Ở Hạ Hòa, người dân có thói quen trồng và chăm sóc mít rất cẩn thận. Đó là hằng năm, sau một mùa quả, người ta tiến hành “rửa mít”, nghĩa là tỉa những cuống mít đã cho quả, những cành nhỏ trên thân cây. Rồi phong tục từ bao đời của người dân quê vùng trung du Hạ Hòa làm vào mỗi dịp tết đoan ngọ, mùng 5 tháng 5 là “khảo mít”. Đúng 12 giờ trưa mùng 5, chủ mít sai đứa trẻ trèo lên những cây mít ít ra quả, sau đó dùng dao bập vào gốc cây rồi tra hỏi vì sao mít không ra quả. Ở trên ngọn, đứa trẻ trả lời thay mít và hứa sang năm sẽ ra nhiều quả hơn. Nghe có vẻ hấp dẫn nhưng thực chất là người ta dùng dao bập vào thân cây, mít đau, nhựa ứa ra. Và rồi từ vết thương ấy sẽ tích tụ thành những mầm quả non ở mùa sau.
Vào mùa mít chín, không cần trèo lên cây vỗ mà chỉ cần quan sát và theo dõi lũ bướm bay lượn trong khu vườn. Nếu bướm dừng và đậu lâu ở quả nào thì quả đó sẽ chín. Quả chín đầu tiên của mùa mít tỏa hương thơm khắp khu vườn, báo hiệu một mùa mít đã về.
Ở vùng quê Hạ Hòa, trong khu vườn nhà, người dân quê trồng nhiều loại mít, có biết bao cây nhưng không cây nào giống cây nào. Mỗi cây có một vị ngon khác nhau. Có cây mít na quả nhỏ, da nhẵn, bóng mượt, múi nhỏ ăn thơm và ngọt. Có cây múi dài, mật đầy bên trong, có cây múi nhỏ nhưng dày và ngọt. Rồi có cây quả da xanh ngắt mà bên trong vàng ươm một màu…có cây là giống mít mật, có cây mít dai. Nhiều lắm, mỗi cây, mỗi vị thơm ngon khác nhau trên cùng một vị đất quê trong vườn nhà.
Thú vị nhất là khoản đóng cọc cho mít. Mít khác với chuối ở chỗ là không cần giấm mà chỉ cần lấy cây xoan tươi hay cây sắn vót nhọn một đầu rồi đóng vào chính giữa núm mà người dân Hạ Hòa gọi đó là “đóng nõ” và không quên rắc vào đó một nhúm muối để tạo độ nóng. Như thế, vài hôm sau là mít sẽ chín thơm lừng lựng.
Mùa mít, ngày hè tuy nóng bức nhưng hầu như ngày nào người dân cũng ăn mít, nhiều khi ăn no mít mà quên cả ăn cơm. Mít chín có giờ, cứ khoảng 10 giờ sáng là lác đác những quả sẽ tỏa mùi thơm. Những trái mít mật nếu không để ý kỹ có khi tụt cuống và rơi xuống đất lúc nào không hay.
Có năm, mất mùa lúa, đói mòn đói mỏi, thì mít là loại quả cứu cánh cái đói trong nhiều năm dài. Không chờ đợi mít chín, quả mít xanh được hái xuống, bóc múi, cho vào trộn với cơm ăn cho no bụng. Rồi múi mít để cả xơ cho lên nồi xôi chín ăn kèm vào những bữa cơm. Những bà mẹ quê ở Hạ Hòa còn dùng xơ mít xào lên hoặc muối chua thành những món ăn vừa quen vừa lạ. Nhưng nhớ nhất, có lẽ là món hạt mít. Những ngày đói, hạt mít được người dân quê độn với cơm. Rồi hạt mít được phơi khô lùi vào tro bếp luộc ăn ngọt lừ.
Ngày nay, người dân Hạ Hòa ít trồng mít cổ thụ hơn mà thiên về trồng mít tố nữ, mít Thái Lan, mít loại cây nhỏ cho đỡ tốn diện tích vườn nhà. Quả mít ngày nay có giá trị hơn về kinh tế, bán đắt hơn, nhiều người mua hơn.
Mít Hạ Hòa thơm ngon nổi tiếng, ai có dịp đi qua miền quê này đều dừng chân mua một vài quả mít về làm quà.
Nguyễn Thế Lượng