Mỗi vụ lúa qua đi, người nông dân ở Hạ Hòa lại tấp nập làm đất để gieo hạt ngô xuống. Thường thì người ta ươm sẵn ngô bầu rồi chờ gặt lúa xong buổi sáng là chiều có thể đặt bầu ngô. Chỉ vài hôm sau, ngô quen đất, quen tay người chăm sóc là bén rễ và sinh sôi nhanh chóng. Cả cánh đồng bạt ngàn những ngô là ngô, xanh ngắt một màu.
Sau ba tháng sinh trưởng và phát triển, ngô cho người nông dân thu hoạch như để trả ơn những giọt mồ hôi trên đồng ruộng. Ở quê, người dân thường trồng nhiều giống ngô, nhiều loại ngô, nhưng phải là giống ngô tốt, cho hạt nhiều, chất lượng tốt để không những phục vụ con người mà còn cung cấp lương thực cho chăn nuôi. Còn nếu là ngô để thưởng thức thì người dân Hạ Hòa chọn giống ngô nếp, bắp ngắn và nhỏ nhưng ăn thơm và dẻo.
Ở Hạ Hòa, mùa thu hoạch ngô đông vui tấp nập vì cả làng trồng ngô cùng ngày thì khi thu hoạch cũng cùng rủ nhau. Vì thế, những ngày thu hoạch ngô, ở quê, những món ẩm thực làm từ ngô được chính bàn tay người nông dân chế biến dễ đi vào dư vị trong lòng người. Chiều quê, tiết trời lành lạnh, mẹ bưng rổ ngô luộc từ bếp ra, khói nghi ngút, mùi thơm ngào ngạt, ngô thơm cái mùi thơm quen thuộc của đồng đất quê mình tự bao giờ. Khi thu ngô về, mẹ chọn lấy những bắp ngô bánh tẻ vẫn còn chút sữa ở đầu hạt, bóc bớt lớp áo ngoài, chỉ để một lượt vỏ cho ngọt nước rồi cho vào nồi luộc. Chỉ độ nửa tiếng luộc trên bếp lửa, hạt ngô mềm ra, căng tròn, thơm nức. Hạt ngô đều chằn chặn, từng hàng óng ả. Cả nhà quây quần bên rổ ngô luộc trong tiết trời mùa đông càng thấy ấm áp. Ai ai cũng nghe thấy vị ngọt của ngô, vị mặn của mồ hôi và vị nồng của đồng đất quê mình. Khi ăn xong bắp ngô, không ai quên múc cho mình một bát nước ngô ngọt lừ trên nồi còn nóng nghi ngút.
Ngày bẻ ngô, bà cặm cụi nhặt những nắm râu ngô còn bám trên bắp để làm đồ uống. Từ lâu, đông y khẳng định râu ngô là một vị thuốc thanh nhiệt, giải độc, mát gan và lợi tiểu. Vì vậy, mùa nào cũng thế, bà không quên giữ lại vị thuốc quý chỉ có ở đồng quê này. Bà phơi râu ngô dưới nắng sớm, cho lên chảo xao qua lửa cho râu ngô nổi mùi thơm rồi cất vào túi làm đồ uống dần. Bất kỳ ngày nắng hay ngày mưa, đông hay hè, bà nấu nước râu ngô cho cả nhà uống. Bát nước sóng sáng, vàng nhạt, thơm mùi thơm của ngô đồng, uống vào thấy sảng khoái tinh thần, lòng dạ như được thanh lọc bao độc khí.
Mùa ngô, những đứa trẻ quê ríu rít chạy khắp ruộng ngô để tìm những bắp ngô non choẹt, không ra hạt để chế thành món ăn mới. Người dân quê Hạ Hòa gọi đó là ngô bao tử, bắp non được bó vỏ, lộ nguyên bằng đầu ngón tay cái bao tử ngô vàng ươm hoặc trắng nõn nà, ăn sống cũng thấy ngon. Về nhà, đến bữa, những bà mẹ quê cho ngô bao tử vào chảo mỡ xèo xèo, đảo qua đảo lại vài lượt thế là được một đĩa ngô xào vừa ngọt, vừa giòn lại cực kỳ bổ dưỡng. Hẳn món ăn này chẳng phải ở đâu cũng có được.
Mùa ngô về, người dân Hạ Hòa lấy ngô nếp trắng tròn trộn với gạo nếp để đồ xôi. Ở Hạ Hòa có nhiều loại xôi nhưng không hiểu sao, chẳng năm nào người dân nơi đây quên món ăn dân dã này. Đĩa xôi dẻo thơm ở hạt gạo, ngọt bùi ở ngô làm cho ai ai cũng thấy ngon miệng. Những trưa hè oi ả, người dân Hạ Hòa còn trổ tài nữ tính của mình bằng món chè ngô ngon đáo để. Vị thanh mát của bột đao cộng với vị ngọt, giòn của hạt bắp đã truyền vào lòng người vị mát, vị thảo thơm nơi thôn dã.
Mùa ngô, mùa vàng nơi thôn quê Hạ Hòa, có những mùa ngọt bùi như thế !
Nguyễn Thế Lượng