Người trồng bưởi diễn trên đất Chuế Lưu
Chúng tôi đến thăm khu vườn nhà ông Trần Ngọc Hinh (70 tuổi) ở khu 3 xã Chuế Lưu (Hạ Hòa), tuy nhà ông kề sát với quốc lộ 32C nhưng phía trước và sau nhà ông vẫn dành những khoảnh đất khá rộng cho khu vườn trồng cây trái. Có lẽ, ở khu này, chỉ có nhà ông Hinh là nổi bật hơn cả bởi xung quanh hàng xóm chủ yếu trồng bí đao, ngô, rau màu theo hình thức xen canh gối vụ để tăng thu nhập những khi nông nhàn. Còn khu vườn nhà ông Hinh được điểm tô bởi màu vàng rực của những trái bưởi diễn đang căng mọng chờ ngày thu hoạch.
Khi được hỏi về hành trình đưa cây bưởi diễn về mảnh đất Chuế Lưu, ông Trần Văn Hinh bồi hồi nhớ lại quãng thời gian cách đây 15 năm về trước khi mà việc trồng cây bưởi diễn đối với cư dân nơi đây hoàn toàn xa lạ thì ông đã mạnh dạn đổi mới hình thức canh tác trên mảnh đất chưa đầy một sào của gia đình. Đó là đưa giống bưởi diễn về trồng thử nghiệm nhờ sự giúp đỡ về giống cây từ một người thân tại trường Đại học nông nghiệp 1 Hà Nội. Vừa quyết tâm, vừa hi vọng và không tránh khỏi những lo âu về những cành bưởi diễn đã được “hạ thổ” trong khu vườn, mãi đến khi những cành bưởi giống đâm chồi nảy lộc ông mới thở phào nhẹ nhõm. Từ đó đến nay, nhờ bàn tay chăm sóc ngày ngày, vườn bưởi diễn của ông Hình phát triển và kết trái đều đặn.
Để cây bưởi “bén duyên” đất bồi ven sông, cần có sự chăm sóc đúng kỹ thuật và nắm được đặc tính sinh trưởng của giống bưởi này. Đó cũng là điều mà ông Hinh rút ra được và trở thành kinh nghiệm chăm sóc bưởi trong 15 năm qua. Ông cho biết, bưởi diễn tuy là giống bưởi quý nhưng lại không cầu kỳ và khó tính về chăm sóc cũng như điều kiện thổ nhưỡng. Bởi, nếu đất quá tốt hay bón phân quá nhiều, bưởi chỉ tốt lá và cho quả không nhiều, ăn không ngon. Vì thế, sau hai năm đầu chăm sóc, bước sang năm thứ ba khi bưởi đã trổ hoa và kết quả thì những loại phân thường bón như NPK, phân chuồng. mùn rơm nên giảm dần. Hơn nữa, theo ông Hinh, nên trồng bưởi diễn ở nơi đất khô và hơn cằn. Như thế, bưởi sẽ phát triển tốt và sai quả.
Để có được vườn bưởi như hôm nay mà sau 15 năm, vườn bưởi quý vẫn sum suê quả vào mỗi vụ, ông Hinh đã dày công ghép giống bưởi diễn với gốc bưởi chua thường. Như thế, bưởi diễn sẽ có khả năng đề kháng sâu bệnh, trẻ lâu và phù hợp với thổ nhưỡng cũng như khí hậu vùng ven sông này. Ông Hinh cho biết, cái khó nhất trong quá trình chăm sóc bưởi diễn là làm sao để giữ cho bưởi trẻ lâu, hơn nữa, thân cây rất hay bị sâu đục thân, sâu cuốn lá, sâu đục quả. Vì vậy, ngoài bón phân, đắp gốc, việc quan trọng là phải thường xuyên theo dõi, phát hiện và khắc phục sâu bệnh cho bưởi.
Chỉ trong khoảng 11, 12 thước đất vườn nhưng 30 gốc bưởi diễn của gia đình ông Trần Văn Hinh đã sinh trưởng và phát triển tốt. Trong đó, có trên chục gốc đã sum suê quả từ hơn chục năm nay, những gốc còn lại đang ra lộc xanh tốt. Ông Hinh chia sẻ rằng, bưởi diễn trổ hoa cùng mùa với chanh, cam và bưởi thường nhưng do đặc tính của giống bưởi này là hoa mọc quay xuôi, lá to bản có thể che cho hoa nên dù sau tết có mưa nhiều thì tỷ lệ đậu quả của bưởi vẫn dẫn đầu so với nhiều giống bưởi khác. Chẳng thế mà nhìn những cây bưởi diễn trong vườn nhà ông Hinh khi sắp đến vụ thu hoạch chỉ thấy màu vàng rực của quả chen chúc nhau trên thân cành. Điều đặc biệt là dù bưởi, chanh quê có thể mất mùa chứ bưởi diễn trong vườn nhà ông thì chẳng năm nào đỗi vụ cả. Ông Hinh kể rằng, qua các mùa, cây nào sai cũng lên tới 300 quả. Quả nhiều thế mà theo ông Hinh, ông không cần tốn công để cắm cây chống đỡ hay buộc dây đỡ quả vì tán bưởi vươn khá gọn nhưng lại khá cứng khỏe nên có thể nâng hàng trăm quả mỗi cành.
Đến tháng chạp, chuẩn bị đón tết, gia đình ông Hinh mới thu hái bưởi. Phần để ăn tết, phần để bán cho người dân. Ông Hinh cho biết rằng, ông chẳng cần bán đâu xa hay đưa ra ven đường mà chỉ 1-2 ngày là cả bườn bưởi của gia đình ông đã được bán tại chỗ. Vào dịp giáp tết, quả to, đẹp bán được 35.000 đồng/quả, quả nhỏ hơn từ 25-30 ngàn đồng/quả. Nhờ vậy, qua mỗi mùa bưởi, chỉ trong từng ấy diện tích đất vườn đã mang lại cho gia đình ông Hinh trên 20-25 triệu đồng. Ngoài ra, dưới tán bưởi, gia đình ông còn kết hợp nuôi gà thả vườn và hơn chục tổ ong lấy mật. Vì thế, hằng năm, nguồn thu từ cách làm kết hợp này đã giúp gia đình ông Hinh ổn định cuộc sống từ nguồn thu nhập chính đáng.
Chia tay ông Trần Văn Hinh bên khu vườn bưởi diễn đang rực vàng mùa quả ngọt. Hương bưởi lừng lựng lan tỏa khắp khu vườn. Cây bưởi diễn đã thực sự thích nghi với vùng đất này. Và điều quan trọng là sự mạnh dạn, quyết tâm và tấm lòng của người trồng đã làm cho bưởi quý “bén duyên” nơi đất lạ.
Nguyễn Thế Lượng