Bài học về tự quản làng, xã thông qua hương ước, quy ước
Trong mỗi làng Phú Thọ hương ước ở phần đầu mở đầu đã nêu rõ mục đích: "Làng có hương ước cũng như nước có luật lệ không giữ được hòa bình cho nước trong mọi làng không có khoán ước không giữ được nền trật tự cho làng. Cho nên đã có nước phải có luật, đã có làng phải có khoán ước, làng từ cổ phong tục khoán lệ đã có rồi nhưng phần lớn là truyền miệng, không có điều gì làm quy định, làm chuẩn đích vả lại nay phong hóa ngày một thay đổi lại cho hợp trình độ nhân tình, vì vậy đồng xã hội hợp tác công đình châm chước những tục lệ cổ, điều nào nên theo thì để, điều nào dở thì sửa lại" (Hương ước làng Hùng Nhĩ- tổng Cự Thắng Châu Thanh Sơn).
Hương ước là công cụ để điều chỉnh các mối quan hệ làng xã trong cộng đồng, là công cụ để quản lý làng xã, các điều khoản của hương ước quy định trách nhiệm và chế độ thưởng phạt chủ yếu đối với các cá nhân trong làng. Với các điều khoản, hương ước đã kiểm soát , thái độ ứng xử của từng thành viên, không phân biệt già trẻ, gái trai và ở tầng lớp xã hội nào. Các hành vi từ ăn mặc, đi đứng, nói năng, thăm hỏi, học hành cho đến nghĩa vụ với gia đình, họ mạc, làng xóm trong việc ma chay, cưới xin, khao vọng, biện lễ, lễ tế, khao thọ đến việc tuần phòng canh gác chống trộm cướp đều được quy định tỷ mỷ, chặt chẽ trong các điều khoản. Như vậy hương ước đã tạo sự ràng buộc, áp đặt và cả sự cưỡng chế của cộng đồng đối với con người trong làng. Nhờ đó hương ước còn làm được một nhiệm vụ quan trọng khác là sợi dây bền chặt để nối liền các tổ chức xã hội trong làng.
Hương ước đã trở thành " Bản hiến pháp" của làng khi nó tạo ra sự ràng buộc, áp đặt và cưỡng chế của cộng đồng làng xã đối với mỗi cá nhân, nắm cá nhân để nắm tổ chức buộc nó phải vận hành thống nhất. Hương ước còn quy định trách nhiệm của một tổ chức hay hạng dân đối với cộng đồng làng xã chẳng hạn việc tuần phòng, đắp hào lũy, biện lễ thờ thành hoàng, cắt cử người phục vụ tế lễ, rước xách trong các tiệc làng được quy định cụ thể cho các ngõ xóm, phe giáp. Từ xóm ngõ phe giáp lại phân công đến các thành viên cùng thực hiện, cá nhân nào không hoàn thành nhiệm vụ thì tổ chức mà người đó tham gia phải chịu hình phạt.
Hương ước dựa trên truyền thống để rồi trở thành truyền thống đó là bài học quản lý làng xã bằng hương ước. Điều này đến bây giờ vẫn còn nguyên giá trị mà những nhà quản lý, cấp chính quyền cơ sở cần rút kinh nghiệm trong công tác quản lý chỉ đạo xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng xã văn hóa nông thôn mới.
Những mặt tích cực của hương ước: Trước hết hương ước góp phần làm hình thành trong làng xã và người nông dân nhiều đức tính truyền thống và quý báu. Truyền thống đoàn kết và cố kết làng xã: hương ước không chỉ quy định nghĩa vụ của mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng mà còn định rõ trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên trong đời sống thường nhật; hương ước khuyên răn mọi người ăn ở hòa thuận theo đúng đạo hiếu gia đình, giữ gìn tình làng nghĩa xóm, giúp đỡ nhau lúc hoạn nạn, túng thiếu hay gặp công to việc lớn trong nhà. Những trường hợp đánh cãi chửi nhau, triệt hạ lúa màu, gia súc, gia cầm của nhau đều bị phạt nặng. Mọi người tìm thấy ở xóm làng không chỉ chỗ dựa về vật chất mà chủ yếu ở tinh thần, một sự đùm bọc giúp đỡ vô tư giữa những người lao động. Quan tâm đến việc công ích, tích cực đóng góp xây dựng làng xã hoàn thành đầy đủ các nghĩa vụ với làng, với nước. Trước hết từng làng phải đảm bảo đầy đủ các nghĩa vụ với nhà nước về sưu thuế, binh dịch. Ngoài ra từng làng tự đảm nhiệm các công việc liên quan như thủy lợi, giao thông, đê điều, xây dựng các công trình bảo vệ xóm làng như : hàng rào, cổng làng, tổ chức thờ cúng. Hương ước quy định trách nhiệm cho từng tổ chức, cá nhân và các hàng dân trong làng. Vì vậy các nghĩa vụ có liên quan đến trách nhiệm của công dân được thực hiện. Người nông dân tham gia đầy đủ các công việc trong làng với ý thức trách nhiệm họ cũng đòi hỏi những thành viên khác cũng phải thực hiện như thế.
Chủ động trong bảo vệ an ninh thực hiện vai trò tự quản: trong nhiều hương ước quy định rất cụ thể nhiều khi đến ngặt nghèo, để ngăn chặn các tệ nạn xã hội như trộm cắp, rượu chè, cờ bạc, nam nữ quan hệ bất chính. Hay như các quy định về chế độ canh phòng bảo vệ trật tự trị an trong làng xóm, bảo vệ hoa màu ngoài ruộng đồng. Điều này đã phát huy được tinh thần tự quản, tinh thần đoàn kết và cố kết của người nông dân với làng xã làm cho cuộc sống ở đây có trật tự, làm cho làng trở thành pháo đài kiên cố ngăn chặn giặc ngoại xâm, trộm cướp. Trong lịch sử chống giặc ngoại xâm địch chỉ chiếm được đô thị, kinh kỳ còn khi đến các làng chúng bị thất bại trước sự tấn công và nổi dậy mạnh mẽ của dân binh phối hợp với quân triều đình .
Góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần ở nông thôn: Những quy định của hương ước về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc tu bổ đến miếu, đình chùa, phục vụ lễ tết rước sách thờ Thần, thờ Phật đã được người dân tuân thủ nghiêm túc, vì lẽ này mà hệ thống đình chùa, đền miếu của các làng thường xuyên được tu bổ tăng thêm một nét đẹp trong cảnh quan của làng xóm. Nhiều đình chùa có giá trị cao nghệ thuật kiến trúc được xây dựng ở những vị trí đẹp một không gian thoáng đãng đã trở thành niềm tự hào của không chỉ một làng mà của cả tỉnh. Bên cạnh các thiết chế tôn giáo, tín ngưỡng người nông dân tổ chức nhiều lễ hội: Lễ hội nông nghiệp cầu mùa, cầu mưa, hội phồn thực giao duyên, hội hát Xoan hát Ghẹo, hát Ví, các trò diễn hội làng, các môn thể thao dân tộc: Vật, võ, cờ tướng, cờ người, ném còn thu hút sự tham gia của rất nhiều người không phân biệt sang hèn đều say mê với những lễ thức trò diễn, tưởng nhớ các vị thần có công với nước, với làng. Thông qua việc thờ cúng và các hoạt động văn hóa khác biểu lộ mối cộng cảm với nhau, xích lại gần nhau hơn. Hội làng ngoài việc đáp ứng được các yêu cầu về tâm linh và văn hóa còn có tác dụng giáo dục truyền thống đạo lý "Uống nước nhớ nguồn' và củng cố tinh thần cộng đồng. Hội làng cùng với sinh hoạt phong phú là môi trường tốt nhất để bảo tồn các giá trị di sản văn hóa, làng xã, văn hóa dân tộc.
Những hạn chế của hương ước: Trước hết là tư tưởng cục bộ địa phương, bè phái và những điều khoản của hương ước chỉ liên quan đến công việc, tới tập tục làng xã do vậy nó góp phần tạo ra tâm lý chỉ quan tâm đến lợi ích của làng mình " Ăn cây nào rào cây ấy ", "Trống làng nào làng ấy đánh, thánh làng nào làng ấy thờ" ít quan tâm đến quyền lợi làng khác. Làng với kinh tế tiểu nông tự cấp, tự túc với các tổ chức xã hội riêng, tập tục riêng đã được hương ước thể chế hóa do đó làng trong tâm thức của người nông dân là nhất. Thành viên nào cũng mang trong mình và tự hào về điều này. Điều này giải thích tại sao có người nông dân vì danh dự của làng dẫn đến hành động " quá tả" lao vào các cuộc tranh chấp đất đai, cãi vã, ẩu đả tập thể ...thực chất chỉ nhằm bảo vệ quyền lợi của các tầng lớp chức sắc, chức dịch trong làng, bị một số quan trên lợi dụng.
Việc quản lý làng xã bằng hương ước là một trong những cơ sở để hình thành lối sống theo lệ làng không quen sống với pháp luật, thậm chí còn coi thường pháp luật (phép vua thua lệ làng). Nhìn chung người nông dân trong làng ít được trang bị kiến thức về pháp luật và cho đến nay thì điều này vẫn còn, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa miền núi dân tộc. Đây là vật cản lớn trên con đường xây dựng xã hội chủ nghĩa đòi hỏi những nhà quản lý phải có những biện pháp tích cực trong việc tuyên truyền giáo dục pháp luật cho mọi người dân để nâng cao trình độ dân trí.
Mặt hạn chế của hương ước xưa phải kể đến là góp phần làm tăng các hủ tục nặng nề trong đám cưới, đám tang, khao vọng, hội lễ. Một tác động tiêu cực khác từ hậu quả của những hủ tục trong cưới, tang, khao vọng, hội lễ đã tạo ra óc mê tín dị đoan, quá tin vào tôn thờ thế lực siêu tự nhiên; cưới xin chọn ngày chọn giờ, cô dâu chú rể phải so tuổi, tang ma cũng phải xem giờ để nhập quan mai táng, con cái báo hiếu cha mẹ phải coi trọng phần mộ (đến nay tình trạng đô thị hóa nghĩa trang ngày càng phát triển, mọi người đều xây mộ to lấn chiếm cả đất canh tác).
Từ việc nghiên cứu hương ước xưa, biết được những mặt tích cực của hương ước và những mặt còn hạn chế của nó để vận dụng trong việc xây dựng quy ước văn hoá đó là hướng đi đúng trong việc kế thừa di sản truyền thống của cha ông để lại, biết “gạn đục khơi trong” trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, đặc biệt trong việc xây dựng nông thôn mới
Trước đây, cha ông ta đã đưa việc trọng danh dự cá nhân, gia đình trước cộng đồng làng xã được cụ thể hóa qua những diều khoản chặt chẽ và đi kèm chế tài xử phạt khi cá nhân và gia đình vi phạm những điều cấm. Tính “ tự quản” đã có trách nhiệm trong xây dựng cộng đồng được coi là quan trọng số một. Vì vậy trong quy ước văn hóa hiện nay các địa phương cần chú ý việc khơi dậy lòng tự hào về quê hương về những phong tục tập quán tốt đẹp, để từ đó nêu cao tinh thần trách nhiệm trước cộng đồng. Những danh hiệu vinh dự không thể dùng đồng tiền để mua mà con người phải phấn đấu để có được. Hương ước xưa tạo sức nặng dư luận để điều chỉnh hành vi, thế ứng xử và biết cách làm cho hương ước thêm sức nặng khi hàng năm làng tổ chức “ Minh thệ ” ( ăn thề ). Vậy thì hiện nay ta nên đưa việc giao ước thi đua giữa các khu dân cư, giữa các gia đình trong thôn, bản vào quy ước một cách trang trọng, dân chủ sẽ phát huy được sức mạnh.
Hiện nay việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở gắn với việc xây dựng nông thôn mới và văn hóa nông thôn đang đặt ra nhiều vấn đề cho người nông dân chủ thể của xây dựng nông thôn mới. Rất nhiều mối quan hệ không chỉ trong ứng xử mà còn là việc thực hiện quy định chung về môi trường, cảnh quan, mùa màng, không gian thoáng của hội hè , đình đám, trong các di tích đình, chùa, đền, miếu của làng, bản. Vì vậy từ hương ước xưa, chúng ta học được nhiều điều khi xây dựng quy ước văn hóa hiện nay. Những năm trước có một thực tế khá nhiều khu dân cư chỉ căn cứ vào hướng dẫn chung nhất của Nhà nước để xây dựng quy ước khu dân cư, thậm chí sao chép nguyên văn những quy ước của nơi khác, không đưa ra hội nghị khu dân cư để họp bàn và thông qua trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt nên nó na ná giống nhau, vì vậy những đặc điểm của làng, thôn, xóm, bản, không được đề cập trong quy ước nên khó có sức thuyết phục. Để hương ước, quy ước có sức sống ngay từ khâu soạn thảo phải chú ý từ những đặc điểm riêng để xây dựng thì mới phát huy được sức mạnh của nó. Cái hay, cái độc đáo của quy ước, hương ước chính là ở chỗ này. Sau khi hoàn chỉnh khâu dự thảo, hương ước, quy ước của làng, xóm, bản, thôn phải được trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để tránh tình trạng “Lệ làng to hơn phép nước”.
Một kinh nghiệm rất quý báu của cha ông ta có việc tuyên dương, khen thưởng kịp thời những cá nhân, gia đình có nhiều công lao đóng góp xây dựng, phát triển làng quê, suy cho cùng cũng là việc thực hiện tốt những kinh nghiệm đã được đúc kết ở hương ước“Một trăm đồng tiền công, không bằng một đồng tiền thưởng”, “Một miếng giữa đàng hơn một sàng xó bếp” là những đúc kết giá trị động viên tinh thần của việc khen thưởng của làng với các nhân, gia đình. Từ bài học kinh nghiệm trên ta sẽ tránh khen thưởng tràn lan như bấy lâu nay nhiều địa phương vẫn đang thực hiện.
Xây dựng văn hóa nông thôn trong xây dựng nông thôn mới là nội dung cực kỳ quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi một chủ trương lớn của Đảng, nói đến cùng là phải xây dựng, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa từ ngàn đời nay của cha ông để lại và bổ sung vào đó những giá trị văn hóa mới trong tầm nhìn rộng lớn hơn vượt qua lũy tre làng phát huy mặt tích cực, hạn chế tối đa mặt tiêu cực của hương ước xưa mà các địa phương. Những thành công lớn do phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”đem lại ở một số địa phương trong thời gian qua có kết quả cao phần lớn nhờ phát huy được tính tự quản cộng đồng của các gia đình, cá nhân. Nhờ mặt chủ động này mà nhiều phong trào thi đua đã được đông đảo nhân dân hưởng ứng tích cực, đem lại hiệu quả xã hội rõ nét.
Trần Văn Quang
Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và Gia đình