Củ từ - món ăn dân dã ở vùng quê Hạ Hòa
Củ từ - món ăn dân dã ở vùng quê Hạ Hòa
|
Từ là loại cây trồng lấy củ, giống cây này thích hợp với nhiều loại đất, trong đó đất ruộng khô và đồi núi thấp rất thích hợp cho cây củ từ phát triển. Vì vậy, ở hầu hết các xã trên địa bàn huyện Hạ Hòa, người nông dân trồng củ từ để lấy củ. Từ các xã có nhiều đồi núi thấp Ấm Hạ, Hà Lương, Phương Viên, Hương Xạ cho đến các xã vùng thấp hơn như Minh Hạc, Vĩnh Chân, Văn Lang, Minh Côi, Chuế Lưu, người dân trồng từ như một loại cây trong đời sống nông nghiệp của mình. Củ từ được đặt luống xuống đất sau tết nguyên đán rồi sinh trưởng và phát triển đến tháng 9 tháng 10 âm lịch là có thể thu hoạch. Bởi vậy, vào dịp này, trên đồng đất ở những miền quê Hạ Hòa, người nông dân tấp nập thu hoạch củ từ. Và cũng vào thời điểm này, miền quê Hạ Hòa có thêm những món ăn đậm đà từ loại củ dân dã này.
Củ từ Hạ Hòa ăn có vị ngọt, thơm, bở và có vị đặc trưng. Vì vậy, loại củ này đã đi vào những món ăn được người dân Hạ Hòa gìn giữ từ bao đời nay. Phổ biến nhất và ấn tượng nhất là món canh củ từ. Củ từ được đào về, gọt sách vỏ sau đó cho vào nấu với xương lợn hoặc thịt gà băm miếng nhỏ. Khi chế biến, người ta thường ninh mềm xương để lấy nước ngọt sau đó mới cho củ từ vào, khoảng chừng 20-25 phút là củ từ chín và cho bát canh ngon. Vào mùa đông giá lạnh, thưởng thức canh củ từ ở miền quê Hạ Hòa làm cho ai cũng cảm thấy dễ chịu và đậm đà dư vị. Ấy là nhờ vị ngọt thơm, mềm của củ từ, vị béo của xương làm nên chất nước canh ngọt lừ, mang lại cảm giác của vị giác cho người thưởng thức. Bát canh củ từ có màu sắc hài hòa. Có màu trắng của từ, màu nâu của xương lợn, màu điểm xanh của hành lá. Càng nhìn, càng hấp dẫn và muốn thưởng thức. Canh củ từ được người dân Hạ Hòa chế biến thường ngày trong bữa cơm gia đình nhưng món canh này cũng được chế biến trong mâm cỗ cưới hỏi hay công việc lớn. Nhờ vậy, sự gần gũi, dân dã của món ăn này càng làm ấm lòng thực khách, khơi gợi hương vị quê hương ngọt ngào.
Người dân trong các xóm làng ở Hạ Hòa từ lâu còn chế biến món chè củ từ. Món ăn này khá độc đáo, không phải nơi nào cũng làm. Vào vụ thu hoạch củ từ, các bà mẹ quê trổ tài món ăn độc đáo và mang nặng tình quê này. Nhờ củ từ có tính dẻo, màu trắng, vị thơm, thanh nhẹ nên người dân Hạ Hòa dùng từ để nấu chè, loại chè rất hiếm gặp. Củ từ được gọt sạch vỏ, xôi lên chín mềm sau đó tiến hành nấu chè. Muốn có bát chè từ ngon và bắt mắt, người dân Hạ Hòa chọn cho mình loại mật mía ngon, sánh để nấu chè. Sau khi cho mật lên nồi đun sôi, người ta cho củ từ đã xôi chín vào, dùng đũa cả khuấy cho mật bám đều vào củ từ rồi đánh quyện củ từ thành bột. Cứ như thế, dùng đôi đũa cả khuấy đều tay bao giờ từ và mật trong nồi đặc quyện, ráo nồi người ta mới cho thêm gia vị là nước gừng hoặc gừng giã nhuyễn. Công đoạn tưởng như đơn giản nhưng khá cầu kỳ vì nếu khuấy không đều tay, củ từ và mật quyện với nhau không đều hoặc củ từ bị bén nồi dễ cháy và có mùi khét. Chè từ khi thưởng thức sẽ mang lại dư vị vừa quen vừa lạ, đọng lại là vị thơm béo của củ từ, vị thơm cay của gừng và vị thanh ngọt của mật mía.
Mùa củ từ, người dân Hạ Hòa chế biến món xôi từ khá ngon và hấp dẫn. Không có gì lạ khi người ta dùng gạo nếp nấu xôi nhưng người dân Hạ Hòa đã biết kết hợp giữa gạo nếp và củ từ để làm món xôi từ. Gạo nếp ngon được ngâm qua đêm, củ từ được gọt sạch, ngâm qua nước cho hết nhựa sau đó trộn đều giữa gạo và củ từ cho lên đồ xôi. Khi chín, hạt gạo nếp tròn mẩy, căng bóng bám vào thân những củ từ. Còn củ từ thì vừa mềm, vừa bở tung, nứt nẻ nhìn đã muốn thưởng thức. Xôi từ vừa béo, vừa dẻo, vừa bùi và giàu dinh dưỡng. Món ăn này được người dân Hạ Hòa hay chế biến vào mùa đông.
Về Hạ Hòa những tháng cuối năm, trên đồng đất nơi thôn quê, người nông dân tấp nập thu hoạch củ từ, một đặc sản đã gắn bó sâu nặng với người nông dân nơi đây. Vào các phiên chợ, người ta không khó để tìm thấy những bà cụ bán rổ từ luộc, những bà mẹ quê gánh từ đi bán. Người dân Hạ Hòa thảo thơm, mến khách vẫn mời chào khách mua củ từ bằng câu nói dân dã đầy dí dỏm: “ Củ từ Hạ Hòa thơm và bở đến bánh khảo cũng phải chạy theo đấy”. Dù cuộc sống có sung túc, mâm cỗ có đủ đầy đến mấy, người dân Hạ Hòa không quên mời khách phương xa và người thân trong gia đình mình những món ăn được chế biến bằng củ từ như muốn gửi chút ấm của tình quê dân dã mà đặm sâu.
Nguyễn Thế Lượng