Về Hiền Lương thưởng thức bánh gai
Bánh gai là thứ bánh có ở nhiều vùng trong cả nước ta nhưng không hiểu sao, ai đã từng sinh ra, lớn lên, đi làm ăn xa hay cả đời gắn bó với mảnh đất Hiền Lương hoặc du khách đến viếng thăm Đền Mẫu Âu Cơ đều thấy bánh gai Hiền Lương đậm đà dư vị và khó lòng quên được. Theo những bậc cao niên trong các thôn của Hiền Lương thì bánh gai không rõ có mặt ở Hiền Lương từ bao giờ nhưng khi họ còn bé thơ đã thấy chiếc bánh gai dẻo thơm được làm từ bàn tay khéo léo của những bà mẹ quê quanh năm tần tảo với ruộng đồng. Điều đó chứng tỏ rằng, bánh gai Hiền Lương đã có từ lâu rồi và đến nay không bị mất đi mà được người dân nơi đây gìn giữ bao tháng bao năm.
Chiếc bánh gai ở Hiền Lương không chỉ đơn thuần là một thứ bánh làm ra ăn cho no bụng mà nó là một nét văn hóa của người dân nơi đây, gắn liền với cây lúa nước và giá trị của hạt gạo do chính bàn tay người nông dân Hiền Lương một nắng hai sương làm ra. Để có được những mẻ bánh gai ngon, dẻo, thơm như đúng vị bánh từ truyền thống lâu nay, người Hiền Lương vào vụ cấy đã khéo léo và cẩn thận chọn cấy những giống nếp đặc sản hạt tròn mẩy, dẻo, thơm. Gạo nếp để làm bánh gai chắc chắn phải “nguyên chất” chứ không pha tạp giống lúa khác. Sau mỗi vụ thu hoạch lúa, người dân Hiền Lương lại làm bánh gai để thưởng thức và mang ra chợ bán. Vậy là, quanh năm, dư vị ẩm thực nơi đồng quê Hiền Lương không thể thiếu bánh gai. Vì bánh gai là món bánh truyền thống nên nhà nhà ở Hiền Lương đều trồng ở góc vườn hay bờ mương một bụi cây lá gai để lấy lá làm bánh. Lá gai già được cắt về, phơi khô sau đó đốt ra thành tro, cho lên dây để sàng lọc lấy những hạt tro gai nhỏ mịn để làm nguyên liệu cho bánh. Có nhà lại dùng lá gai tươi luộc lên lấy nước đen làm bánh. Nhưng đa số là đốt lá gai lấy tro vì như thế, bánh mới thơm thơm mùi lá.
Cách làm bánh gai tưởng như đơn giản nhưng khá cầu kỳ. Bột gói bánh phải được xay bột nước, vắt ráo nước, chộn với bột tro của lá gai và mật míasau đó dùng tay nhào đi nhào lại cho bột, mật mía và lá gai hòa quyện thành một màu đen sẫm. Người dân Hiền Lương dùng hạt vừng trắng để rắc xung quanh bánh cho thơm và hấp dẫn hơn. Khi ấy, người ta mới cho nhân vào giữa và gói. Nhân bánh gai phải là nhân bằng đậu xanh, nấu với mật thành chè kho màu nâu sẫm, thêm ở giữa mấy lát dừa trắng mỏng hoặc duôi ra thành sợi nhỏ. Lá để gói bánh gai là lá chuối khô trong vườn nhà. Mà phải là lá chuối khô tự nhiên trên cây chứ không được phơi từ lá tươi.
Bánh gai Hiền Lương khi xôi chín, bóc ra, một màu đen tuyền bóng mượt ở lớp bột, màu vàng nhạt của những hạt vừng, bên trong là màu vàng của chè kho điểm xuyết màu trắng của sợi dừa. Khi ăn, bánh gai Hiền Lương sẽ mang lại cho người ăn những cảm nhận khác nhau về dư vị. Khi bóc, bánh sẽ tỏa ra một mùi thơm hỗn hợp, dễ chịu. Có vị thơm ngai ngái của lá chuối khô, có vị thơm nồng của bột gạo nếp, vị thanh của vừng. Khi ăn, bánh gai có vị mềm của vỏ bột hòa vào hạt vừng nhỏ lật bật, vị thơm bùi, ngọt thanh của nhân chè kho bên trong cộng với cái lật sật của sợi dừa làm cho thực khách có nhiều cảm nhận thú vị. Khi gói bánh gai, người Hiền Lương không bao giờ dùng dầu chuối mà phải để cho các nguyên liệu từ lá bánh đến nhân bánh tỏa ra mùi thơm tự nhiên và đặc trưng.
Chiếc bánh gai Hiền Lương từ nguyên liệu, cách chế biến và hương vị mang trong nó chất đồng quê không lẫn với vùng miền nào. Tất cả những gì bàn tay người nông dân làm được đều gửi gắm vào chiếc bánh gai tuy đơn sơ, quê mùa mà đậm đà tình người nơi thôn quê. Vào những ngày lễ tết, lễ cưới, hội làng, người dân Hiền Lương làm bánh gai để thưởng thức và làm thức quà gửi đến phương xa. Chợ phiên Hiền Lương dù có nhiều mặt hàng nhưng không thể thiếu hình ảnh những bà mẹ quê bên thúng bánh gai thơm nức. Đặc biệt, khi du khách thập phương về dự Lễ Hội Đền Mẫu Âu Cơ thì bánh gai Hiền Lương là một đặc sản không thể thiếu làm ấm lòng những người con Đất Việt.
Nguyễn Thế Lượng