Quê tôi ở miền trung du Hạ Hòa, nơi có rừng cọ đồi chè xanh thẳm uốn lượn quanh những cánh đồng bát ngát. Chẳng biết từ bao giờ, cây cọ trung du bám rễ sâu miền đất thân thương này và đi vào tâm hồn mỗi người dân quê tôi. Mẹ bảo, quê mình đất sắn, đất cọ, đi đâu, chỗ nào cũng thấy những đồi cọ mọc lên xanh tốt và trùng điệp. Và từ bao đời nay, cây cọ đã trở thành biểu tượng cho sức sống của những con người cần cù, lam lũ quê mình. Nhà tôi ở ngay dưới tán cọ xanh rờn, lấp lóa. Mọc xung quanh nhà, những cây cọ tua tủa những cành gai như những thanh kiếm vung lên trời xanh vậy. Quanh năm, người dân vùng trung du quê tôi không chỉ lấy lá cọ che đầu mà còn tạo ra những món ăn vừa ngon vừa lạ lại vừa dân dã từ cây cọ.
Mùa quả cọ về, những trái cọ tím bầm căng bóng trên ngọn cao, người dân quê tôi trèo lên tận ngọn để hái những quả vừa ngon. Mùa này, ẩm thực vùng trung du quê tôi lại có thêm một dư vị quen thuộc mà nồng nàn khó quên. Quả cọ ỏm trong nồi nước sôi lăn tăn chừng mười lăm phút là chín. Quả cọ ỏm ăn mềm, béo ngậy, vàng ươm như quả trám đen vậy. Ăn mãi không chán. Mẹ còn chọn những trái cọ ngon ở những cây cọ cao và già để làm món dưa cọ. Có lẽ chỉ ở vùng quê này, chỉ trong bàn tay của mẹ, trái cọ đã trở thành một món dưa vừa có vị chua chua, vừa bùi bùi lại vừa béo. Người dân quê tôi nắm cơm bằng lá cọ non. Nhìn thấy nắm cơm bọc lá cọ vừa thơm vừa dẻo, ai cũng biết đó là người trung du Phú Thọ rồi. Mộc mạc là thế, bình dị là thế nhưng từ bao đời nay, cơm nắm lá cọ là nguồn nuôi dưỡng bao thế hệ.
Người dân miền trung du Hạ Hòa còn chế món xôi cọ ăn vừa dẻo vừa bùi. Xôi cọ được làm từ gạo nếp và quả cọ. Vào giữa Tháng 11, tháng 12 âm lịch thì cọ cũng bước vào mùa già quả và bắt đầu chín. Khi cọ chín, người dân quê tôi bắt đầu đi hái quả về để làm món xôi cọ. Quả cọ có hai loại, cọ nếp và cọ tẻ, đối với cọ nếp thì quả to, tròn và dẻo, mỡ và ngậy hơn cọ tẻ. Sau khi chọn được những cành cọ với quả cọ ngon, quả cọ mang về sẽ được rửa sạch, để ráo nước, sau đó được cho vào rổ nan xóc sạch vỏ và cho vào nồi nước bắc lên bếp lửa đun và khuấy đều cho đến khi nước nóng khoảng 70 độ, sau đó đậy vụng khoảng 15 đến 20 phút để cọ chin. Khi cọ đã chín người ta đổ quả cọ ra rổ chờ nguội và dùng ngón tay tách nhẹ nhàng từng phần thịt vàng óng của cọ. Sau khi đã chuẩn bị xong thịt cọ, thì việc chọn gạo nếp để xôi cũng là khâu rất quan trọng, người ta thường chọn gạo nếp hạt tròn, bóng mẩy, đem ngâm 3 đến 4 tiếng sau đó được trộn và bóp nhuyễn với thịt cọ, xóc chút muối rồi cho vào chõ xôi, đun vừa lửa khoảng một tiếng. Khi cùi và tinh dầu quả cọ đã ngấm vào gạo nếp và chuyển sang màu gạch cua, mùi thơm của gạo nếp, mùi ngậy của quả cọ đã bay khắp gian nhà thì cũng là lúc món xôi cọ đã chín. Khi thưởng thức món xôi cọ, ta cảm nhận có một thứ hương vị rất riêng biệt, vị ngậy thơm của quả cọ và gạo nếp. Những vị hết sức riêng biệt này đã làm nên món xôi cọ đặc trưng và khó có thể lẫn vào đâu.
Từ thân cây cọ non, người dân miền trung du quê tôi dày công chặt về, bóc lấy lõi bên trong vừa trắng vừa mềm rồi thái lát thành từng lát mỏng sau đó xào với rau mùi tàu ăn vừa mát vừa bổ. Ngay cả khi cây cọ khô, mục thì người dân nơi đây vẫn chế được món đặc cầu kỳ và độc đáo. Chỉ cần cho thân cây cọ khô mục nằm xuống nền đất ẩm khoảng 1-2 tháng là từ bên trong lõi thân mục xuất hiện những chú nhộng trắng tinh. Người ta gọi đá là nhộng cọ. Loại nhộng này ăn mùn của cây cọ mà béo mẫm và lớn lên. Khi nhộng bằng đầu ngón tay trỏ là có thể dùng để chế biến thành món ăn. Người ta bổ thân cây cọ ra và bắt những chú nhộng căng tròn, béo mẫm về rửa sạch, cho vào chảo chao với dầu ăn hoặc mỡ heo cho vàng ruộm rồi rắc lá chanh thái nhỏ là được một món ăn vừa lạ vừa bổ dưỡng. Món ăn này rất hiếm vì không phải lúc nào người dân cũng nuôi được nhộng cọ.
Cây cọ quê tôi, tưởng như gai góc, khô cứng, cứ ngỡ dùng để che nắng che mưa bên những căn nhà lá đơn sơ vậy mà mỗi mùa, cây cọ lại cho con người những món ăn đậm đà chất quê, thưởng thức một lần rồi nhớ mãi. Người dân miền trung du quê tôi ăn đời ở kiếp với cây cọ để rồi trước khi “khuất núi”, người già quê tôi lại gọi con cháu lại đưa mình lên ngắm nhìn cây cọ lần cuối hoặc được ăn món ăn được chế biến từ cây cọ thì mới yên lòng nhắm mắt.
Nguyễn Thế Lượng