nhiên của xã với 1.300ha diện tích rừng và đất lâm nghiệp, trong đó hơn 800ha rừng sản xuất. Những năm qua, xã đã vận động bà con có diện tích đất đồi rừng lớn, trồng cây cọ kém hiệu quả chuyển đổi sang trồng cây nguyên liệu giấy, cây lấy gỗ với sản lượng gỗ khai thác hàng năm đạt gần 17.000m3. Xã hiện duy trì 3 cơ sở chế biến gỗ và băm dăm. Từ trồng và chế biến gỗ đã giúp nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo, làm giàu, chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao.
Nhờ phát triển nuôi giống cá tầm, cá lăng đặc sản, mỗi năm HTX Thuỷ sản và Dịch vụ nông nghiệp Vô Tranh thu lãi khoảng 500 triệu đồng.
Cùng với việc tranh thủ lợi thế phát triển nuôi thuỷ sản, sản xuất lâm nghiệp, nhiều hoạt động kinh doanh dịch vụ thương mại trên địa bàn xã duy trì và tăng trưởng khá đã góp phần giải quyết việc làm cho người dân. Toàn xã hiện có 120 hộ kinh doanh cá thể thương mại dịch vụ, vận tải, mang lại thu nhập khoảng 18,2 tỷ đồng. Không chỉ giải quyết việc làm tại chỗ, xã Vô Tranh còn có 75 người đang đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, mỗi năm gửi về cho gia đình khoảng 6 tỷ đồng; 750 người thường xuyên đi làm ăn xa với thu nhập ước đạt 36 tỷ đồng/năm.
Nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển, năm 2024 trên địa bàn xã tiếp tục hoàn thành 2 dự án lớn được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước là Dự án đường giao thông liên vùng kết nối đường Hồ Chí Minh với Quốc lộ 70B, Quốc lộ 32C đi tỉnh Yên Bái đoạn qua xã Vô Tranh và Dự án đường liên vùng kết nối đường tỉnh 321 với Quốc lộ 70B và Khu du lịch Ao Giời - Suối Tiên, Đền Mẫu Âu Cơ. Tổng vốn đầu tư của 2 dự án hơn 300 tỷ đồng. Hiện các công trình đã cơ bản hoàn thành, góp phần tạo điều kiện thuận lợi trong việc phục vụ sản xuất, giao thương, đi lại của người dân.
Nỗ lực thể hiện qua những kết quả đạt được trong công tác giảm nghèo đã làm thay đổi diện mạo vùng quê vốn có xuất phát điểm thấp ngày càng khởi sắc. Từ đó, góp phần củng cố thêm niềm tin, ý chí và động lực để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Vô Tranh sớm “về đích” xây dựng thành công xã nông thôn mới.
baophutho.vn