Chị Trần Thị Minh Nghĩa - Chi hội trưởng Chi hội 4, xã Chuế Lưu làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở
Chị Trần Thị Minh Nghĩa sinh năm 1976, chị tham gia công tác hội LHPN xã từ năm 2003, đến nay đã được 15 năm, thì 15 năm chị tham gia tổ hòa giải cơ sở. Chị đã tham gia hòa giải thành nhiều vụ việc liên quan đến gây rối mất trật tự thôn xóm, mâu thuẫn gia đình, tranh chấp đất đai, vấn đề đến bù giải phóng mặt bằng làm đường giao thông nông thôn mới,… Đặc biệt năm 2014 - 2015 thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới xã Chuế lưu được đầu tư mở rộng trục đường trung tâm UBND xã. Con đường được xây dưng chạy qua một đoạn ao của gia đình ông Nguyễn Hoàng Sâm, ông Sâm nhận thầu của UBND xã để thả cá với thời hạn thầu là 5 năm, thời điểm đó ông Sâm mới thầu được 3 năm. Lúc đầu khi UBND xã mời gia đình ông Sâm lên UBND để làm việc thì ông đã nhất trí. Xong trong quá trình nhà thầu đang thi công gia đình ông Sâm đổi ý và dào lại không cho đơn vị thi công làm đường với lý do là mức đền bù không thỏa đáng và gia đình ông yêu cầu phải đền bù với mức cao hơn.
Trước tình hình đó với trách nhiệm được giao chị Nghĩa cùng với tổ hòa giải ở cơ sở đã suy nghĩ, tìm mọi biện pháp tháo gỡ khó khăn, làm sao để công trình đường giao thông thi công tiếp. Chị đã cùng với bí thư chi bộ, trưởng khu dân cư, các đoàn thể ở khu họp bàn tìm biện pháp thuyết phục. Sau đó chị cùng với các thành viên trong tổ hòa giải đã mời được người đại diện trong dòng họ có uy tín, chọn thời điểm thích hợp đến gặp gỡ gia đình ông Sâm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, những vướng mắc của gia đình. Đồng thời bản thân chị chủ động tìm hiểu thêm một số văn bản của Nhà nước có liên quan tới công tác giải phóng mặt bằng, đền bù đất đai đến nhà ông Sâm cùng ông nghiên cứu tìm hiểu cộng với những lời lẽ có lý có tình, vừa thuyết phục, động viên, vừa giải thích cặn kẽ để gia đình ông Sâm hiểu hơn về chính sách của Nhà nước. Một thời gian ngắn gia đình ông Sâm đã suy nghĩ lại và nhận thấy mình đã sai và quyết định nhận lại mức đền bù như ban đầu. Đến nay con đường đã hoàn thành, thuận tiên cho bà con nhân dân và các cháu học sinh đi lại.
Ngồi nghe chị Nghĩa kể chuyện hoà giải tôi thấy mắt chị sáng lên niềm vui, chị nói rằng làm công tác hoà giải phải tế nhị hài hoà, hợp tình hợp lý như vậy sẽ khiến các bên như được xoa dịu. Chị bộc bạch với tôi về những thuận lợi, khó khăn của nghề hoà giải: Công việc của tôi nghe đơn giản vậy thôi nhưng khi vào cuộc thì không hề đơn giản chút nào vì ở cơ sở tâm lý “hơn thua” và tâm lý “dòng họ” còn rất nặng nề. Người xưa thường nói “thấy ăn thì đến thấy đánh thì đi” thế mà công việc của tôi thì ngược lại, hễ ở đâu có to tiếng mâu thuẫn, xích mích là tôi tìm đến để hoà giải hoặc có vụ việc gì đó mới manh nha hình thành là chúng tôi cũng đến tìm cách giải quyết với tâm lý “ việc lớn thành việc nhỏ, việc nhỏ thành không có gì”.
Trong quá trình hoà giải chị luôn vận dụng những phong tục tập quán của địa phương, những quy ước của làng xóm không trái với quy định của pháp luật và những hiểu biết về pháp luật có liên quan bằng lời nói nhẹ nhàng đầy sức thuyết phục, giải thích có lý có tình nhằm thuyết phục 2 bên đi đến thoả thuận vui vẻ. Trong từng trường hợp cụ thể chị Nghĩa rút ra kinh nghiệm: “Gặp những vụ việc có mâu thuẫn lớn, tôi cùng các đồng chí trong tổ hòa giải đã đến tận nhà hoà giải đơn phương để tìm ra nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn và nguyện vọng của các bên, đưa vấn đề ra thảo luận với các thành viên trong Tổ hoà giải để cùng đưa ra kế hoạch hoà giải cho sát với vụ việc như thế sẽ đem lại hiệu quả cao hơn”. Chị cũng chia sẻ thêm: Các mâu thuẫn phát sinh trong thực tế rất đa dạng phong phú và rất phức tạp. Trong các vụ hoà giải các bên đều cho rằng quyền lợi của mình bị xâm phạm và không bên nào chịu nhận lỗi. Tuy nhiên trên thực tế cho thấy nếu tổ hoà giải nắm rõ các quy định của pháp luật vừa vận dụng tình cảm thuyết phục, tình làng nghĩa xóm để khuyên nhủ vừa phân tích cái đúng cái sai, cái thiệt cái hơn cũng như đọc các điều khoản quy định của pháp luật về việc đó cho họ nghe thì sẽ giúp họ đi đến thoả thuận. Chị nói rằng càng gắn bó lâu với nghề chị càng thấy yêu nó hơn và cũng trăn trở hơn vì chị thấy xã hội càng phát triển thì mâu thuẫn phát sinh càng nhiều, hàng ngày chị chứng kiến cảnh tranh chấp đất đai, tranh chấp trong chia thừa kế, hôn nhân rạn nứt, tệ nạn xã hội, mâu thuẫn từ những điều nhỏ nhặt ở thôn, xóm… chị càng nhủ lòng phải cố gắng hơn nữa trong công việc để đem bình yên đến với xóm làng. Ngồi nghe chị nói tôi có cảm nhận hình như việc hoà giải đã ăn sâu vào con người chị, gắn bó máu thịt với chị, mọi kinh nghiệm tâm huyết đều xuất phát từ lòng yêu công việc và con người.
Từ những lời bộc bạch của chị Nghĩa mới thấy hết được sự vất vả của người làm công tác hoà giải, cho thấy mỗi vụ việc hoà giải thành là sự khẳng định phương pháp hoà giải đúng, sự vận dụng đầy đủ linh hoạt của pháp luật vào cuộc sống cũng như thái độ nhẹ nhàng, ôn hoà đúng mực đặc biệt là xuất phát từ tình cảm, lòng nhân ái bao dung vì sự bình yên của xóm làng.
Với những đóng góp của chị trong công tác hòa giải ở sở sở, chị Trần Thị Minh Nghĩa nhiều năm được Đảng Bộ xã tuyên dương khen thưởng là Đảng Viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; tổ viên tổ hòa giải xuất sắc. Hàng năm đều đạt hội viên hội phụ nữ xuất sắc. Gia đình đều đạt gia đình văn hóa tiêu biểu.
Minh Hòa