Đã bước vào tuổi 70 nhưng bà Lụa vẫn nhanh nhẹn và hoạt bát khi trò chuyện với chúng tôi và cả khi hái lá thuốc cho bệnh nhân. Bà Lụa cho biết bà bốc thuốc từ năm 1976, đó là nghề mà người cha đẻ của bà truyền lại. Bà là đời thứ 6 trong gia đình làm nghề hái và bốc thuốc nam để chữa bệnh cho người dân. Năm 12 tuổi bà đã theo cha lên rừng tìm và hái về những cây thuốc nam chữa bệnh. Từ đó bà chịu khó học hỏi và được cha truyền bí quyết chữa bệnh bằng thuốc nam. Cũng từ đó đến nay, trải qua một thời gian dài, mặc dù có những giai đoạn kinh tế đói kém, hoàn cảnh gia đình khó khăn, bà Lụa vẫn giữ và theo nghề cho đến ngày nay.
Từ lâu, người dân quanh vùng biết đến bà Lụa như một “thần y” có tài bốc thuốc để chuyên chữ các bệnh về xương như gãy xương ở mọi nơi trên cơ thể, bong gân ở người và trâu bò. Ngoài bà ra còn lấy thuốc chữa mất sữa, tắc tia sữa cho phụ nữ mới sinh và sài đẹn ở trẻ sơ sinh. “Nhiều bệnh nhân bị gãy xương, đi bệnh viện chữa hết hơn 100 triệu nhưng không khỏi, được bệnh viện trả về đến nhờ bà bốc thuốc chữa và khỏi bệnh, mấy chục năm qua, bà đã chữa cho nhiều trường hợp như thế”, bà Lụa cho biết. Bà Lụa còn bốc được thuốc chữa gãy xương ở những chỗ như cổ, xương bả vai, những nơi khó có thể mổ hay phẫu thuật được. Tiếng lành đồn xa, người dân ở khắp mọi nơi đã đến nhờ bà hái thuốc và chữa bệnh, kết quả đều như mong muốn. Có người khỏi bệnh đã nhận bà là mẹ nuôi hay kết nghĩa anh em.
Bà Lụa tâm sự: “ Người dân mình nhiều khi không biết vị thuốc nên nằm trên đống thuốc mà chết”. Bên cạnh công việc đồng áng, những lúc nông nhàn, bà Lụa cặm cụi đeo giỏ lên đồi tìm và hái cây thuốc nam. Bà cho biết, trên núi cao ở Ấm Hạ có rất nhiều loại cây thuốc chữa liền xương mà người dân không biết đến. Do vậy, với kinh nghiệm tổ tiên truyền lại, bà Lụa đã nắm bắt được rất nhiều loại cây thuốc có giá trị chữa bệnh liên quan đến xương ở người và trâu bò cũng như những bệnh của phụ nữ, trẻ em sau khi sinh. “Những giống thuốc quý trên rừng tôi thường mang về trồng trong vườn nhà để giữ giống kẻo khi đốt rừng, giống thuốc sẽ mất dần”, bà Lụa cho biết. Bà khẳng định, bệnh nhân nào bị gãy xương hay chệch khớp, bong gân nặng đến nhờ bà bốc thuốc đều khỏi bệnh. Chẳng thế mà khi người dân bị bệnh liên quan đến xương chữa lâu ngày ở những bệnh viện lớn không khỏi, tìm đến bà Lụa nhờ bà bốc thuốc, bà Lụa đã bắt mạch và bốc cho họ những thang thuốc nam tổng hợp từ nhiều loại cây lá trên rừng. Sau một thời gian uống thuốc của bà Lụa, người bệnh đều khỏi bệnh và khỏe mạnh. Nhiều bệnh nhân như được “trở về từ cõi chết” khi dùng thuốc của bà.
Khi được hỏi về kinh nghiệm nghề thuốc bà Lụa tâm sự, bà không được đào tạo qua trường lớp về thuốc một ngày nào, có được kinh nghiệm trong nghề là do bà tích lũy bí quyết và thực tế ngay từ khi mới bước vào nghề. Dần dần bà biết được nhiều cây thuốc hơn với công dụng tốt hơn và có sự nhạy cảm khi thăm bệnh và bốc thuốc cho bệnh nhân. Có người ở xa gọi điện đến, chỉ qua điện thoại bà Lụa đã biết được bệnh và bốc thuốc đúng thương tích. “Điều quan trọng là khi làm nghề này phải có cái tâm của nghề thuốc, phải luôn nghĩ về nỗi đau của bệnh nhân để bốc thuốc thì mới tồn tại lâu dài”, bà Lụa khẳng định với chúng tôi như vậy. Chính vì thế, đã gần 40 năm qua, bà Lụa bốc thuốc cứu người trước hết vì tấm lòng với người dân quanh vùng, không vì tiền bạc mà lấy giá cao hay bắt chẹt bệnh nhân để kiếm lời. Có những bệnh nhân khi được bà chữa khỏi bệnh mang tiền đến cảm ơn nhưng bà Lụa đều trả lại.
Khi được hỏi về việc truyền nghề cho đời sau, bà Lụa trăn trở vì lớp trẻ giờ đây quan tâm đến việc chữa bệnh bằng công nghệ hiện đại nhiều hơn là phương thuốc nam thủ công này. Bà cho biết sẽ truyền nghề và bí quyết cho người con gái nhưng điều quan trọng là người được truyền nghề phải chịu khó học hỏi, có tâm trong sáng và kiên trì với nghề.
Theo lãnh đạo địa phương thì trường hợp bà Tạ Thị Lụa bốc thuốc theo kinh nghiệm cha ông để lại và đúc rút trong thực tế, chưa có trường hợp bệnh nhân nào nguy kịch khi sử dụng thuốc của bà và bà Lụa cũng không bày trò bán thuốc kiếm lời mà chủ yếu giúp người dân qua khỏi cơn nguy hiểm.
Nguyễn Thế Lượng